Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá tra, basa

Nuôi cá tra thịt trắng

Nuôi cá tra thịt trắng
Tác giả: Hải An
Ngày đăng: 07/11/2019

Sản phẩm cá tra thịt trắng rất được ưa chuộng ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và EU nên kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng đang được các doanh nghiệp chế biến và người nuôi quan tâm.

Cá tra thịt trắng được ưa chuộng ở nhiều thị trường - Ảnh: Phan Thanh Cường

Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt cá

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì màu sắc và chất lượng thịt cá tra được quyết định bởi chế độ dinh dưỡng. Thức ăn không phù hợp; trong quá trình nuôi, cá bị nhiễm các bệnh ảnh hưởng đến gan mật (như giun sán, gan thận mủ); dùng thuốc kháng sinh dài ngày và dùng nhiều loại để chữa bệnh cá, đồng thời quá trình nuôi ao ít thay nước, lượng mùn bã hữu cơ trong ao tích tụ nhiều, màu nước đậm đặc, thiếu ôxy sẽ làm cho thịt cá chuyển thành màu vàng. Ngoài ra, trong quá trình thay nước (tháng 6 - 7), thay phải nước có nhiều phù sa cũng làm cho màu sắc của cá chuyển vàng.

Kỹ thuật nuôi

Chuẩn bị ao và thả giống

Ao nuôi nên chọn ở những nơi có nguồn nước ít ô nhiễm và thuận tiện thay nước (gần sông, kênh thủy lợi). Quá trình cải tạo ao nên sên vét hết lượng bùn đen trong ao và tẩy vôi kỹ (12 - 15 kg/100 m2).

Nước cấp vào ao được lọc qua lưới và độ sâu 1,2 m trở lên. Sau khi cấp nước 3 ngày thì có thể thả giống; giống phải được mua ở những nơi uy tín, có chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng. Cá giống phải có kích cỡ đồng đều, không bị nhiễm bệnh, mật độ cá thả vừa phải (30 con/m2) .

Chăm sóc và quản lý

Thức ăn cho cá tra nuôi rất quan trọng và quyết định đến màu sắc của thịt cá. Hiện nay giá cá thương phẩm giảm thấp, người nuôi có hiện tượng cho cá ăn cầm chừng để đợi giá lên hoặc tiết kiệm cho cá ăn bằng thức ăn tự chế có hàm lượng đạm thấp - Điều này rất bất lợi, bởi vì nếu cá ăn không đủ lượng và chất thì chất lượng cá thương phẩm sẽ kém và màu sắc sẽ vàng; mặt khác thức ăn chế biến nếu có rau xanh mà không được ủ cũng khiến thịt cá bị vàng, kém chất lượng.

Do vậy, trong quá trình nuôi phải đảm bảo thức ăn đủ lượng và chất. Đối với cám công nghiệp, khi cá còn nhỏ cho ăn lượng thức ăn chiếm từ 6 đến 10% trọng lượng thân, hàm lượng đạm 30% trở lên; khi lớn (>500 g/con) thì cho ăn thức ăn chiếm 4 - 5% trọng lượng thân, hàm lượng đạm 25%. Thức ăn từ chế biến cũng phải phối trộn để có số lượng và chất lượng tương đương; trong trường hợp trộn thêm rau xanh và nấu chín như  rau muống, cám tấm, cá tạp xay nhuyễn thì nên ủ chua bằng bã rượu, sau đó mới cho ăn. Từ kinh nghiệm thực tế đối với thức ăn tự chế, nếu phối trộn bã hèm rượu (10 - 15%) vào thức ăn sẽ giúp cá có sức đề kháng tốt, ít bệnh và quan trọng là thịt cá có màu trắng với tỉ lệ cao. Đối với thức ăn công nghiệp và tự chế, khi cho cá ăn cần phối trộn thêm men vi sinh, Vitamin C với liều lượng hướng dẫn trên bao bì để tăng cường sức đề kháng và quá trình tiêu hóa giúp cá hấp thu thức ăn được tốt hơn.

Đối với ao có lắp hệ thống sục khí, khi khối lượng cá trong ao từ 2 kg/m3 trở lên thì  tiến hành sục khí 12 giờ/ ngày; khi khối lượng cá đạt 6 kg/m3 nên sục khí 24 giờ/ngày.

Những ao nuôi không lắp sục khí, sau 30 ngày thả cá giống cần thay nước định kỳ hằng tuần, sau 3 tháng nuôi tăng lên 3 - 5 lần/tuần, lượng nước thay 30%. Càng đến cuối vụ nuôi thì nước càng bẩn, cần thay nước hằng ngày, mỗi lần thay 50% lượng nước trong ao. Trong trường hợp ao nuôi có tảo phát triển mạnh, dùng BKC hoặc formol để cắt tảo với liều lượng 5 - 7 ppm, nên xử lý vào buổi trưa nắng. Sau một tháng nuôi, nền đáy ao sẽ tích tụ nhiều mùn bã hữu cơ, sinh nhiều khí độc; vì vậy cần sử dụng chế phẩm sinh học (EMC, Bio ZeoGreen , Bio Yucca…) liều lượng theo hướng dẫn để khoáng hóa đáy ao, tiêu độc và cạnh tranh không gian sống đối vi khuẩn gây bệnh giúp cá phát triển tốt hơn.

Cần áp dụng biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Căn cứ vào tình hình thời tiết, sức ăn của cá để điều chỉnh thức ăn cho cá phù hợp, tránh dư thừa. Hằng ngày quan sát các hoạt động của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp cá bị bệnh thì khi dùng thuốc và hóa chất cần có sự tư vấn của các cán bộ kỹ thuật. Nếu dùng kháng sinh chữa bệnh cho cá, cần đúng thuốc, đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng thời gian.

Thu hoạch

Trước khi thu hoạch 1 tháng, cần thay nước hằng ngày để nước ao luôn trong sạch. Nên dừng sử dụng thuốc chữa bệnh và hóa chất trước khi thu hoạch cá 15 - 20 ngày.

Thịt cá tra có thể phân loại từ cao đến thấp (như trắng, vàng chanh, hồng và vàng). Thông thường những hầm nuôi cá tra có tỷ lệ cá thịt vàng cao thì không được các nhà máy chế biến ưa chuộng, khi thu mua giá cá sẽ bị giảm 15 - 20% so với giá cá tra thịt trắng cùng kích cỡ.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá tra VietGAP giúp giảm giá thành sản xuất tại Đồng Tháp Nuôi cá tra VietGAP giúp giảm giá thành sản xuất tại Đồng Tháp

Mô hình nuôi cá tra của anh Nguyễn Thanh Tuấn ngụ xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) vẫn hiệu quả nhờ thực hiện liên kết chuỗi cá tra VietGAP.

18/10/2019
Bệnh mủ gan ở cá Bệnh mủ gan ở cá

Hiện nay, bắt đầu vào mùa mưa, nhiệt độ nước thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều mầm bệnh phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh gan, thận có mủ.

29/10/2019
Biện pháp nâng tỷ lệ sống trong ương cá tra từ bột lên hương Biện pháp nâng tỷ lệ sống trong ương cá tra từ bột lên hương

Hiện nay, tỷ lệ sống khi ương cá tra từ bột lên hương thường chỉ đạt trung bình từ 10 - 15%. Tìm ra nguyên nhân và có biện pháp để nâng cao tỷ lệ sống khi ương

06/11/2019