Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu Hoạch Và Sấy Lúa: Ghi Nhận Mới

Thu Hoạch Và Sấy Lúa: Ghi Nhận Mới
Ngày đăng: 21/11/2011

Nhìn lại sản xuất lúa năm 2011 ở ĐBSCL, có thể thấy năng lực cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và công tác sấy lúa vẫn còn khá thấp. Tuy nhiên, qua ý kiến của nhiều doanh nghiệp, năm nay, những tiến bộ ở khâu thu hoạch và sau thu hoạch tại một số địa phương đã làm tăng chất lượng hạt lúa lên khá nhiều.

Theo Cục Trồng trọt, tổng hợp từ các Sở NN-PTNT trong toàn vùng ĐBSCL, trong năm nay diện tích lúa bảo đảm được thu hoạch bằng cơ giới đạt 40% diện tích. Trong đó cao nhất là Vĩnh Long với 80% diện tích được bảo đảm thu hoạch bằng máy móc, Long An và Sóc Trăng có khoảng 70% diện tích, thấp nhất là Cà Mau và Bến Tre khoảng 5% và Bạc Liêu 11%.

Vụ hè thu năm nay, có khoảng 23-25% sản lượng lúa được đem vào sấy. Trong đó cao nhất là An giang với khoảng 70% sản lượng lúa hè thu được sấy, tiếp đó là Long An và Sóc Trăng với khoảng 40%, thấp nhất là Cà Mau, Bến Tre và Đồng Tháp khi chỉ có khoảng 5% lượng lúa hè thu được sấy.

Tuy năng lực còn hạn chế, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, khâu thu hoạch bằng cơ giới và việc đẩy mạnh sấy lúa ở nhiều địa phương đã góp phần đáng kể vào việc làm tăng chất lượng hạt gạo xuất khẩu. Điển hình nhất trong vấn đề này là cú đột phá đầy bất ngờ về chất lượng của giống lúa IR 50404. Nhiều năm qua, giống lúa này luôn bị xếp vào hàng kém chất lượng, tỷ lệ hạt gạo bị bạc bụng lớn, gạo xay xát ra không có màu sáng…

 Nhưng theo ông Lê Việt Hải, GĐ Cty CP Mekong (Cần Thơ), chất lượng gạo IR 50404 trong năm nay khiến cho các nhà xuất khẩu gạo phải ngỡ ngàng. Ông Hải nói: “Lúa IR 50404 thu mua từ vụ đông xuân, gần đây mới đem ra xay xát mà thấy hạt gạo vẫn rất đẹp, sáng màu, hạt to dài, tỷ lệ bạc bụng khá thấp”.

 Ông Tư Hiền, một thương lái thu mua lúa ở Phú Tân, An Giang cũng cho biết, năm nay lúa IR 50404 có chất lượng tốt hơn hẳn mấy năm trước. Nhờ đó, giá của giống lúa này luôn theo sát giá các giống lúa chất lượng cao và chẳng kém hơn giá các giống chất lượng cao là mấy, và không có chuyện ế lúa IR 50404 như mấy năm trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cuối tuần rồi, giá lúa khô chất lượng cao là 7.350 – 7.500 đ/kg, lúa thường (IR 50404) từ 7.150 – 7.300 đ/kg. Như vậy, giá lúa IR 50404 chỉ thấp hơn giá lúa chất lượng cao 200 đ/kg.

Lý giải về điều này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trước hết giống lúa IR 50404 đã có sự cải tiến về mặt chất lượng trong mấy năm trở lại đây. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa khâu sau thu hoạch và tăng cường sấy lúa tươi đã góp phần không nhỏ trong việc làm tăng chất lượng gạo IR 50404.

 Ông Phong cho biết: “Trước đây, lúa chủ yếu được cắt bằng tay hoặc các lạo máy cắt thô sơ. Lúa cắt xong, hạt lúa vẫn nằm lẫn trong thân rơm, nên bị hấp thụ nhiều hơi ẩm, khiến cho hạt gạo dễ bị sậm màu, nhất là với giống lúa IR 50404. Năm nay, nông dân sử dụng nhiều máy gặt đập liên hợp. Với loại máy này, hạt lúa nhanh chóng được tách ra khỏi thân rơm, do đó không bị hấp hơi nước. Nhờ đó, hạt gạo xay ra từ lúa IR 50404 đã không còn bị sậm màu như những năm trước. Một lượng không nhỏ lúa tươi thu hoạch trong vụ hè thu được đưa vào sấy ngay, cũng đã góp phần làm cho hạt gạo không bị sậm màu nhiều như trước đây”.

