Thuần hóa rau rừng cho thu nhập khá
Hiện nhiều người dân ở huyện Bù Đăng, Bình Phước tăng thu nhập đáng kể nhờ trồng giống rau đặc sản này.
Trồng xen điều
Đến thăm vườn điều trồng xen ca cao của gia đình ông Điểu Men ở thôn Dân Lập, xã Thọ Sơn, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy trong vườn nhà ông có những hàng rau nhíp xanh mướt.
Sáng kiến trồng rau nhíp rừng xen trong vườn điều, ca cao của người dân tộc thiểu số ở Bù Đăng tăng thêm thu nhập đáng kể.
Ông Điểu Men kể, đời sống của đồng bào dân tộc luôn gắn với rừng từ bao đời nay, thế nên trong bữa ăn hàng ngày không thể thiếu các loại rau rừng.
Hồi xưa, rừng còn nhiều, rau rừng đủ thứ, mỗi ngày chỉ cần vào rừng tiếng đồng hồ là có ngay mớ rau nhíp, mấy củ măng mang về nấu ăn. Nhưng càng ngày rừng càng ít, cây cối cũng chẳng còn như xưa. Rau rừng cũng vậy mà hiếm dần.
Từ đó, ông nghĩ cách mang rau rừng về vườn nhà trồng. Vừa để duy trì những loài rau rừng đã gắn bó bao đời nay, vừa để có cái ăn. Và không lâu sau đó, dưới tán điều trong vườn nhà ông, bắt đầu có thêm những hàng rau nhíp.
“Rau nhíp là loài vô cùng dễ sống và phát triển rất nhanh, lá tươi tốt quanh năm. Rau cây ưa bóng râm, thích hợp trồng dưới tán hầu hết các loại cây công nghiệp như điều, ca cao, tiêu…", ông Điểu Men nói.
Một hộ khác ở xã Minh Hưng là gia đình anh Điểu Minh, có hơn 1 ha điều trồng xen rau nhíp.
Anh Điểu Minh cho biết, địa hình vườn điều và nhà anh khá dốc, mùa mưa đất thường bị xói mòn. Từ khi trồng xen rau nhíp vào giữa các hàng điều, đất vườn nhà đã không còn lo bị trôi hay xói mòn nữa.
Đất trong vườn luôn giữ được độ ẩm nhất định, lượng phân bón cho cây cũng giảm đi. Bên cạnh đó, rau nhíp còn giúp gia đình anh có thu nhập, có rau ăn hàng ngày.
“Bữa ăn của chúng tôi không thể thiếu các loại lá, cà, rau rừng...
Hàng ngày, ngoài chăm sóc vườn, một vài người trong gia đình phải lên rừng hái rau, củ, măng rừng, lá nhíp, cà dại về nấu ăn. Kể cả những loại lá, rễ cây để làm rượu cần và một số cây cỏ chữa bệnh cũng phải tìm kiếm.
Việc này mất nhiều thời gian, hơn nữa những loại cây đó cũng dần khan hiếm. Tôi nảy ra ý định mang rừng về nhà”, anh Đan kể về ý tưởng ban đầu của mình.
Nhiều chợ ở Bình Phước bày bán đặc sản rau nhíp.
"Cũng từ việc điều mất giá, thất mùa, rồi nhu cầu thức ăn hàng ngày, nên bà con mới nảy ra sáng kiến mang rau nhíp về trồng. Lá bép sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên, không cần bón phân, phun thuốc trừ sâu nên hoàn toàn không có các tác nhân gây ngộ độc như dư lượng nitrate, kim loại nặng…
Không chỉ ngon, đủ calo, an toàn, lá bép còn chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Nhờ trồng thêm rau nhíp mà thu nhập của bà con cũng tăng lên, giảm phần nào khó khăn”,
ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn.
