Thu nhập cao từ nuôi lươn không bùn bằng dây nilông
Không cần đào ao, tận dụng các chuồng chăn nuôi cũ, từ 20 - 30m2, thả chùm dây ni lông cho lươn trú ẩn, trong thời gian 8,5 tháng, nhiều nông dân có thể thu về cả trăm triệu đồng nhờ nuôi lươn không bùn.
Bể nuôi lươn không bùn.
Dễ nuôi, ít dịch bệnh
Vụ này là vụ đầu tiên anh Huỳnh Công Đức, ở xóm 12, thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, Bình Sơn thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn do Trung tâm Khuyến nông huyện Bình Sơn và Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ hỗ trợ giống, thức ăn và kỹ thuật nuôi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Không cần đào ao hay xây bể to như mô hình nuôi lươn có bùn, anh Đức tận dụng các chuồng chăn nuôi cũ của gia đình, mỗi chuồng có diện tích chỉ 6 - 7m2, thả chùm dây ni lông làm nơi trú ẩn, nghỉ ngơi cho lươn. Mô hình nuôi lươn này không có bùn đất.
Anh Đức thả nuôi hơn 6.000 con lươn giống chia làm 4 chuồng. Tùy theo diện tích chuồng mà thả nuôi số lượng tương ứng từ 270 - 320 con/m2. Mỗi chuồng thả 3 chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn. Khi lươn đến tháng thứ 6, lúc này lươn đã lớn, anh thay thế chùm dây ni lông bằng các vỉ tre để lươn có nơi trú ẩn thông thoáng hơn.
Lươn ăn lượng thức ăn ít và thức ăn rất đơn giản. Thức ăn của lươn là cá, ốc xay nhuyễn, trùn. Mỗi ngày 4 chuồng nuôi lươn của anh Đức chỉ tốn 40.000 đồng cho tiền thức ăn (4kg).
Chuồng nuôi được thay nước hàng ngày, đảm bảo độ pH thích hợp cho lươn. Để giúp lươn tăng cường sức đề kháng, ít dịch bệnh, anh Đức trộn thêm các loại vitamin, men tiêu hóa…
Theo anh Đức, mô hình nuôi lươn không bùn dễ nuôi, tiết kiệm chi phí đào ao, tiết kiệm thời gian chăm sóc, lươn khỏe mạnh, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt ít. Việc thay nước hàng ngày sẽ giúp người nuôi dễ phát hiện được dịch bệnh để có cách xử lý kịp thời. Những con lươn bị bệnh sẽ di chuyển ra khỏi nơi trú ẩn, bơi lãng vãng xung quanh chuồng nên người nuôi không khó phát hiện.
Lợi nhuận cao
Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng lươn sắp thu hoạch, anh Đức giở chùm dây ni lông lên khỏi mặt nước, đàn lươn to chui ra lúc nhúc.
“Lúc mới thả, lươn giống nhỏ chỉ bằng cái tăm hương, trọng lượng 1.000 con mới được 1kg mà đến tháng thứ 7 đã khoảng 13 con/kg, tháng thứ 8 trọng lượng tăng vọt gấp đôi, khoảng 6 - 7 con/kg. Tui mới gọi cho thương lái họ bảo mua giá 140.000 đồng/kg”- anh Đức hồ hởi khoe.
Theo tính toán của anh Đức, bình quân 1 tháng chỉ tốn khoảng 1,5 triệu tiền thức ăn. Nếu không được hỗ trợ, 1 con lươn giống có giá 6.000 đồng. Tỷ lệ sống hơn 80%, với trọng lượng 6 - 7 con/kg, giá bán 140.000 đồng/kg, thì 4 chuồng nuôi lươn của anh Đức sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, điện, nước, cho lãi cả 100 triệu đồng.
Cũng như anh Đức, nhiều hộ gia đình đã tận dụng chuồng nuôi lợn thành bể nuôi lươn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP. Quảng Ngãi, năm 2016, gia đình ông Đỗ Khánh ở thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây đã mạnh dạn cải tạo lại chuồng lợn thành bể nuôi lươn không bùn.
Lươn lớn nhanh, dễ nuôi, ít dịch bệnh.
Ông Khánh thả hơn 3.000 con lươn giống trong 3 chuồng. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân từ 6 - 7 con/kg, ông Khánh bắt đầu xuất bán, đến tháng thứ 8, cá biệt trọng lượng của nhiều con đạt 300 - 400g, với giá bán 120.000 đồng/kg, ông thu được gần 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng.
Từ hiệu quả của mô hình, ông tiếp tục thả nuôi lứa thứ 2. Hiện ông Khánh đã xuất bán được 2 chuồng, còn 1 chuồng sẽ thu hoạch bán trong dịp tết.
Theo ông Khánh, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc, giảm chi phí thức ăn bằng việc nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn.
Lươn là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá rộng. Thời gian gần đây, lươn tự nhiên bị cạn kiệt do khai thác quá mức, vì vậy nuôi lươn không bùn mở ra hướng nuôi mới giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.
Để chủ động nguồn giống cung cấp cho bà con nuôi thử nghiệm và nhân rộng mô hình, từ năm 2016, Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ đã ươm thành công giống lươn nuôi không bùn, cung cấp giống lươn khỏe, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Với mô hình sản xuất cá giống lăng nha, anh Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1986), ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM đang rất thành công, mang lại doanh thu
Các hộ dân nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang vô cùng phấn khởi bởi thời tiết thuận lợi, mỗi ha thu hoạch khoảng 100 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Nam (63 tuổi), cựu chiến binh ở xã Thạnh Hòa, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang, trở thành một trong những nông dân điển hình nuôi thành công loài cá này