Ông Lê Việt Hải bổ sung thêm: “Mùa lũ năm nay tuy lớn nhưng cũng đã cho thấy rõ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện đã tốt hơn nhiều so với trước đây, qua đó góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch. Trong khi nước lũ mênh mông mà trong các khu vực có đê bao, ruộng đồng vẫn khô ráo, máy gặt đập vẫn có thể đưa xuống ruộng để hoạt động bình thường. Đây là điều chưa từng có trong vụ thu đông những năm lũ lớn trước đây”.

Theo Cục Trồng trọt, ĐBSCL cần khoảng 10.000 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch khoảng 1,5 triệu ha mỗi vụ lúa. Số lượng lò sấy lúa cần cho toàn vùng trong những năm tới cũng khá lớn. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để nâng cao tỷ lệ lúa hè thu được sấy ngay sau khi thu hoạch, Cục này đang hướng tới việc xây dựng một chương trình hợp tác “công – tư”.

Theo đó, những người có điều kiện sẽ được khuyến khích đầu tư tiền bạc vào việc xây dựng các lo sấy lúa, để sấy lúa thuê cho thương lái và nông dân. Khi tỷ lệ lúa hè thu được sấy tăng lên, thì chất lượng hạt gạo vụ này sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời tỷ lệ thất thoát cũng sẽ giảm đi nhiều


Có thể bạn quan tâm

Đầu Năm Thanh Long Bình Thuận Có Giá Đầu Năm Thanh Long Bình Thuận Có Giá

Theo một số nông dân, do thời điểm chong đèn để ra trái đợt này trúng vào dịp Noel, thời tiết lạnh nên dù lượng điện chong “già” trên 20 ngày đêm nhưng nhiều vườn thanh long vẫn không bung nụ. Cộng thêm, thời tiết năm nay lạnh nên thanh long chín muộn hơn bình thường, có nơi kéo dài 7 - 10 ngày hoặc hơn. Do đó, hiện rất nhiều vườn thanh long sẽ có trái chín rộ từ sau rằm tháng giêng trở đi.

28/02/2015
Nhà Vườn Hốt Bạc Với Trái Cây Tết Có Kiểu Dáng “Độc” Nhà Vườn Hốt Bạc Với Trái Cây Tết Có Kiểu Dáng “Độc”

Theo các nhà vườn thực hiện phương pháp sản xuất trái cây tạo hình ở huyện Châu Thành, tuy giá khá cao, nhưng vẫn không đủ nguồn cung trong dịp tết năm nay. Nguyên nhân là do thời tiết bất lợi và sâu bệnh tấn công nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của nhà vườn, dẫn đến tỷ lệ tạo hình bưởi Năm Roi đạt thấp.

28/02/2015
Rau Mứt Cửa Tùng Rau Mứt Cửa Tùng

Ngôi nhà của Thanh Ngọc và gia đình đang ở được đặt cái tên rất lãng mạn: “Eo biển xanh”, nơi để bạn bè, du khách tìm về nghỉ ngơi thưởng ngoạn món ngon của biển. Thanh Ngọc mang từ biển vào một rá rau mứt vừa được khai thác và tự làm “bác sĩ dinh dưỡng” khiến tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự am hiểu tường tận loại đặc sản này của bạn.

28/02/2015
Hãy Sát Cánh Cùng Nông Dân Hãy Sát Cánh Cùng Nông Dân

Chúng ta sẽ chào đón Lễ Quốc khánh mừng đất nước tròn 70 tuổi và Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó lại là năm Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ 12. Đây là một sự kiện quan trọng vì nó sẽ quyết định hướng đi lên của đất nước trong những năm tới.

28/02/2015
Bay Xa Hương Chè Shan Tuyết Bay Xa Hương Chè Shan Tuyết

Bậc cao niên ở Na Hang cũng không rõ những “cụ” chè Shan tuyết cổ thụ đã sống cùng rừng núi nơi đây từ bao giờ. Các thế hệ người Mông, người Dao lấy lá chè Shan làm đồ uống như một sản vật của sơn thần ban tặng. Cây chè Shan hợp phong thủy, thổ nhưỡng nơi lưng chừng trời, lại được người dân bản địa đón nhận nên phát triển tự nhiên.

28/02/2015