Thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp bằng PPP
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư ở Việt Nam” tổ chức ngày 8-10 tại Hà Nội.
Những rủi ro khó lường của sản xuất nông nghiệp, nhất là rủi ro thiên tai, dịch bệnh... làm cho đời sống của người nông dân bấp bênh.
Đây là lý do ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, nhằm góp phần đảm bảo đời sống của người nông dân.
Đồng thời, tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng khiến người nông dân có ý thức sản xuất hàng hóa theo quy trình, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa.
Với Quyết định này, Bộ Tài chính đã hỗ trợ phí bảo hiểm với mức 100% đối với hộ nghèo; 60% đối với hộ cận nghèo và 12% đối với các tổ chức tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung vào cây lúa; vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng).
Ông Bùi Thanh Hải, Phó trưởng phòng phi nhân thọ thuộc Cục quản lý và giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính, cho biết tính đến nay, cả nước mới có hơn 304.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Giá trị bảo hiểm là 7.700 tỉ đồng, số tiền bồi thường là 712 tỉ đồng, và doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỉ đồng.
Con số này quá nhỏ so với con số 11 triệu hộ nông dân trên cả nước.
Ông Hải thừa nhận, quá trình triển khai cho thấy phạm vi, đối tượng và địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp là khá rộng trong khi thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều và tính chất mỗi địa phương là khác nhau.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp nên chưa hấp dẫn người dân tham gia.
Còn về phía người dân, nhiều hộ gia đình vẫn chủ yếu tham gia mang tính chất thăm dò, tính chủ động chưa cao.
Theo nhiều chuyên gia tham dự hội thảo, rủi ro quá lớn từ bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp.
Chính vì vậy, xây dựng mô hình hợp tác công-tư trong bảo hiểm nông nghiệp, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới, đang được Tây Ban Nha hỗ trợ Việt Nam triển khai, được cụ thể hóa bằng dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư” trong giai đoạn 2013-2015.
Dự án tập trung rà soát, phân tích đánh giá thực trạng bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị về tăng cường năng lực thể chế, xây dựng mô hình bảo hiểm nông nghiệp có sự liên kết công-tư cho cây cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẳng định không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp.
Có những quốc gia sau 20 năm triển khai thí điểm bảo hiểm trên lĩnh vực thủy sản mới triển khai chính thức trên phạm vi cả nước.
Thực tế, các công ty bảo hiểm trên thế giới đa phần là công ty tư nhân, tuy nhiên, riêng bảo hiểm nông nghiệp có đặc thù riêng, là một trong những dịch vụ công khá quan trọng, nhà nước cần đóng vai trò mạnh hơn để hỗ trợ cho cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển.
Qua khảo sát tại ba quốc gia là Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, có thể thấy Nhà nước đều hỗ trợ bảo hiểm dưới hai hình thức chính:
Phí bảo hiểm (đều hỗ trợ ít nhất là 50% phí bảo hiểm) và hỗ trợ chi phí tác nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Chính vì vậy, triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo mô hình PPP là hướng đi thích hợp để đẩy mạnh loại hình bảo hiểm này ở Việt Nam.
Được biết, Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2016-2018.
Có thể bạn quan tâm
Theo ADB, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, nhưng nông nghiệp đang yếu nhất khi Việt Nam mở cửa kinh tế.
Đúng như đánh giá ban đầu của các nhà máy đường, hiện giá thu mua mía nguyên liệu đang ở mức cao, bà con có nguồn lợi nhuận hấp dẫn;
Hiện nay giá sò huyết thương phẩm trên thị trường đang ở mức cao, nhiều hộ dân nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau hết sức phấn khởi.
Thuốc thú y, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản là những loại vật tư quan trọng quyết định hiệu quả của vụ nuôi thủy sản.
Để tận dụng thế mạnh, phát triển ổn định bền vững ngành thuỷ sản, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại hai khu vực: Đảo Hoi với diện tích 200ha và Bản Sen 1.000ha, đây là hai khu vực nuôi nhuyễn thể lớn nhất của huyện.