Nhiều Giải Pháp Cho Nghề Nuôi Tôm Hùm Lồng
Nghề nuôi tôm hùm lồng tại các tỉnh Nam Trung bộ đã có hơn 20 năm nay, mang lại giá trị gần 4.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nghề này đang gặp khó khăn.
Nhiều cái khó
Nghề nuôi tôm hùm lồng là nghề nuôi tự phát. Do thiếu quy hoạch, quản lý nên số lượng lồng nuôi tăng nhanh, khiến môi trường bị ô nhiễm.
Từ năm 2007 đến nay, tôm hùm thường xuyên bị bệnh, tỷ lệ thất thoát bình quân lên đến 30%. Tại các vùng nuôi tôm hùm như đảo Bình Ba, vịnh Vân Phong... có nơi mật độ nuôi dày, cao hơn quy định từ 2 - 4 lần. Anh Nguyễn Chí Lem, người có gần 10 năm nuôi tôm hùm lồng tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), cho biết, tỷ lệ tôm hùm nuôi bị chết ngày càng cao, có năm gia đình anh thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Nguyên nhân chính là do môi trường nuôi ô nhiễm. “Ai thích nuôi thì nuôi chứ cũng không ai quản lý. Chất thải, mồi dư cứ trút xuống biển, gây ô nhiễm môi trường” - anh Lem nói.
Trong khi tỷ lệ tôm hùm hao hụt vì dịch bệnh ngày càng cao thì giá con giống lại ngày càng tăng. Năm 2012, giá tôm giống chỉ hơn 200.000 đồng/con, đến tháng 4-2014, có lúc lên đến 400.000 đồng/con. Mấy năm gần đây, nguồn giống tự nhiên khan hiếm khiến giá tôm giống bị đẩy lên cao. Thức ăn cho tôm là các loài cá nhỏ giá cũng tăng nhanh do nguồn lợi cạn kiệt.
Đến nay, các tỉnh Nam Trung bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) đang có khoảng 10.000 hộ nuôi với trên 43.000 lồng tôm hùm, sản lượng hàng năm khoảng 1.400 tấn. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ven biển mà con tôm hùm còn đem lại nguồn thu gần 4.000 tỷ đồng/năm cho người nuôi.
Thế nhưng hiện nay, ngoài một lượng rất nhỏ tiêu thụ trong nước, số tôm hùm còn lại đều xuất khẩu tiểu ngạch và lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá cả thường xuyên biến động. Có thời điểm tôm loại 1 lên đến 2,6 triệu đồng/kg, nhưng có lúc chỉ còn 1 triệu đồng/kg.
Ông Hoàng Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, lý giải: “Vì thị trường tiêu thụ tôm hùm không rộng rãi nên khi phía Trung Quốc mua cầm chừng thì giá giảm. Hiện nay, chưa có một công ty nào chịu trách nhiệm thu mua tôm hùm để xuất chính ngạch”.
Tìm lối thoát
Để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững, ổn định, tương xứng với tiềm năng sẵn có ở các vũng, vịnh, đầm của khu vực miền Trung, theo các nhà nghiên cứu, cần phải triển khai đồng bộ 7 giải pháp, đó là: Quy hoạch, giống, khoa học công nghệ và môi trường, chính sách, vốn, khuyến ngư, thị trường.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, khó khăn nhất của ngành nuôi tôm hùm là con giống; tuy đã thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo nhưng chưa thành công. Vì vậy, các tỉnh có vùng giống tự nhiên cần quy hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý.
Trước mắt, cần coi nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép cho các hộ dân nhằm quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu thuyền, ngư cụ, hình thức, sản phẩm khai thác. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình đồng quản lý hoặc quản lý dựa vào cộng đồng để đảm bảo việc khai thác tôm hùm giống mang tính bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nghiên cứu, nhập công nghệ sản xuất giống nhân tạo trong thời gian tới.
