Cây Tiêu Ở Vùng Đất Mới Ở Quảng Nam
Trang trại trồng tiêu của ông Nguyễn Ngọc Ân (thôn Thạch Xuyên, Duy Thu, Duy Xuyên - Quảng Nam) không còn xa lạ với người dân nơi đây khi ông dám “liều” đưa cây tiêu về vùng đất mới…
Sinh ra trong một gia đình nông dân, Nguyễn Ngọc Ân làm quần quật quanh năm vẫn không thoát cảnh đói nghèo. Bởi trên mảnh đất gò đồi của vùng bán sơn địa xã Duy Thu vốn chỉ trồng được cây sắn, cây bạch đàn với thu nhập không đáng là bao. Sau thời gian khăn gói lên Tây Nguyên làm thuê cho những trang trại tiêu, ông luôn trăn trở: vùng đất này gần giống quê mình, tại sao tiêu lại trở thành cây thu nhập chính nơi đây. Nghĩ là làm, ông Nguyễn Ngọc Ân mày mò, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tiêu. Về quê nhà, ông bắt tay vào cải tạo vùng đất gò đồi tại quê mình. Ông Ân nhớ lại: “Để cải tạo được vùng đất này quả khó khăn, bởi khu đất gò đồi xen lẫn nhiều tảng đá lớn. Lúc đầu để đào được một hố trồng triêu trên đất này, tôi cùng những người thân trong gia đình phải mất cả ngày. Nếu thiếu quyết tâm, nản chí chắc không có được vườn tiêu xanh tốt như hiện nay”.
Khi trồng cây tiêu, ông và người thân trong gia đình phải thường xuyên chăm sóc, bón phân, tưới nước. Đất không phụ công người, đến nay ông Ân đã có 500 choái tiêu trên diện tích 1.500 m2. Thành công của ông Ân không chỉ đưa được cây tiêu về trồng trên đất đồi xã Duy Thu. Quan trọng hơn, tiêu nơi đây rất sai trái, chất lượng không hề thua kém tiêu những nơi có tiếng khác trong cả nước. Với 500 choái tiêu, hằng năm ông thu hoạch gần 1 tấn tiêu hạt với thu nhập 150 triệu đồng. Ban đầu với số vốn ít ỏi nên ông kết hợp lấy ngắn nuôi dài trồng xen cây chè giữa các hố tiêu vừa để có thêm thu nhập, vừa giữ được độ ẩm cho đất. Bởi theo ông, nước tưới là một khâu rất cần thiết, bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc cũng là yếu tố quan trọng để cây tiêu phát triển. Kinh nghiệm và sự dày công chăm sóc nên qua 10 năm đưa cây tiêu về vùng đất Duy Thu, chưa khi nào cây tiêu bị bệnh. Dù mùa mưa hay nắng, các choái tiêu vẫn giữ được màu lá xanh um từ gốc đến ngọn, chuỗi hạt dài, dày, được thị trường ưa chuộng.
Với thành công đó, hiện nhiều người dân trong vùng đến học tập kinh nghiệm và mua tiêu giống về trồng đều được ông nhiệt tình hướng dẫn. Đến nay một số hộ dân lân cận đã trồng được cây tiêu. Hội Nông dân xã Duy Thu xem đây là mô hình điển hình cho nông dân địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thu Nguyễn Hữu Vinh đánh giá: “Nguyễn Ngọc Ân là nông dân tiêu biểu, biết nghiên cứu học hỏi, đưa được cây tiêu về với vùng đất mà lâu nay chưa ai nghĩ tới. Điều đáng ghi nhận nữa là sự cần cù, chịu khó của anh Ân, góp phần tạo nên thương hiệu tiêu mới. Chúng tôi đang triển khai sâu rộng mô hình này đến với các hộ dân tại đây”.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế từ cây tiêu qua 10 năm trồng và chăm sóc, nông dân Nguyễn Ngọc Ân còn chú trọng sản xuất lúa, hoa màu nên kinh tế gia đình khá ổn định. Ông đã xây được nhà, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt và nuôi con ăn học. Không những chí thú làm ăn, Nguyễn Ngọc Ân còn tham gia tốt các phong trào do Hội Nông dân địa phương phát động, bản thân ông luôn tiên phong trong phong trào sản xuất kinh doanh của thôn, xã và tham gia truyền đạt kinh nghiệm tại hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều năm liền được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Với thành công của nông dân Nguyễn Ngọc Ân, có thể khẳng định cây tiêu trồng được trên vùng đất đồi gò xã Duy Thu. Hiệu quả từ trang trại tiêu của ông Nguyễn Ngọc Ân đã minh chứng cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.
Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...
Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.
“Hơn chục năm trước, có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng mình có thể tạo lập được cơ ngơi như ngày hôm nay. Nhiều người nói việc làm kinh tế của gia đình tôi giống như truyện cổ tích cũng không ngoa”.
Những năm gần đây, nông dân huyện Châu Thành (Long An), chú trọng chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long với lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần.