Thực Hiện Nghiêm Các Biện Pháp Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm
Trước tình hình có nhiều mẫu xét nghiệm gia cầm tại các huyện: Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Phù Mỹ cho kết quả dương tính với cúm A (H5N1) và nguy cơ bùng phát dịch rất cao, vừa qua Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra tình hình thực tế dịch cúm gia cầm (DCGC) tại một số địa phương trong tỉnh...
Xuất hiện nhiều ổ dịch
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, từ ngày 15.1 đến ngày 15.2, DCGC đã xuất hiện trên đàn gà 250 con tại 3 hộ chăn nuôi gà thịt ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), đàn gà thịt 280 con tại xã Tây Vinh (Tây Sơn), đàn vịt 300 con ở xã Cát Sơn (Phù Cát).
Đồng thời, theo thông tin từ Cơ quan Thú y vùng IV, 7 mẫu gia cầm do Chi cục Thú y tỉnh lấy từ đàn gia cầm của 7 hộ chăn nuôi ở xã Cát Nhơn, Cát Lâm, Cát Sơn (Phù Cát); Mỹ Châu (Phù Mỹ); Hoài Hảo (Hoài Nhơn); Tây Vinh (Tây Sơn) gửi xét nghiệm ngày 21 và 22.2 đều cho kết quả dương tính với vi rút cúm A (H5N1).
Ngoài ra, kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các chợ, lò giết mổ động vật tại một số địa phương trong tháng 1 và tháng 2 cho thấy, tỉ lệ mẫu dương tính vi rút cúm A H5N1 vẫn ở mức cao, chiếm tỉ lệ 51,2%, cao hơn mức trung mình năm 2013. Như vậy, ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều ổ DCGC và loại vi rút cúm A (H5N1) đang lưu hành trong môi trường, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch là rất cao.
Điều đáng lo ngại hiện nay là nhận thức của người chăn nuôi và một số chính quyền địa phương về sự nguy hại của loại dịch bệnh này còn hạn chế.
Việc kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh ở cơ sở cũng chưa tốt. Thực tế tại xã Tây Vinh cho thấy, khi phát hiện gia cầm bị chết, có hộ báo cáo với lực lượng thú y và chính quyền địa phương, nhưng cũng có nhiều hộ đã vứt xác gia cầm ra kênh mương nội đồng. Một số hộ tự chôn lấp gia cầm không đúng quy trình kỹ thuật.
Trong khi đó, lực lượng thú y và chính quyền địa phương giám sát hoạt động chăn nuôi gia cầm ở địa phương chưa tốt; sự phối hợp giữa lực lượng thú y và người chăn nuôi cũng thiếu chặt chẽ. Việc phản ứng và xử lý tình hình dịch bệnh chậm. Hiện người chăn nuôi và lực lượng thú y, chính quyền địa phương chưa thống nhất được số lượng gia cầm bị chết để được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của tỉnh.
Chủ động các biện pháp ứng phó
Làm việc với UBND tỉnh và một số sở, ban ngành của tỉnh, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT rất quan tâm đến các vấn đề: Khống chế các ổ DCGC; giám sát tình hình dịch bệnh ở cơ sở và công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan; việc công bố dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nguôi có đàn gia cầm bị chết do DCGC.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y nhanh chóng kiểm tra, xác minh, thu thập mẫu gửi xét nghiệm và điều tra dịch tễ; phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị dịch cúm A (H5N1), không chờ kết quả xét nghiệm và đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, thông báo với ngành Y tế phối hợp kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm ở người. Hiện các ổ dịch đã được khống chế, không có tình trạng lây lan ra đàn gia cầm của các hộ chung quanh. Hiện nay, chưa phát hiện thêm trường hợp nào ở gia cầm có dấu hiệu bị DCGC.
Ngoài ra, từ ngày 10.2 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng chống DCGC cho trên 3,7 triệu con gia cầm; tiêu độc, khử trùng 12,5 triệu m2 chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Chi cục Thú y đã phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác tiêm phòng, phòng chống dịch; chủ động chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, vật tư hóa chất sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương ứng phó khi xảy ra DCGC.
Chi cục Thú y cũng đã thành lập 3 đoàn công tác, phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán gia cầm tại các chợ, lò mổ gia cầm, chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia cầm không đúng quy định tại các chợ có mua bán gia cầm. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường ra vào tỉnh.
Tăng cường giám sát, quản lý chăn nuôi, xuất nhập, tái đàn gia cầm ở cơ sở và thu thập mẫu xét nghiệm, giám sát DCGC tại các chợ, lò giết mổ gia súc, gia cầm; đánh giá mức độ lưu hành vi rút cúm gia cầm để cảnh báo sớm và chủ động phòng, chống dịch (hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh đang giám sát tại 9 chợ có bán gia cầm và 1 lò mổ gia cầm).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà: Quan điểm của tỉnh là không giấu dịch, nhưng hiện nay tỉnh đã khống chế được các ổ dịch và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống DCGC. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương ứng trước kinh phí, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có đàn gia cầm bị chết do dịch bệnh, đã được tiêu hủy theo đúng quy định.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ thêm cho tỉnh 3 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm và hỗ trợ tỉnh trong việc xét nghiệm, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao công tác phòng, chống DCGC của tỉnh, đồng thời yêu cầu tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát dịch ở cơ sở; tập trung tiêm vắc-xin phòng, chống DCGC cho đàn gia cầm; tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và tại các chợ; thường xuyên lấy mẫu để xét nghiệm, xác định đúng dịch bệnh, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả hơn. Bộ NN-PTNT giao Cơ quan Thú y vùng IV hỗ trợ tỉnh việc xét nghiệm mẫu gia cầm trong thời gian nhanh nhất...
Có thể bạn quan tâm
Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao lên tới 38 - 39oC nếu kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng, năng suất thịt của đàn lợn.
Nhờ trồng bí xanh rải vụ, nhiều nông dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có thu nhập cao, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Ngày 18/8, thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết, cơ quan này phối hợp với Sở KH-CN tập huấn cho nông dân tại bốn xã An Cư, An Hòa, An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) về đặc tính của các loại đất mặn và kỹ thuật canh tác lúa.
Cho vay tái canh cà phê (TCCP) là chỉ đạo của Chính phủ và là giải pháp rất hiệu quả để cải tạo, trồng mới diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh… bằng các giống cà phê có năng suất - chất lượng cao. Đồng thời phát triển cây cà phê bền vững, nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam và tăng thu nhập cho người nông dân.
Thực hiện quyết định 01/2015/QĐ-UBND, ngày 8/1/2015 của UBND tỉnh Trà Vinh về mức hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xã Kim Sơn (Trà Cú, Trà Vinh) đã xây dựng “Mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía nguyên liệu” với quy mô 22,35 ha tại ấp Xoài Rùm. Kết quả bước đầu đã mang lại hiệu quả, báo hiệu một vụ mùa bội thu.