Thu nhiều quả ngọt từ 3 phong trào thi đua lớn
Lan tỏa ở nhiều lĩnh vực
Trong vườn hoa rực rỡ của phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua của thành phố, các cấp Hội Nông dân Hải Phòng đã đóng góp 419.000 bông hoa đẹp là những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được các cấp Hội tập trung chỉ đạo phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Phong trào đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Điều đáng ghi nhận, phong trào được xác định chính là phong trào yêu nước mang sắc thái riêng của tổ chức Hội Nông dân, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống...
Cán bộ Hội Nông dân TP.Hải Phòng tham quan mô hình trồng nấm tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng.
Thông qua phong trào, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, các câu lạc bộ ngành nghề được thành lập, mô hình phát triển kinh tế điển hình được duy trì, nhân rộng...
419.000 hộ đạt danh hiệu nong dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp chính là những người đi đầu trong lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động, dũng cảm và nghĩa tình, đại diện cho những người nông dân thời kỳ đổi mới.
Điển hình là hộ ông Phạm Văn Huê (xã Hồng Thái, An Dương) với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp; ông Phạm Văn Lượng (xã Hồng Phong, An Dương) - Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ;
hộ ông Phạm Thanh Phương (thị trấn An Dương) với mô hình trồng, nhân giống hoa lan thương phẩm; mô hình nuôi trồng thủy sản, kết hợp bảo vệ môi trường của ông Trần Việt Yên (xã Trường Thọ, huyện An Lão)...
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Phong trào đã được hội viên, nông dân hưởng ứng, tích cực tham gia tạo sức lan tỏa rộng khắp.
Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, như Hội Nông dân xã Đông Sơn, Phục Lễ (Thủy Nguyên); Hội Nông dân xã Đoàn Xá (Kiến Thụy), Hội Nông dân xã An Thắng (An Lão); Hội Nông dân xã An Hòa (An Dương); Hội Nông dân xã Toàn Thắng (Tiên Lãng).
Ông Nguyễn Văn Huấn - hội viên Nông dân xã Quốc Tuấn (An Dương) đã đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; ông Nguyễn Kim Thịnh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Công Hiền (Vĩnh Bảo) vận động nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất ở 100% diện tích...
Đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở nông thôn
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân Hải Phòng đã chủ động phối hợp các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, cơ quan quân sự địa phương vận động hội viên, nông dân chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự, tham gia dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, tổ dân phòng;
Tích cực tham gia xây dựng các khu vực phòng thủ, nhất là các khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân ở vùng ven biển, hải đảo, biên giới.
Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Hội Nông dân các cấp đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân góp phần xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình chính sách, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn.
Hội Nông dân thành phố còn phối hợp Công an thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/1998 của Chính phủ “Về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Hội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân gương mẫu chấp hành luật pháp, tham gia xây dựng thôn, xã, phường không có người phạm tội; phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi.
Hội viên, nông dân đã cung cấp cho cơ quan công an, chính quyền địa phương nhiều thông tin có giá trị về bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội; tham gia phát hiện, báo cho các cơ quan chức năng bắt giữ hàng trăm đối tượng vi phạm pháp luật, vận động được nhiều đối tượng ra đầu thú, giúp đỡ, cảm hoá hàng trăm đối tượng lầm lỗi...
Với những cách làm sáng tạo, Hội Nông dân các cấp TP.Hải Phòng đã xây dựng nhiều mô hình “Vì an ninh Tổ quốc”, “Phòng chống tội phạm”;
“Chi hội không có tội phạm ma tuý và tệ nạn xã hội”, “Điểm sáng vùng biển”, “An ninh biển đảo”...
Thông qua các mô hình tự quản, cán bộ, hội viên, nông dân đã cung cấp cho lực lượng công an và cơ quan chức năng 248 tin báo có giá trị; phối hợp hoà giải 495 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, trong đó có 195 vụ mâu thuẫn tranh chấp đất đai, 242 vụ mâu thuẫn gia đình dòng họ, cảm hoá giáo dục 96 đối tượng phạm tội...
Cán bộ hội trưởng thành
Thông qua các phong trào thi đua, chất lượng cán bộ hội ngày càng được nâng lên về ý thức trách nhiệm, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức hoạt động hội.
Nhiều tập thể, cán bộ Hội trưởng thành từ phong trào cơ sở, phong trào thi đua.
Điển hình như Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Vĩnh Bảo đã chủ động xây dựng mô hình “Chi hội 3 tốt”, từ đó làm cơ sở cho Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố phát động phong trào xây dựng “Chi hội 3 tốt” trong toàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) là cán bộ năng động sáng tạo, làm tốt công tác tổ chức xây dựng đã vinh dự được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV.
Ông Lưu Xuân Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Thắng (Tiên Lãng) chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền để Hội Nông dân thực hiện thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Ông Nguyễn Duy Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân phường Minh Đức (Đồ Sơn) mở cơ sở may gia công, tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ông Bùi Văn Biếm - Chủ tịch Hội Nông dân phường Đa Phúc (Dương Kinh) đạt thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội, được Thành ủy tặng bằng khen về thành tích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
5 năm qua, Hội Nông dân TP.Hải Phòng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc;
T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tặng 2 cờ thi đua cho cấp thành phố và 1 cờ thi đua cho cấp huyện; 64 tập thể được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen; 169 tập thể khác được Ban chấp hành Hội Nông dân thành phố tặng bằng khen.
Về cá nhân, ông Phạm Xuân Lương- Chủ tịch Hội Nông dân thành phố được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì;
Thủ tướng Chính phủ tặng 5 bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu; 106 cá nhân tiêu biểu được nhận bằng khen của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam;
UBND thành phố tặng bằng khen cho 168 cá nhân khác và Ban chấp hành Hội Nông dân thành phố tặng 287 bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường liên kết Để nông sản Việt Nam có được chỗ đứng vững chắc trong siêu thị, rất cần sự phối hợp của các đơn vị, nhất là sự liên kết giữa các bên để hướng đến nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm trưởng đoàn thanh tra.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm, nhưng gần đến kỳ thu hoạch thì bỗng nhiên tôm bị dịch bệnh rồi chết hàng loạt khiến người nuôi tôm ở nhiều địa phương tại Quảng Trị rơi vào cảnh trắng tay.
Cà Mau có hơn 56.000ha rừng ngập mặn; trong đó, có gần 3.000 hộ nuôi tôm trong môi trường rừng, với diện tích 15.000ha. Năm 2014, có 740 hộ được chứng nhận nuôi tôm sinh thái và thành lập được 35 tổ liên kết nuôi tôm.
Trời mưa lớn kèm theo dông lốc liên tục của cơn bão số 3 đã khiến hàng ngàn ha lúa hè thu và thu đông sớm ở ĐBSCL đang thu hoạch bị đổ ngã, khó tìm công cắt và bí đầu ra.