Bà Phạm Thị Lộc, thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn cũng trồng trong vườn hơn 1 sào rau nhíp cho biết:
"Cây điều mấy năm gần đây hay thất mùa do thời tiết, rồi giá cả cũng bấp bênh. Trong khi đó, rau nhíp ngày càng được nhiều người mua về ăn.
Mà trồng cây này chẳng tốn chi phí bao nhiêu, chẳng cần chăm sóc kỹ, không bón phân, không phun thuốc, lâu lâu tưới cho nó một lần, vậy là xong. Một sào rau nhíp này, mỗi tháng gia đình có thêm triệu bạc, lại tiết kiệm được khoản tiền mua rau".
Thu nhập khá
Mô hình trồng xen rau nhíp đem lại rất nhiều lợi ích nên ngày càng được bà con hưởng ứng. Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng, toàn huyện đã có hơn 200 ha cây điều, ca cao được bà con trồng xen rau nhíp, trong đó xã Minh Hưng nhiều nhất, với khoảng 110 ha.
“Rau nhíp đang được ưa chuộng, không chỉ người dân tộc biết ăn mà các nhà hàng, quán ăn cũng tìm mua rất nhiều. Mấy người quen của gia đình ở dưới thành phố lâu lâu lại gọi lên đặt mua cả chục ký, gửi theo xe khách về dưới.
Nhà tôi ai cũng thích rau nhíp, ngày ăn hai bữa mà không chán. Hiện gia đình tôi có 3 sào vườn, trồng rau nhíp xen trong vườn điều, hàng ngày ngoài việc cung cấp thực phẩm cho gia đình, tôi còn thu được 10 kg lá non. Bây giờ rau nhíp có giá cao nhất trong các loại rau.
Vào mùa mưa này, một ký rau nhíp giá từ 40 - 50 ngàn đ/kg, còn mùa khô, giá cao gấp đôi. Mỗi tháng tôi cũng thu đôi ba triệu từ rau nhíp”, ông Điểu Men nói.
Theo anh Nguyễn Văn Giang, cán bộ Trạm Khuyến nông Bù Đăng, mấy năm gần đây, cây điều giá cả lên xuống thất thường cùng với việc năng suất và chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên việc áp dụng mô hình SX 2 tầng bằng cách trồng xen cây rau nhíp vào cây điều là rất phù hợp.
Nhờ trồng rau nhíp, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu quanh năm, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất. Bà con đi nhổ lá rừng về trồng xen trong vườn, hạn chế việc sử dụng công lao động, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.
Có thể bạn quan tâm
Anh Tô Cẩm Tùng (nhà vườn trồng lan ở Nhuận Đức, Củ Chi, TP.HCM) nhận định ở thời điểm tháng 9 và tháng 10, nếu nhà vườn nào kịp kích lan bằng chế độ bón phân, chăm sóc để cây dồn sức cho việc ra và nuôi nụ thì lượng lan nở đều, còn nếu để tự nhiên đều thất bại.
Ông Lâm Định Quốc, giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo thơm của VN đang tăng trưởng mạnh tại các thị trường Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Mỹ..., trong năm 2015 công ty đã liên kết với người dân tăng diện tích trồng lúa thơm từ 1.800ha (năm 2014) lên 4.000ha theo hình thức bao tiêu.
Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho biết trong năm 2014 VN xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê với kim ngạch hơn 3,5 tỉ USD, nhưng phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài mua xuất khẩu nên cà phê VN bị ép giá.
Đây là giống bắp biến đổi gen thứ tư được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học tại VN sau bắp MON 89034, NK603 (thuộc Monsano) và GA21 (của Syngenta) được cấp giấy phép này trong năm 2014.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, vụ hoa Tết Ất Mùi 2015 toàn tỉnh có khoảng 50ha với các loại hoa chủ yếu là cúc, cát tường, thược dược, vạn thọ... So với mọi năm, vụ hoa này gặp thời tiết bất lợi nên phát sinh nhiều sâu bệnh, xảy ra hiện tượng nở sớm. Mặt khác, chi phí nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng từ 10-15% so với năm ngoái.