Thức ăn chăn nuôi nóng chuyện kiểm tra, rối việc khảo nghiệm
Trong khi đó, hễ thay đổi một chút về thành phần, hàm lượng trong TĂCN lại phải khảo nghiệm.
Tại cuộc họp cuối tuần qua với các DN trong ngành chăn nuôi tại khu vực phía Bắc nhằm khẩn trương tháo gỡ các khó khăn trước ngưỡng cửa nhiều hiệp định tự do hóa với quốc tế sắp có hiệu lực, hàng loạt các vấn đề vướng mắc đã được các DN thẳng thắn phản ánh với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
Tốn hàng tỉ đồng vì chờ kiểm định
Nhiều ý kiến của DN đã đồng loạt phản ánh sự phiền hà và kiến nghị cần thay đổi ngay cơ chế, thủ tục liên quan tới việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng đối với nguyên liệu TĂCN nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Quang, TGĐ Tập đoàn Quang Minh, một đơn vị NK nguyên liệu TĂCN rất lớn tại phía Bắc, cho rằng, theo quy định các lô hàng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu về qua cảng Hải Phòng đều phải được Cục Chăn nuôi trực tiếp lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, nếu đạt yêu cầu mới được thông quan.
Tuy nhiên, thời gian chờ đợi kết quả kiểm định chất lượng quá lâu, thường phải mất từ 7 đến 10 ngày, với hàng chục chỉ tiêu chất lượng. Trong thời gian chờ đợi, DN buộc phải lưu container tại cảng Hải Phòng với chi phí cắt cổ.
“Chi phí cho việc kiểm định chất lượng chỉ mất vài triệu đồng, nhưng phí lưu kho tới mấy trăm triệu đồng. Nếu thời gian chờ đợi dính vào thứ 7, chủ nhật nữa có khi phải lưu kho hơn 10 ngày, tốn hàng tỉ đồng” - ông Quang bức xúc.
Cùng quan điểm với ông Quang, đại diện các DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN cho rằng, nên chăng cần sớm thay đổi cơ chế kiểm tra chất lượng đối với nguyên liệu TĂCN nhập khẩu.
“Cục Chăn nuôi đã nắm rất rõ tên tuổi của các đơn vị XNK rồi, có đơn vị cả 10 năm nay chẳng vi phạm gì thì có nhất thiết lô hàng nào về cảng cũng phải lấy mẫu kiểm tra, bắt họ chờ đợi hàng tuần, tốn hàng tỉ đồng lưu kho hay không” - ông Phạm Văn Tiệp, GĐ Cty Cổ phần ABC đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Tiệp, không chỉ chịu cảnh chờ chực về kiểm định chất lượng, việc kiểm dịch thực vật (KDTV) mặc dù đến nay đã có nhiều thuận lợi, song tình trạng ách tắc vẫn xảy ra thường xuyên.
Cụ thể, lực lượng cán bộ KDTV tại cảng Hải Phòng hiện quá mỏng nên vào các dịp cao điểm, đặc biệt là các kỳ nghỉ lễ tết, các DN phải chờ có khi tới 12h đêm mới làm xong thủ tục kiểm dịch.
Trước đây bên giao thông chưa kiểm soát tải trọng, 100 container chỉ cần 50 xe là chuyển hết, nhưng giờ phải 100 xe mới đủ. Cty ABC có cả 1 Cty vận tải, nhưng có tháng chi phí lưu kho do phải chờ các thủ tục kiểm định, kiểm dịch lên đến 1 tỉ đồng.
Trước những ý kiến bức xúc của DN, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi và Cục BVTV ngay trong tháng 5/2015 tổ chức đối thoại với các DN để tháo gỡ vướng mắc theo tinh thần giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí cho cho các DN, đồng thời có báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/5/2015 về các giải pháp tháo gỡ. Đối với lực lượng cán bộ KDTV tại cảng Hải Phòng, Bộ trưởng yêu cầu Cục BVTV sớm rà soát, nếu cần thiết bổ sung ngay nhân lực, thiết bị, không để tình trạng ùn tắc về thủ tục KDTV.
Thay một chút là khảo nghiệm
Một vấn đề được nhiều DN băn khoăn nữa về sự rườm rà trong kiểm soát chất lượng TĂCN, đó là có cần thiết hay không việc khảo nghiệm TĂCN hỗn hợp hoàn chỉnh.
Ông Võ Việt Dũng, GĐ Cty TNHH SX Thương mại và Đầu tư Anh Dũng cho rằng, hiện nay đa số các DN sản xuất TĂCN đều đã có thiết bị, phần mềm rất tinh vi để xác định công thức pha trộn TĂCN.
Công thức pha trộn thế nào các DN cũng đều dựa theo các công thức khuyến cáo ưu việt nhất của các đơn vị nghiên cứu về dinh dưỡng vật nuôi quốc tế, đã được các tập đoàn lớn như Cargill, CP, Jaffa… áp dụng.
Về cơ bản, các công thức này đều có độ tin cậy rất cao. Vì vậy, việc bắt buộc các DN phải thực hiện khảo nghiệm thực tế trên vật nuôi đối với mỗi sản phẩm TĂCN hỗn hợp hoàn chỉnh là không còn cần thiết, gây tốn kém cho DN.
“Mỗi DN hiện nay có tới 40-50 công thức pha trộn TĂCN hỗn hợp, mỗi công thức là một sản phẩm khác nhau. Họ cũng liên tục thay đổi công thức, lúc này thêm chất này, lúc kia bớt chất kia.
Nếu cứ hễ thay đổi một chút là lại bắt khảo nghiệm, tốn hàng năm trời, kinh phí hàng trăm triệu đồng thì có làm nổi hay không? Bởi hiện nay cả nước có tới mấy nghìn tên sản phẩm thức ăn, trên thực tế là không có nơi nào đủ mặt bằng, cơ sở vật chất để khảo nghiệm cả” – ông Dũng nêu thắc mắc.
“Chỉ những loại TĂCN mới thực sự, nghĩa là nguyên liệu mới, công thức mới mà chưa từng ai công bố sử dụng thì mới nên bắt buộc khảo nghiệm. Chứ mỗi Cty hiện nay có mấy chục sản phẩm, thay đổi hàm lượng một chút thôi cũng bắt họ khảo nghiệm thì không tài nào làm nổi, mà vô tình còn tạo thêm một thủ tục hành chính rất phiền hà cho DN” – GS Vũ Duy Giảng, chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng vật nuôi, nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã nhân rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ở Đồng Tháp, loại hình nghệ thuật này hiện đang phát triển với sự tham gia ngày càng nhiều của những người yêu nghệ thuật.
Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển HTX phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các HTX và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Được biết, vùng sản xuất lúa ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có thể vận chuyển lúa bằng xe tải hoặc ghe; hệ thống ô bao và tưới tiêu đảm bảo sản xuất đồng loạt đáp ứng được khối lượng lớn lúa mà doanh nghiệp yêu cầu; Hợp tác xã đủ năng lực để doanh nghiệp giao dịch ký hợp đồng.
Các tiểu thương cho biết, hiện giá gừng đã giảm một nửa so với cách đây một tuần. Hiện tại, giá gừng non chỉ ở mức 40.000-45.000 đồng/kg (lúc cao nhất lên đến 80.000-100.000 đồng/kg). Tuy nhiên với giá này vẫn còn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.