Thời Tiết Nắng Nóng, Nhiều Diện Tích Tôm Nuôi Bị Dịch Bệnh
Do điều kiện thời tiết bất lợi, bệnh đốm trắng ở tôm đang bùng phát và gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ nuôi ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình).
Những ngày này, người nuôi trồng thủy sản ở huyện Kim Sơn đang đứng ngồi không yên bởi dịch bệnh trên tôm bùng phát và lây lan quá nhanh. Không kịp trở tay, nhiều hộ nuôi mất trắng, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hàng trăm chòi canh tôm nằm rải rác ở các vùng nuôi vừa mới xôn xao ngày thả giống hôm nào, giờ trở nên trống vắng. Những ngày tháng miệt mài, tích cóp của bà con bỗng chốc đổ xuống sông, xuống biển.
Ông Vũ Đức Sơn, xóm 5, xã Kim Trung (Kim Sơn) tâm sự: Vụ này gia đình tôi nuôi 1,5 ha tôm thẻ, trong đó có 0,5 ha áp dụng quy trình nuôi VietGAP. Ban đầu tôm phát triển tốt, ngày ngày theo dõi đàn tôm tôi đã mừng thầm.
Ai ngờ được khoảng hơn 40 ngày tuổi, tôm bắt đầu có hiện tượng nổi đầu, đỏ thân nên gia đình đã thu hoạch chạy. Tuy nhiên, tôm còn non nên giá quá thấp, khoảng 50 nghìn đồng/kg. Đầu tư trên 30 triệu đồng, song gia đình chỉ thu về được chừng 20 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thông, một chủ hộ nuôi tôm ở khu nuôi tôm công nghiệp xã Kim Trung nói: Gia đình tôi chuyển từ xã Đồng Hướng xuống đây để đầu tư nuôi tôm, mong cải thiện điều kiện kinh tế. Ai ngờ tôm chết đã đẩy gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, đầu tư hơn 100 triệu đồng tiền vốn mà không thu lại được đồng nào. Gia đình tôi mong muốn được nhà nước hỗ trợ vốn để có điều kiện tái đầu tư, sớm ổn định sản xuất.
Nhiều chủ đầm nuôi tôm ở đây cho hay: Năm nay, họ đã thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh ao đầm, kênh mương, dùng vôi bột để khử trùng, diệt tạp, sau đó phơi đáy ao. Khi lấy nước vào tiếp tục tiến hành xử lý diệt tạp, điều chỉnh môi trường nước trong ao ổn định, phù hợp với yêu cầu sinh thái của con giống, tuy nhiên không hiểu sao mới chỉ trong thời gian ngắn tôm đã bị nhiễm bệnh.
Tính đến ngày 22-5, xã Kim Trung đã có 312/605 hộ nuôi, có tôm chết với diện tích 146,1 ha (bằng 61,12% tổng diện tích). Tương tự ở xã Kim Đông có 170/771 hộ nuôi có tôm chết, xã Kim Hải cũng có 326/485 hộ nuôi bị thiệt hại.
Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Thực hiện kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2014 tại vùng bãi bồi ven biển, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo UBND các xã: Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông nghiêm túc triển khai và thực hiện cải tạo ao đầm, thả giống thủy sản vụ 1 theo đúng lịch thời vụ.
Tuy nhiên, từ khi thả giống đến cuối tháng 4 thời tiết âm u kéo dài, số giờ nắng rất ít, sau đó từ đầu tháng 5 đến nay thời tiết nắng nóng nên xảy ra tình trạng tôm chết rải rác trong các ao đầm và có xu hướng tăng.
Theo báo cáo của các xã, đến ngày 20-5 đã có 433,9/991,7 ha tôm thả nuôi bị chết, trong đó có 4 ha nuôi tôm công nghiệp ở Kim Trung. Trước tình hình trên, huyện đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản và UBND các xã tiến hành kiểm tra thực tế và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm chuẩn đoán Thú y Trung ương, đã có một số mẫu tôm chết dương tính với bệnh đốm trắng.
Theo Chi cục Thú y tỉnh thì thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ làm tôm dễ bị suy yếu, cộng thêm môi trường bị ô nhiễm nặng nếu địa phương không xử lý kịp thời dịch bệnh, nhất là việc thu dọn xác tôm chết không triệt để, không xử lý hoá chất tại các ao có tôm bị bệnh theo hướng dẫn thì nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh là rất cao.
Trước mắt, Chi cục đã cấp phát 5.000 kg hóa chất Vicato từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh để các hộ nuôi có tôm chết kịp thời xử lý môi trường vùng nuôi.
Đồng thời Chi cục tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và cử cán bộ xuống tận hồ nuôi tôm, phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi tôm phòng trị bệnh, cải tạo, xử lý ao đầm nuôi bị bệnh đốm trắng.
Tổ chức tuyên truyền, vận động người nuôi nếu có tôm bị bệnh đốm trắng thì tập trung thu gom tôm mắc bệnh, sử dụng hóa chất để xử lý nước trước khi thải ra môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi tôm ở thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp sản phẩm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Diện tích nuôi tôm tại huyện Cần Giờ đạt 6.203ha, Nhà Bè 255ha và huyện Bình Chánh 60ha.
Theo đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh của tỉnh chỉ còn 4.072ha do có 428ha sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng; chuyển 202ha tôm sú quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thẻ chân trắng (diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến còn lại 13.149ha) và 1.280ha nuôi tôm sú - lúa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (diện tích mô hình này còn lại 7.620ha).
Vài chục cơ sở hành nghề này ở các khu vực giáp ranh: TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đã phải nợ lại mỗi nhà vườn 40 - 50 triệu đồng.
Diện tích không có nước để gieo trồng vẫn còn tới gần 15.000ha, diện tích đã chuyển đổi là hơn 4.600ha. Theo Tổng cục Thủy lợi, thời gian tới, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, diện tích hạn hán sẽ tăng lên và phạm vi có thể tiếp tục mở rộng.
Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý thì người nông dân có thể nâng năng suất của cây mía lên gấp 1,5 lần, thậm chí có trường hợp tăng gấp đôi.