Thôn An Thạnh 2 (Ninh Thuận) trồng nho VietGAP theo hướng kết nối doanh nghiệp
Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, để phát triển chuỗi giá trị nho, ngày 21-5-2014, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Ninh Phước và Ban Phát triển xã An Hải đã thành lập 2 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) trồng nho tại các thôn An Thạnh 1 (10 thành viên) và An Thạnh 2 (15 thành viên). Tham gia các tổ nhóm này đều là nông dân đã có kinh nghiệm trong việc trồng nho. Đến An Thạnh 2 đúng dịp mùa thu hoạch nho vừa kết thúc, chúng tôi nhận thấy các vườn nho đều đã cắt cành, có vườn đang ra hoa hoặc bắt đầu cho trái non.
Anh Đặng Ngọc Đông, trưởng nhóm trồng nho An Thạnh 2 cho biết: Diện tích nho trồng toàn tổ có 3,66 ha, tất cả đều là giống nho đỏ trồng gốc ghép, mỗi năm làm 3 vụ, trong đó vụ đông- xuân là vụ chính. Sau khi chính thức hoạt động, tổ đã được DASU Ninh Phước hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chọn một số vườn nho thí điểm xác định chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra. Các thành viên trong tổ còn được mời dự khoảng 9 lớp tập huấn về sử dụng phân thuốc, bảo hộ lao động, an toàn về điện, cách trồng nho sạch, sản xuất theo quy trình VietGAP.
Theo các thành viên trong tổ nhóm trồng nho An Thạnh 2, từ trước đến nay, thu hoạch nho xong vẫn chưa biết bán cho ai, cứ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên giá cả bấp bênh, thất thường, khi được giá, khi mất giá. Đơn cử vụ vừa qua, do vườn nào cũng có nho chín tới cần cắt bán nên giá chỉ còn 10.000 đồng/kg làm không ít hộ trồng nho lao đao. Anh Đinh Bá Kháng, có 3,3 sào nho, thành viên trong tổ nhóm trồng nho An Thạnh 2 chia sẻ: Trung bình mỗi vụ nho đạt sản lượng 1,5 tấn/sào, chúng tôi chỉ cần giữ được giá bán 20.000 đồng/kg là có lãi.
Nhưng thực tế khác hẳn, theo anh giá nho có lúc lên đến 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhất là thời điểm giáp tết, nhưng rồi có lúc tụt giảm "thảm hại", chưa nói nho là loại cây trồng “đỏng đảnh” gặp thời tiết thay đổi là bị thiệt hại, người trồng nho luôn đối diện với nhiều rủi ro. Vì vậy, năm 2014 trong tổ đã có 9 hộ (trong đó có anh Đặng Ngọc Đông và anh Đinh Bá Kháng) chuyển sang trồng nho theo quy trình VietGAP với diện tích 2,4 ha, và hiện nay đã được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến sắp tới, các vườn nho còn lại trong tổ cũng sẽ chuyển hết sang sản xuất theo hướng VietGAP.
Từ nền tảng ban đầu có được về sản xuất nho sạch, tổ nhóm trồng nho An Thạnh 2 đang khởi động thực hiện tiểu dự án liên kết với Doanh nghiệp (DN) tư nhân SXTMDV Ba Mọi, ở thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Qua tiếp cận với tổ, DN cam kết thu mua nho tươi với giá cao hơn từ 1 - 5% giá trên thị trường, trong quá trình liên kết bao tiêu sản phẩm, còn tài trợ mở các lớp tập huấn sản xuất an toàn cho nông dân và hướng dẫn quy trình thực hiện, giúp các thành viên còn lại trong nhóm (gồm 6 hộ) có giấy chứng nhận sản xuất VietGAP. Hiện nay, do còn vướng một số vấn đề cần phải thảo luận thêm, đặc biệt là vấn đề vận chuyển và đánh giá chất lượng sản phẩm khi thu mua nên tổ vẫn chưa ký hợp đồng với DN. Tuy nhiên theo anh Đặng Ngọc Đông, trước xu thế mới trong phát triển chuỗi giá trị, các thành viên trong tổ và DN sẽ sớm thống nhất được các thỏa thuận để xúc tiến ký hợp đồng trong thời gian tới theo hướng 2 bên cùng có lợi.
Thực ra để trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi phải áp dụng một quy trình chặt chẽ, tốn nhiều công sức, thời gian nên nông dân không thể bán cho tư thương với giá ngang bằng nho bình thường. Để tiêu thụ nho VietGAP chỉ có liên kết mới tạo cơ hội cho nông dân có đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho người trồng nho. Nhận thức được điều đó, với trách nhiệm trưởng nhóm, anh Đặng Ngọc Đông đang cố gắng gắn kết các thành viên trong tổ, tạo sự phấn khởi bước đầu khi tham gia các hoạt động do DN tư nhân SXTMDV Ba Mọi triển khai.
Có thể bạn quan tâm
Ban Quản lý vườn Quốc gia Tràm Chim huyện Tam Nông vừa thả con chim Già đãy trở vào vườn Quốc gia Tràm Chim, sau hơn một tháng chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.
Vụ lúa đông xuân năm nay, 40 hộ dân trong Tổ sản xuất giống ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười rất phấn khởi khi thu hoạch lúa trúng mùa, trúng giá. Đó chính là kết quả mà những hộ nông dân này gặt hái được khi tham gia cánh đồng liên kết sản xuất giống với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang.
Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, ông Phan Văn Nguyên ở ấp 2, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh từng bước xây dựng mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).