Thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đánh thức tiềm năng
Đây được xem là tiền đề quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tạo dựng vùng nguyên liệu
Đầu tháng 10 này, đi dọc tuyến đường ĐT611 từ ngã ba Hương An lên xã Quế Long thuộc huyện Quế Sơn, đâu cũng thấy nhà nông hối hả thu hoạch những ruộng sắn chuyên canh.
Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện trồng hơn 2.600ha sắn, tập trung nhiều nhất trên các chân đất không chủ động nước tưới ở xã Quế Cường và Phú Thọ, bình quân 1ha cho năng suất 24 - 26 tấn củ tươi.
Với giá bán hiện nay dao động 1.400 - 1.600 đồng/kg thì vụ sắn năm 2015 người dân Quế Sơn thu về gần 90 tỷ đồng.
Ngoài cây sắn, địa phương cũng rất dồi dào về nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất giấy.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này tổng diện tích rừng sản xuất của Quế Sơn khoảng 7.200ha với hơn 18 nghìn hộ dân tham gia trồng, tập trung chủ yếu tại các xã Quế Hiệp, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Phong, Quế Long, Quế An, Quế Châu.
Bình quân mỗi năm Quế Sơn khai thác 800ha rừng keo lai, cung ứng ra thị trường gần 480 nghìn tấn gỗ nguyên liệu, thu hơn 50 tỷ đồng.
Dưa leo Nhật Bản cho người dân Duy Xuyên mức thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa và những loại hoa màu khác.
Trong khi đó, ở các huyện khác như Hiệp Đức, Nam Giang, Núi Thành, Đông Giang cây keo lá tràm và cao su đã được phủ xanh trên khắp triền đồi, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động và mang lại giá trị kinh tế cao cho hàng nghìn hộ dân.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã có chính sách phát triển và bảo tồn cây quế như tại huyện Phước Sơn đã tiến hành trồng hơn 1.000ha quế bản địa, tập trung ở các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim, Phước Chánh.
Đồng thời chính quyền nơi đây cũng đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu và xúc tiến liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc thu mua, chế biến để người dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Ngược về đồng bằng, tại 3 xã thuộc vùng Gò Nổi của thị xã Điện Bàn, những bãi bồi ven sông Thu Bồn luôn ngút ngàn màu xanh cây trái với đa dạng hoa màu, rau quả như bắp, đậu phụng, thuốc lá, ớt.
Chỉ tính riêng diện tích trồng bắp, mỗi vụ những xã này canh tác 600ha, tương đương sản lượng 3.600 tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh…
Thành quả bước đầu
Những năm qua nhiều địa phương của tỉnh còn tích cực liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, trong đó Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quế Xuân 1 (Quế Sơn) là một điển hình.
Từ năm 2009 đến nay, vụ đông xuân nào hợp tác xã này cũng liên kết với những công ty giống ở trong và ngoài tỉnh sản xuất ít nhất 150ha hạt giống lúa thuần, lúa lai tại các thôn Phù Sa, Trung Vĩnh, Xuân Phú, Dưỡng Xuân...
Nhờ thời tiết thuận lợi, nước tưới đảm bảo, áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật nên với chừng đó diện tích mỗi vụ bà con xã viên nơi đây thu lãi 4 - 6 tỷ đồng.
Tương tự, ở các vùng khác của Đại Lộc, Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn… đời sống người dân cũng khấm khá hẳn lên nhờ vào những mối liên kết sản xuất nếp, lúa giống hàng hóa với tổng diện tích mỗi vụ không dưới 3.000ha.
Với tổng diện tích hơn 2.600ha đất chuyên trồng sắn trên địa bàn, bình quân hàng năm huyện Quế Sơn cung ứng cho các nhà máy khoảng 600.000 tấn củ tươi nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn chia sẻ:
“Đến thời điểm này, địa phương đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Quế Cường và thị trấn Đông Phú, đủ sức thu mua toàn bộ nguồn nguyên liệu do nông dân Quế Sơn sản xuất ra để gia công, chế biến.
