Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Cá Heo Nước Ngọt
Anh Bùi Chí Linh (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú, An Giang) là người rất thành công với mô hình nuôi cá heo nước ngọt trong bè, mỗi năm lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Sau 10 tháng nuôi, cá heo có thể đạt trọng lượng 30 con/kg và được bán 300.000- 400.000 đồng/kg.
Nằm ven sông Châu Đốc chảy ra ngã ba sông của xã Vĩnh Hội Đông là khu vực bè nuôi của anh Bùi Chí Linh. Tại đây, anh Linh nuôi 11 lồng bè cá các loại, trong đó 8 bè nuôi cá heo đang cho thu hoạch. Là người có nhiều năm nuôi cá nước ngọt nên anh Linh tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là đối với các loại cá đặc sản.
Mỗi lồng bè rộng 3x4m, sâu 3m (36m3), anh Linh thả nuôi nhiều loại đặc sản, như: Cá cóc, chạch lấu, mè hôi… nhưng nhiều nhất là cá heo nước ngọt. Anh Nguyễn Văn Khương, Kỹ thuật viên thủy sản xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ: Cá này dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nhưng muốn đạt năng suất cao, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật.
Trước hết, lồng bè phải đặt nơi có dòng chảy mạnh, nước sạch và thường xuyên làm vệ sinh. Lồng bè phải được bao bằng 2 lớp lưới chắc chắn (lưới chì bên ngoài và lưới mắt nhỏ bên trong) mới bảo đảm không thất thoát, vì đây là loại cá da trơn, đầu có nanh nhọn nên cá chui ra bên ngoài rất dễ dàng.
Hàng năm, vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi lũ rút cũng là lúc cá heo xuất hiện nhiều. Anh Linh đặt mua từ những người đặt dớn, lú dây… chọn loại cá cái để nuôi, bởi loại cá đực ít mỡ, không ngon, không được ưa chuộng. Cá giống được tuyển lựa có trọng lượng khoảng 220- 250 con/kg được bán với giá 65.000 đồng/kg. Sau khi mua về, cá được thuần dưỡng trong vèo lưới vài tuần mới đưa vào bè nuôi.
Mỗi bè, anh Linh còn bố trí nuôi cá heo với một ít cá cóc hoặc cá mè hôi (khoảng 200kg) để tận dụng hết lượng thức ăn hàng ngày. “Đối với cá heo, thức ăn rất đơn giản, chỉ cần xay nhuyễn cá trộn cám với ít muối. Thức ăn không cần nấu nhưng phải quết cho dính cục. Khi thả xuống thì thức ăn phải chìm sát đáy mới đạt. Mỗi ngày, chỉ cho cá ăn 1 lần là được” - anh Quý, người giữ bè nuôi cá heo chia sẻ.
Trước đây, anh Bùi Chí Linh chỉ nuôi các loại cá nước ngọt, như: Chạch lấu, mè hôi, cá cóc… nhưng hiệu quả kinh tế không cao, lại tốn công chăm sóc nhiều. Thấy các nhà hàng, quán ăn rất “khoái” món cá heo nước ngọt nướng muối ớt, kho tiêu… nên anh nuôi thử.
Tận dụng nguồn cá có sẵn trong thiên nhiên khi lũ rút, anh Linh tranh thủ mua vài chục ký cá giống từ những người dỡ chà, đặt dớn… về nuôi. Ngay trong vụ nuôi đầu tiên, anh Linh bỏ túi trên 100 triệu đồng, lợi nhuận gấp nhiều lần nuôi cá cóc, mè hôi. Nhận thấy loài cá này dễ nuôi, ít hao hụt, anh Linh mạnh dạn chuyển sang nuôi đại trà.
Với 200kg cá giống cho mỗi bè, sau khoảng 10 tháng nuôi có thể cho thu hoạch từ 400- 500kg cá thương phẩm. Năm 2013, với 11 bè cá, trong đó có 8 bè cá heo nước ngọt. Anh Linh còn lãi khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Mùa thả cá bắt đầu từ thời điểm mùa nước lũ và thu hoạch sau 10 tháng, mỗi năm chỉ nuôi 1 đợt, nên giá cá heo được bán khá cao. Giá cá trung bình 300.000 đồng/kg (30 con), có thời điểm gần 450.000 đồng/kg (30 con) và thương lái phải đến tận bè mua mới có.
Cá heo nước ngọt của anh Bùi Chí Linh không chỉ được cung ứng cho thị trường trong tỉnh, mà còn là đặc sản có mặt trong các nhà hàng, quán ăn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh…
Cá heo nước ngọt thường xuất hiện nhiều trên sông Hậu và sông Tiền. Cá có thịt thơm, ngon và có thể nuôi làm cảnh. Cá heo đực mình hơi xanh bóng, con cái có màu cam rất đẹp, đầu cá có 2 ngạnh véo cong rất nhọn. Con lớn nhất bằng ba ngón tay và dài khoảng 10cm. Khi bắt lên khỏi mặt nước, cá kêu nghe “éc éc” giống như tiếng heo nên gọi là cá heo.
Có thể bạn quan tâm
Cư dân vùng sông nước xem cá vược như loài ngư tinh với bao huyền tích. Vượt qua những quan niệm lạc hậu, ngư dân đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đã mạnh dạn “mang” loài cá này vào nuôi thương phẩm để trở thành một đặc sản giá trị.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Tiền Giang vừa có văn bản hướng dẫn UBND huyện Tân Phú Đông về việc khai thác sò huyết giống tự nhiên trên khu vực cồn Ngang thuộc xã Phú Tân.
Ngay sau vụ việc 14 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai bị Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra các cơ sở giết mổ. Trong 222 mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện có 31 mẫu dương tính với chất cấm, trong đó có 20 mẫu được cho là có nguồn gốc từ Đồng Nai.
Sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, giờ đây ông làm chủ một trang trại chăn nuôi quy mô hiện đại với tổng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Đó là cựu chiến binh Lương Văn Tuấn ở thôn Gia Tiến, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh thông báo: Đơn vị này vừa phát hiện 8/31 mẫu heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta - agonist (chất tạo nạc, thuốc tăng trọng cho heo) có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang khi nhập vào các lò giết mổ ở TP. Hồ Chí Minh. Ngày 10-8, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh ta đã lấy rất nhiều mẫu ở nhiều nơi trong tỉnh để gửi xét nghiệm nhưng không phát hiện mẫu nào dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.