Thủ Phủ Tôm Giống
Ngọc Hiển (Cà Mau) từng một thời được biết đến là “thủ phủ” của vùng sản xuất tôm sú giống. Thời điểm cực thịnh, số cơ sở sản xuất tôm giống mọc lên nhanh như nấm sau mưa.
Đến nay, Ngọc Hiển vẫn chiếm “thế thượng phong” trong cung cấp tôm sú giống bố mẹ và sản xuất tôm sú giống (post) chất lượng, tạo dựng nhiều thương hiệu uy tín. Đây là cơ hội lớn để Ngọc Hiển trở thành trung tâm sản xuất giống thuỷ sản của tỉnh.
Cơ sở sản xuất tôm sú giống được phân bố đều khắp trên địa bàn toàn huyện, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Ân Tây và thị trấn Rạch Gốc. Đến thời điểm hiện tại, Ngọc Hiển có 205 cơ sở sản xuất tôm giống, với công suất hoạt động từ 60% trở lên.
Trong đó, có 3 hợp tác xã sản xuất tôm giống: Đồng Khởi, Đồng Đại Lợi, Rạch Gốc hoạt động hiệu quả, xây dựng thương hiệu uy tín. Đặc biệt, Ngọc Hiển còn có những ưu thế sản xuất giống thuỷ sản mà nhiều địa phương khác trong tỉnh không có được.
Thế độc tôn tôm sú bố mẹ
Hơn 10 năm trước, khi nghề sản xuất tôm sú giống phát triển rầm rộ thì tại thị trấn Rạch Gốc đã hình thành “chợ” tôm sú bố mẹ. Chợ tôm sú bố mẹ được thương lái quen gọi là “chợ phụng”, hoạt động sôi nổi trên biển và trong đất liền.
Ngoài biển, các ghe tàu đánh bắt tôm sú bố mẹ (chủ yếu là ngư dân Bạc Liêu) sau thời gian khai thác neo tàu lại thành nhóm, rồi liên lạc bằng máy bộ đàm cho thương lái từ đất liền ra thực hiện giao dịch mua - bán.
Thời gian đầu, do số lượng tàu thuyền đánh bắt tôm sú bố mẹ ít, lại thiếu kinh nghiệm nên số lượng khai thác không nhiều, trong khi nhu cầu của các cơ sở sản xuất tôm sú giống trong và ngoài tỉnh rất lớn nên họ vừa tranh mua, vừa sẵn sàng “đấu giá” đối với từng con “phụng”. Vì thế, có khi mỗi con tôm sú mẹ “đội” giá trên 10 triệu đồng.
Trong đất liền, phong trào mua bán tôm sú bố mẹ xuất tỉnh đến Bình Thuận, Nha Trang, Vũng Tàu… được nhiều thương lái ăn nên làm ra. Với đà ấy càng tạo làn sóng tranh mua, nâng giá.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Đó là chuyện của hơn 10 năm về trước, bây giờ thì ổn định rồi. Thương lái không còn tranh mua như trước, họ “đánh” đúng giá trị thực tế của từng con sú bố mẹ. Mặt khác, hiện tại cơ sở sản xuất tôm sú giống không phát triển ồ ạt như trước, trong khi ngày càng nhiều ngư phủ hành nghề khai thác tôm sú bố mẹ nên số lượng khai thác nhiều hơn, thương lái và chủ cơ sở sản xuất tôm sú giống có nhiều lựa chọn hơn”.
Được biết, giá tôm sú bố mẹ hiện tại bình quân từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/con. Năm 2012, các thương lái trên địa bàn huyện thu mua 202.000 con tôm sú giống bố mẹ, trong đó xuất bán ngoài tỉnh 37.000 con.
Theo ông Việt, người có thâm niên làm nghề tôm sú bố mẹ ở Rạch Gốc thì vùng biển cặp đảo Hòn Khoai (Cà Mau) và đảo Thổ Chu (Kiên Giang) có nhiều tôm sú bố mẹ nhất. Một điều thuận lợi cho Ngọc Hiển là từ lâu tại đây đã hình thành chợ tôm sú bố mẹ, đặc biệt là hải trình từ Thổ Chu và Hòn Khoai vào cửa biển Rạch Gốc cũng tương đối gần, thuận tiện cho việc giao thương.
Ông Huỳnh Công Thịnh, Đội trưởng Đội kiểm dịch giống thuỷ sản Rạch Gốc, chia sẻ: “Theo con mắt của người trong nghề, con tôm sú bố mẹ đạt chất lượng phải có trọng lượng từ 100 gram trở lên, màu sắc tươi sáng, vỏ bóng mượt, hình dáng không bị tổn thương, đặc biệt bộ phận sinh dục ngoài hoàn chỉnh… Hầu hết tôm sú bố mẹ được kiểm dịch tại đây đều đạt chất lượng. Đây là điều kiện thuận lợi rất cơ bản để Ngọc Hiển mở rộng sản xuất tôm sú giống trong thời gian tới”.
Những bước đi mới
Sản xuất tôm sú giống theo kiểu riêng lẻ, tự chủ như trước dần không còn phù hợp với tiến trình phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường vốn cạnh tranh rất khốc liệt. Vì thế, một số cơ sở sản xuất tôm giống đã “ngồi lại” với nhau, bàn bạc, thống nhất thành lập hợp tác xã.
Điển hình như, hợp tác xã Đồng Khởi với 8 trại giống thành viên trên nền tảng cơ sở vật chất trước đây, với đội ngũ kỹ thuật trước đây nhưng đổi mới về phương thức quản lý, đầu tư mới thiết bị kỹ thuật, có cơ hội vay vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu… nên đã gặt hái nhiều thành công.
Đến nay, hợp tác xã Đồng Khởi đã có trên 120 đại lý phân phối tôm giống tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh… với doanh thu 25-30 tỷ đồng/năm.
Riêng Công ty TNHH MTV giống thuỷ sản Phúc Lộc, tại ấp Rạch Lùm, thị trấn Rạch Gốc thì chọn con đường đi riêng mình. “Đó là đầu tư hệ thống thiết bị kỹ thuật xử lý môi trường, nguồn nước hoàn chỉnh; kiểm soát chặt chẽ tôm sú giống bố mẹ đầu vào và tôm sú giống (post) đầu ra bảo đảm chất lượng. Xây dựng thương hiệu của công ty bằng chính chữ tín, sự cam kết với khách hàng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sản xuất thêm những giống thuỷ sản mới nhằm phục vụ đa dạng đối tượng nuôi của nông dân trong và ngoài tỉnh” - bà Trần Kim Thủy, Giám đốc công ty chia sẻ.
Ông Trần Minh Hoàng đánh giá, với lợi thế là trung tâm giống bố mẹ của tỉnh nên các cơ sở sản xuất tôm sú giống trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có cơ hội chọn được con giống bố mẹ tốt nhất. Bên cạnh đó, do gần cửa biển nên việc lấy nước biển phục vụ sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn huyện thuận lợi.
Với đội ngũ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhất là những kỹ thuật đến từ cái nôi sản xuất giống thuỷ sản Bình Thuận, Vũng Tàu, Nha Trang… nên số lượng và chất lượng con giống đều đạt.
Đặc biệt, cùng với dự án xây dựng Trung tâm giống thuỷ sản do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư đang triển khai tại địa phương sẽ là tiền đề quan trọng để Ngọc Hiển trở thành trung tâm sản xuất giống thuỷ sản của tỉnh trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm
Liên tổ SX RAT Tân Phú Trung hiện có 5 tổ hợp tác với khoảng 100 xã viên, bao gồm: tổ SX ấp Đình, tổ ấp Xóm Đồng, tổ ấp Bến Đò, tổ ấp Giòng Sao, và tổ ấp Cây Da. Tổng diện tích canh tác 60ha, trong đó 50ha trồng các loại rau ăn quả như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, đậu bắp… và 10ha trồng các các loại rau ăn lá như: rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt…
Là lĩnh vực luôn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, song việc đầu tư nguồn lực của Nhà nước cũng như doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Làm thế nào để khu vực này thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý
Ở vùng Đồng Tháp Mười trước đây, trăn là loài khá phổ biến. Những cánh đồng lau, lác, những rừng tràm mênh mông và nguồn thức ăn phong phú ở đây là môi trường thuận lợi để trăn sinh sống.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam - KHCN) vừa cấp chứng nhận và bảo hộ “Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận”.
Từ đồng vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình nông dân nghèo ở Nghệ An đã có việc làm, có điều kiện cho con đi học, làm được nhà, xây được công trình nước sạch...