Thông Tin Về Bệnh Trắng Mang Trắng Gan Trên Cá Tra Nuôi Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là đối tượng thủy sản được nuôi phổ biến ở Việt Nam. Cá sống chủ yếu ở vùng nước ngọt. Tuy nhiên, cá có khả năng sống ở trong môi trường nước có độ muối dưới 10 phần ngàn và có độ pH > 4. Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng ĐBSCL.
Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước phù sa màu mỡ, dồi dào, nên quy mô nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) của các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu đã được mở rộng và còn nhiều tiềm năng phát triển.
Do lợi nhuận hấp dẫn của nghề nuôi mang lại, diện tích nuôi cá tra đã được mở rộng một cách ồ ạt. Cá được nuôi ở mật độ cao hơn, lượng thức ăn sử dụng cho cá nhiều hơn... là những nguyên nhân làm cho môi trường trong ao nuôi dễ dàng bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch bệnh bộc phát, gây thiệt hại cho người nuôi. Các loại bệnh thường gặp trên cá tra và cá basa là: bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiễm khuẩn cơ hội, bệnh mủ trên gan, thận hay còn được gọi là bệnh đốm trắng trên gan, thận.
Ngoài ra, hai loài cá này còn có thể mắc các chứng bệnh như: bệnh trắng gan, trắng mang. Bệnh trên cá tra, basa ngày càng xuất hiện phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao, có thể gây chết đến 70 - 80% quần đàn trong ao ương cá tra giống. Bệnh cũng xuất hiện trong các ao cá tra nuôi thương phẩm dưới ba tháng tuổi. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào cuối mùa khô - đầu mùa mưa và trong mùa mưa (tháng 7 - 8 hàng năm).
Để có thể giúp người nuôi khắc phục và hạn chế những tổn thất do bệnh trắng mang, trắng gan trên cá tra gây ra, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 là đơn vị chủ trì đề tài cấp Bộ: ”Nghiên cứu bệnh trắng mang, trắng gan trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và biện pháp phòng trị”.
Mục đích nghiên cứu nhằm xác định nguyên nhân và các tác nhân gây bệnh trắng mang, trắng gan trên cá tra nuôi ở khu vực ĐBSCL, đồng thời, đề xuất biện pháp phòng trị bệnh có hiệu quả.
Kết quả khảo sát bước đầu, năm 2006, tại Vĩnh Long, Đồng Tháp, Thốt Nốt (Cần Thơ), An Giang, đã ghi nhận bệnh trắng mang, trắng gan xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa trên một số ao cá tra giống và ao cá tra nuôi thịt, kích cỡ cá giống và cá nuôi 2 - 3 tháng tuổi bị bệnh. Cá bị bệnh trắng mang, trắng gan có biểu hiện bệnh tích được phân thành 3 dạng:
+ Dạng 1: Cá bệnh có biểu hiện bên ngoài bình thường, không xuất huyết trên thân và các gốc vây, không chướng bụng. Kểm tra mang cá cho thấy, mang cá đã chuyển sang màu trắng hồng nhạt, vòng theo cung mang có viền lấm tấm màu xám nhạt đến xám sậm trên các sợi tơ mang.
Đặc biệt, mang cá không tiết nhớt trắng đục, mặc dù mang cá mất sắc tố nhưng tơ mang vẫn sạch, mượt, khi cá bệnh nặng (đã bỏ ăn) máu cá cũng trở nên hồng nhạt, gan không còn sắc tố chuyển sang màu vàng đất.
+ Dạng 2: Cá bệnh có biểu hiện xuất huyết nhẹ ở các gốc vây, không xuất huyết dạng đốm, không chướng bụng. Mang cá cũng mất sắc tố, chuyển sang hồng nhạt, nhưng màu hồng không tươi sáng như dạng 1 và mang cũng không tiết nhiều nhớt, trên các tơ mang có lẫn những tia máu thật mảnh như sợi chỉ. Máu cá cũng mất sắc tố nhưng nhạt màu không như dạng 1 và có màu hồng tối.
+ Dạng 3: Cá bệnh có biểu hiện xuất huyết lấm tấm ở mặt bụng, gốc vây cũng xuất huyết lấm tấm dạng điểm. Mang cá không còn đỏ tươi và đã chuyển sang hồng nhạt. Trên mang xuất huyết lấm tấm dạng điểm. Mang cá rất sạch, không tiết nhớt. Gan, thận không biến màu; Tì tạng sậm màu, máu cá không mất sắc tố.
Cho đến nay, chưa có một tài liệu cụ thể nào công bố tác nhân gây bệnh trắng mang, trắng gan trên cá tra và biện pháp phòng trị. Người nuôi chủ yếu vẫn dùng biện pháp chữa “Bao vây” khi cá bệnh. Tỷ lệ cá bệnh chết trong ao lên đến 60 - 70%.
Do đó, để xác định nguyên nhân và tác nhân gây bệnh, nhóm thực hiện đề tài bước đầu đã phát hiện một số tác nhân gây bệnh hiện diện trên các mẫu bệnh phẩm trắng mang, trắng gan như: virus, vi nấm với các kỹ thuật xét nghiệm như: xem mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi điện tử, nuôi cấy phân lập nấm, vi khuẩn.
Đề tài đang được triển khai nhằm xác định chính xác nguyên nhân và tác nhân gây bệnh, từ đó có thể đề xuất, xây dựng quy trình phòng trị thích hợp. Khuyến cáo trước mắt, khi cá tra nuôi bị bệnh trắng mang, trắng gan người nuôi nên thận trọng khi sử dụng các hóa dược có tác dụng diệt khuẩn.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài bệnh gan, thận có mủ, bệnh vàng da…trong thời gian gần đây các ao nuôi cá tra ở ĐBSCLnói chung và Vĩnh Long nói riêng đã xuất hiện phổ biến hiện tượng cá tra có những nang “gạo” lấm tấm trong cơ thể cá ở nhiều dạng khác nhau và được phát hiện khi mổ cá để quan sát nên gọi đây là bệnh “gạo”.
Cá tra làmặt hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quan trọng của ngành thủy sản ĐBSCL. Để cải thiện chất lượng cá tra nuôi hầm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, KS. Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trung tâm Khuyến Nông tỉnh An Giang) đã thử nghiệm thành công quy trình nuôi cá tra sạch bằng cách sử dụng các chế phẩm vi sinh.
Có không ít người nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa sản phẩm cũng như quy trình sử dụng. Điều đáng nói là chất lượng thuốc, nó gây không ít thiệt hại cho người nuôi cũng như môi trường chăn nuôi.
Một trở ngại thường gặp trong nuôi cá tra ao thâm canh (Pangasianodon hypophthalmus) là da và thịt cá có thể có màu vàng. Vấn đề liên quan đến thịt vàng trên cá tra rất được các nhà khoa học và người nuôi cá quan tâm, bởi vì cá tra thịt vàng không được các nhà máy chế biến ưa chuộng, do đó khó tiêu thụ. Giá cá tra thịt vàng giảm từ 10 - 20% so với cá tra thịt trắng...
ĐBSCL có hơn một nửa số tỉnh nuôi cá tra, basa bè. Kinh nghiệm nuôi cá bè của nông dân đã trở thành một nghề hoàn chỉnh và vững chắc. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra, basa nuôi theo phương pháp sạch đang ngày càng được thị trường ưa chuộng và cần được nông dân áp dụng.