Trồng chanh tứ thời lãi hơn 10 triệu đồng/tháng
Giống chanh tứ thời đang được trồng nhiều ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bởi đây là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu từ 100 - 130 triệu đồng/ha, lại dễ chăm sóc, không cần đầu tư nhiều.
Ông Học bên vườn chanh tứ thời
Nhiều hộ đã trồng từ 200 - 300 gốc. Ông Đào Trung Học, thôn 5 cho biết: “Nhà tôi trồng chanh bán quả từ năm 1985 nhưng bắt đầu trồng giống chanh tứ thời từ năm 1990. Một lần vào TP Vinh (Nghệ An) chơi, thấy vườn chanh tôi thích quá.
Cây ra nhiều quả mà có quả quanh năm, tôi liền mua gần chục gốc về trồng. Thấy giống chanh một mùa đang trồng không hiệu quả kinh tế bằng, lại nhiều gai, khó chăm sóc nên tôi chặt bỏ và nhân giống trồng toàn bộ chanh tứ thời.
Đến giờ tôi trồng được gần 200 gốc, trung bình bán với giá 20.000 đ/kg cho thương lái và bán lẻ quanh xóm, mỗi năm thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng. Những năm gần đây nhiều người ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên…đến mua chanh giống về trồng, tôi chiết cành bán với giá từ 25.000 - 30.000 đ/cây cũng thu được gần 60 triệu đ/năm. Dự tính sang năm tôi nhân giống trồng thêm 200 gốc nữa”.
Theo ông Học, giống chanh này dễ trồng nhưng phải để ý chăm sóc không rất dễ bị sâu đục thân, nấm quả và nấm lá. Bón phân chuồng cho quả đẹp, mọng nước. Giống chanh này ra quả quanh năm, các đợt quả gối nhau, mỗi năm 1 cây cho hái 3 - 4 lần. Nếu chăm sóc tốt, có cây cho hơn 1 tạ quả là chuyện bình thường.
Được tận mắt thấy hiệu quả kinh tế từ giống chanh này, gia đình ông Mai Ngọc Hồi mua giống về trồng cũng được gần 10 năm. Ông cho biết: "Mới đầu gia đình trồng thử thấy hiệu quả hơn trồng chè.
Sau đó nhân gốc trồng thêm, đến giờ cũng được 80 gốc, mỗi năm thu được 60 - 70 triệu đồng mà không phải vất vả nhiều. Hơn nữa lại tận dụng được lượng phân chuồng để bón nên không phải đầu tư nhiều. Trồng ở nơi đất ẩm, xẻ rãnh sẽ đỡ mất công tưới nước.
Nhưng nhà trồng ở đất vườn hơi khô nên mùa này mất nhiều công tưới. Để chanh mọng nước ra nhiều quả cứ 3 tháng tưới đạm và kali 1 lần. Cuối năm bón thêm phân chuồng cho đất tơi xốp, giúp cây phát triển để nuôi chồi và hoa".
Gia đình ông Phạm Ngọc Viên đầu năm 2014 cũng mua 70 gốc chanh tứ thời về trồng. Cây thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Ông còn tận dụng được nguồn phân lợn để tưới, đến giờ một số cây bắt đầu ra quả. Dự tính sang năm những gốc chanh này cho thu hoạch.
Theo ông Lương Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, cây chanh tứ thời đang phát triển rất mạnh ở xã, có hộ trồng từ 0,5 - 1 ha. Một số hộ không chỉ trồng chanh bán quả mà còn cung cấp cây giống cho các vùng lân cận và các tỉnh. Xã khuyến khích nhân rộng mô hình trồng giống chanh này, đồng thời mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng cho bà con.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Gia Lâm, Hà Nội nuôi giun quế để bán giun thành phẩm, phân sạch và dịch nhầy để làm giàu.
Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất phổ biến, tại Việt Nam từ năm 2018 các địa phương giáp biển đều áp dụng
Đây là mô hình có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.