Đây là điều kiện rất tốt cho đầu ra nông sản và mang tính ổn định, lâu dài. Ngoài ra, các nhà máy này còn thu mua nguyên liệu sắn từ những địa phương lân cận như Nông Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Duy Xuyên”.
Với lợi thế về nguồn nguyên liệu gỗ và công tác quy hoạch được thực hiện bài bản nên nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Theo thống kê, đến cuối tháng 9.2015 toàn tỉnh có khoảng 20 nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất ván ép được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hoạt động rất hiệu quả.
Gần đây, một số địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp sản xuất các loại cây trồng cạn, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, đông xuân 2014 - 2015 địa phương liên kết với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng bố trí cho 150 hộ dân ở các xã Duy Trung, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Nghĩa, Duy Tân sản xuất gần 13ha dưa leo Nhật Bản.
Để tiếp sức cho nhà nông, ban đầu huyện trích kinh phí mua hạt giống, cử cán bộ kỹ thuật xuống tận cơ sở hướng dẫn cách gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh. Về phía doanh nghiệp thì cam kết thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký với đại diện nông dân.
Ông Nguyễn Xuân Nhàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng chia sẻ:
“Hơn 15 năm qua, chúng tôi đã trồng giống dưa leo Nhật Bản ở nhiều vùng quê trên toàn quốc với điều kiện kèm theo là phải đảm bảo nguồn nước tưới, thổ nhưỡng thích hợp. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao so với những loại cây khác.
Vào tháng 9.2014, được chính quyền huyện Duy Xuyên tạo mọi điều kiện, nhất là bố trí đất xây dựng cơ sở chế biến cùng với nguồn vốn bảo lãnh doanh nghiệp 15 tỷ đồng, chúng tôi vào đây cùng nông dân làm giàu”.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân sắp đến 2 đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp mở rộng diện tích trồng giống dưa leo Nhật Bản lên 43ha. Cạnh đó, cũng tiến hành trồng khảo nghiệm giống cà tím, gừng, tía tô theo phương thức hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Nhiều năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) liên kết với Công ty Thuốc lá Hòa Thắng triển khai cho gần 100 hộ dân trồng 15ha thuốc lá. Mỗi năm nhà nông chỉ trồng 1 vụ, sau khi trừ chi phí bình quân 1 sào lãi 3,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm hợp tác xã này nói:
“Mô hình liên kết 4 nhà gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay nhằm đảm bảo ổn định đầu ra nông sản, nâng cao mức sống cho người dân.
Bên cạnh thành công trong liên kết sản xuất cây thuốc lá thì dự kiến vụ đông xuân 2015 - 2016 tới hợp tác xã cũng sẽ liên doanh với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng trồng khoảng 30ha dưa leo, cà tím, gừng, tía tô với nguồn gốc giống từ Nhật Bản”.
Rõ ràng, việc liên kết “4 nhà” đã và đang đem lại thành công ngoài mong đợi, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, sự phối hợp này trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn vẫn chưa thực sự tạo bước đột phá mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế ở nhiều địa phương...
Có thể bạn quan tâm
Một thời gian dài, cây hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao của nông dân xã Văn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những vườn tiêu hàng nghìn gốc của bà con nơi đây bỗng dưng chết rụi…
Hiện nay có rất nhiều mô hình làm kinh tế của đoàn viên, thanh niên trong huyện Cái Nước (Cà Mau) mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình nuôi thỏ giống của anh Nguyễn Văn Trạng, Bí thư Chi đoàn ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước.
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.
Mặc dù giá cá giống đã giảm khoảng một nửa (chỉ còn trên 20.000 đồng/kg) nhưng vẫn không bán được. Nhiều ao cá giống đang quá lứa khiến người ương nuôi cá giống gặp nhiều khó khăn.