Thu tiền tỷ từ nuôi cá giống lăng nha
Với mô hình sản xuất cá giống lăng nha, anh Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1986), ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM đang rất thành công, mang lại doanh thu lớn và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Nguyễn Trung Hiếu thả những con cá bố mẹ chất lượng sinh sản tốt xuống ao để có sự chăm sóc riêng biệt.. Ảnh T.D.
Nguyễn Trung Hiếu, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Tiền Giang, để từng bước thực hiện ước mơ khi còn ngồi trên ghế giảng đường là sau khi ra trường sẽ xây dựng một trang trại thủy sản, nên khi vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM anh đã đi nhiều tỉnh miền Tây xin vào làm tại nhiều trại cá giống để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá giống. Đang trong quá trình tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, anh được một người bạn thời đại học “rủ” về Củ Chi lập nghiệp. Thế là với kinh nghiệm tích lũy được và số vốn vỏn vẹn gần 20 triệu đồng, năm 2011, Nguyễn Trung Hiếu quyết định mở trang trại nuôi cá lăng nha ở Kênh Đông, ấp Đồng Lớn xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM với quy mô chỉ 1 ao nuôi.
Thế là vùng “đất thép thành đồng” đã trở thành quê hương thứ hai của chàng trai miền Tây Nguyễn Trung Hiếu. Những mẻ cá giống đầu tiên đã được sản xuất thành công và khách hàng trong vùng cũng bắt đầu tìm đến với anh. Đến nay, anh đã lập được 2 trang trại với quy mô trên 22.000 m2, nuôi 12 tấn cá bố, mẹ. Doanh thu của trại đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, anh Nguyễn Trung Hiếu cho biết, để được như ngày hôm nay anh đã trải qua nhiều lần thất bại. Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển tốt nên nhiều mẻ cá nuôi không thành công, tỷ lệ sinh sản thành công chỉ đạt 20-30%.
Anh Hiếu nhớ lại: “Đó là thời điểm năm 2013, khi đàn cá bố mẹ sau 2 năm gây dựng đang trong giai đoạn chờ ngày sinh sản, đột nhiên qua một đêm trời mưa bão, toàn bộ số cá chết trắng ao do ngộp oxy. Số vốn vài trăm triệu do bạn bè cho mượn và bố mẹ ở quê cấm cố sổ đỏ nhà đất để giúp anh lập nghiệp đã “bay” theo đàn cá”. Rồi sau đó, một vài “trận”, đầu tư không thành công như mong muốn, số tiền vay vốn ngày càng lên cao, có thời điểm con số vay nợ lên đến cả tỷ đồng. Gia đình lo lắng nên nhiều lần khuyên anh từ bỏ và tìm công việc khác. Đã không ít lần anh cảm thấy nản và bế tắc, mất hết ý chí, nhưng sau đó lại tự tĩnh tâm suy nghĩ kỹ và với nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, Nguyễn Trung Hiếu lại tiếp tục niềm đam mê nghề của mình. Sau khi được hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hiếu đã mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư quy trình nhân giống cá lăng nha.
Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, Nguyễn Trung Hiếu đã dày công tìm tòi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong quy trình sản xuất. Cụ thể như xây dựng hệ thống dẫn nước, máy sục khí, bể trữ nước, bể ương cá chất lượng, cách cho cá ăn hiệu quả, theo dõi quy luật và tần suất sinh trưởng, sinh sản của cá bố mẹ, nhiệt độ thích hợp. Sự khác biệt giữa phương pháp của Trung Hiếu so với các cơ sở khác là sự kết hợp giữa 3 yếu tố gồm: Liều tiêm thuốc kích thích sinh sản, thời gian hiệu ứng và phương pháp ấp trứng.
Những nỗ lực của anh dần được đền đáp bằng những mẻ cá sinh sản tốt, tỷ lệ trứng nở cao, công việc suôn sẻ và dần đi vào ổn định. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất mới, cá giống lăng nha sinh sản tốt nhất, tỷ lệ trứng nở cao nhất đạt từ 90-95% và chi phí thấp nhất trên thị trường hiện nay. Với mỗi đợt sản xuất, anh thu được từ 1 - 2 triệu con giống/10 ngày (thay vì từ 100.000 - 200.000 con/10 ngày so với quy trình cũ), tương đương từ 3 - 5 triệu con giống mỗi tháng. Doanh thu đạt 2 tỷ/năm, lợi nhuận thu về khoảng 700 triệu đồng. Khách hàng trong cả nước đã biết và chủ động tìm đến với anh do giá thành sản phẩm cá giống của anh thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt.
Không những thu về doanh thu lớn, trang trại cá giống của Nguyễn Trung Hiếu còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ với thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, anh Hiếu còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cách chăm sóc, hướng dẫn cách nuôi cá lớn nhanh cho người dân địa phương làm kinh tế góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chưa dừng lại ở kết quả đó, mong muốn của Hiếu trong tương lai sẽ mở rộng quy mô, diện tích và tiếp tục cải tiến kỹ thuật để phát triển trại giống cá. Đồng thời, để giải quyết vấn đề tồn kho cá giống ở những thời điểm nhất định, anh Hiếu cũng đang nghiên cứu thực hiện quy trình khép kín từ sản xuất giống tới hình thành một sản phẩm riêng của trại. Cụ thể là sản phẩm cá khô lăng nha để cung cấp cho thị trường. Nguyễn Trung Hiếu cũng đang ấp ủ giấc mơ tìm kiếm nhà đầu tư để cải thiện quy trình kỹ thuật cho ra đời mô hình nuôi và chế biến cá sạch xuất khẩu ra thị trường quốc tế…
Với những kết quả đạt được, năm 2016, Nguyễn Trung Hiếu đã nhận Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn trao tặng; Giải thưởng “Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi” năm 2016 do Thành Đoàn TP.HCM trao tặng. Ngày 3-1-2017, Nguyễn Trung Hiếu cũng đã vinh dự trở thành một trong 10 Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM.
Có thể bạn quan tâm
Dấn thân vào nghề trồng rau hữu cơ, anh Trịnh Hữu Công nghiên cứu, tự chế ra thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rau từ cây cỏ, thảo dược mang lại hiệu quả tốt.
Lập trang trại nuôi dê lấy sữa kết hợp làm du lịch trải nghiệm, mỗi tháng ông Nguyễn Văn Đua (42 tuổi, ngụ ấp 2B, xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, Hậu Giang)
Chịu khó học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi cua đinh (ba ba Nam bộ) thương phẩm, anh Tô Văn Tân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.