Trong khi chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp thì phải nghiên cứu cung ứng thức ăn tự nhiên phù hợp để tránh ô nhiễm môi trường. Bởi nếu không thay thế được thức ăn tươi tự nhiên thì nghề lưới kéo ven biển sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi ven bờ.
Được biết, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nghề nuôi tôm hùm đến năm 2020 để các tỉnh xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Theo đó, các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan chuyên môn và địa phương cần đẩy mạnh điều tra nguồn lợi và nghiên cứu mô hình nuôi an toàn, bền vững.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tiếp tục thử nghiệm, nghiên cứu, sớm ban hành quy trình phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm; thực hiện quan trắc môi trường, thông báo kịp thời kết quả quan trắc và dự báo tình hình cho các địa phương và người nuôi để phòng tránh. Đồng thời tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như nuôi tôm hùm trên bờ, trong bể xi măng đang được áp dụng tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc...
Ông Vũ Văn Tám cũng cho biết: Bộ, Tổng cục Thủy sản sẽ tham mưu, ban hành các giải pháp về thể chế, chính sách như sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho người nuôi. Đối với mặt nước biển quy hoạch nuôi tôm hùm cần thực hiện giao, cho thuê mặt nước biển.
Mặt khác, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phòng ngừa rủi ro do thiên tai, dịch bệnh cho vùng nuôi. Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ vốn vay, thời gian ít nhất 3 năm với số vốn vay đủ lớn cho nhu cầu đầu tư của người dân. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu con tôm hùm cho các tỉnh Nam Trung bộ.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với lợi thế có nhiều vũng, vịnh kín gió, số ngày nắng lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng. Hy vọng, với những giải pháp nói trên, sắp tới nghề này sẽ phát triển bền vững hơn.
Mới đây, trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam tại tỉnh Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn chuyên đề: “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung” để bàn các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm lồng.
Tổng cục Thủy sản cho rằng, nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều cái khó: Chưa có quy hoạch chi tiết; nguồn giống, thức ăn đều phụ thuộc vào tự nhiên; dịch bệnh thường xuyên xảy ra; công nghệ nuôi lồng bè truyền thống cho năng suất thấp và phát sinh nhiều dịch bệnh. Trong số này, khó khăn lớn nhất là chưa thể sản xuất được giống nhân tạo.
Có thể bạn quan tâm
Là một trong 5 sản phẩm được UBND TX Quảng Yên (Quảng Ninh) chọn tham gia Đề án: “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh, đến nay, sản phẩm tôm sú Quảng Yên đã có mặt ở hầu hết các chợ, siêu thị, cửa hàng đại lý giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh...
Trước đây, hầu hết các hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đều chọn nuôi mật độ cao để tăng sản lượng tôm nuôi. Nhưng kể từ đầu năm 2015 đến nay, khi tôm nguyên liệu trên thị trường bị rớt giá, cộng với giá thức ăn, vật tư phục vụ nuôi thuỷ sản ở mức cao thì cách nuôi này phần lớn không mang lại hiệu quả.
Giá giảm, tỷ lệ chết cao khiến người nuôi ở vùng Prakasam, thuộc bang Andhra Pradesh, Ấn Độ gặp khó khăn. Chính quyền nước này đang được yêu cầu phải có các chính sách giảm chi phí đầu vào cho người nuôi.
Gần một tuần qua, bãi nghêu ở cửa biển kênh Cái Cùng, thuộc xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu trở nên hỗn loạn, mỗi ngày có hàng trăm người, cao điểm cả ngàn người kéo tới “hôi” nghêu. Việc tranh chấp quyết liệt giữa chủ bãi nghêu với người dân đã dẫn đến máu đổ, có người phải nhập viện…
Ngày 15-8, tại TPHCM, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty TNHH De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia (DHFS - Safe Pork) ký biên bản hợp tác thiết lập chuỗi giá trị thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.