Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển Biến Trong Giảm Nghèo Nhanh, Bền Vững

Chuyển Biến Trong Giảm Nghèo Nhanh, Bền Vững
Ngày đăng: 15/10/2014

Báo cáo của UBND huyện Điện Biên Đông cho thấy, tính đến đầu tháng 10, các chỉ số về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện đều đạt khá; đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đó là cơ sở để chúng ta tin việc thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 42% vào cuối năm 2014 sẽ thành hiện thực.

Là một trong những huyện nghèo nhất toàn quốc, cuối năm 2009, tính theo chuẩn nghèo mới (thời điểm triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Điện Biên Đông là hơn 67%, còn lại hầu hết là hộ trung bình; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm không đáng kể.

Thời điểm đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn: hàng nghìn hộ sống trong những căn nhà tạm; thiếu đất ở, đất sản xuất; thiếu tư liệu, công cụ sản xuất. Bên cạnh đó, tư duy, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân, mà biểu hiện là sản xuất nông nghiệp trông chờ vào thiên nhiên là chủ yếu.

Đây được xác định chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đói nghèo kéo dài. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong toàn quốc, kinh tế - xã hội huyện Điện Biên Đông có nhiều chuyển biến tích cực: tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,8%/năm; kinh tế hộ chuyển dần từ sản xuất thủ công manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Nông dân nhiều vùng đã biết áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi.

Thụ hưởng nguồn vốn Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ năm 2009 đến nay, huyện Điện Biên Đông được đầu tư gần 240 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ nhà ở (Quyết định 167/CP), đất sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao KHKT sản xuất nông nghiệp cho nông dân; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Trong đó, nguồn vốn đầu tư chủ yếu dành cho phát triển hạ tầng nông thôn như: giao thông nông thôn, thủy lợi. 5 năm qua, huyện đã đầu tư 33 dự án phát triển giao thông nông thôn, xây dựng thủy lợi vừa và nhỏ với tổng mức đầu tư trên 161 tỷ đồng. Hiện nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn tương đối hoàn thiện: 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã.

Trong đó, trên 80% xã có đường ôtô đi lại thuận tiện trong cả mùa khô và mùa mưa. Hệ thống thủy lợi toàn huyện hiện có trên 300km đáp ứng tưới tiêu cho 630ha đất canh tác. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ cũng được các cơ quan chức năng của huyện quan tâm, chú trọng. 5 năm qua, huyện đã tổ chức được 53 lớp đào tạo, tập huấn nghề cho lao động nông thôn.

Trong đó, đào tạo kỹ năng vận hành máy xúc, máy ủi cho trên 100 lao động; tập huấn kỹ thuật phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp: kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại trên cây ngô, lúa lai, lạc; kỹ thuật nuôi cá hệ VAC; kỹ thuật trồng và trị bệnh hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng và khai thác rừng; trồng và chế biến nấm... cho trên 2.000 lao động. Trong đó, 82% lao động qua đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 29,7% (tăng 6,7% so với năm 2009).

Mỗi năm, các cơ quan chuyên môn tổ chức từ 60 - 70 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ KHKT cho hàng nghìn lượt nông dân. Những lớp tập huấn đã cung cấp cho người dân tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, thông tin thị trường, các quy trình, kỹ thuật thâm canh, sản xuất; cách xử lý tình huống trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt.

Hạ tầng nông thôn, đặc biệt là mạng lưới giao thông, thủy lợi được quy hoạch, phát triển khá đồng bộ, chất lượng đảm bảo, đã và đang phát huy hiệu quả, qua đó hỗ trợ đắc lực để người dân phát triển sản xuất, tạo các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cùng với công tác chuyển giao kiến thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn là yếu tố quan trọng giúp nông dân từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, canh tác truyền thống kém hiệu quả, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT trong lao động, sản xuất.

Phần lớn nông dân trong huyện không còn sử dụng giống lúa, ngô, địa phương cho chất lượng, hiệu quả thấp trong sản xuất nông nghiệp, mà đã thay thế bằng những giống cây năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước chủ động lương thực, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ

Khi lúa thu đông đang rực vàng trên những cánh đồng vùng ĐBSCL, những người dân ở các huyện ngoại thành TP.Cần Thơ bắt đầu thả cá giống trên đồng ruộng để đón nước lũ về.

08/10/2012
Nuôi Cá Chép Nhật Thu Lợi Cao Ở Đồng Nai Nuôi Cá Chép Nhật Thu Lợi Cao Ở Đồng Nai

Xưa nay, nhiều hộ có ao ở ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chỉ nuôi cá tạp. Gần đây, một số nông dân trong ấp đã chuyển sang nuôi cá chép Nhật đem lại hiệu quả khá cao.

24/05/2012
Trồng Ớt Trúng Mùa, Trúng Giá Trồng Ớt Trúng Mùa, Trúng Giá

Hiện nay, nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đang thu hoạch ớt. Sản lượng ớt năm nay tăng cao nên nhiều nông dân rất vui mừng, phấn khởi.

08/03/2011
Người Nông Dân Say Mê Nghiên Cứu Giống Lúa Mới Người Nông Dân Say Mê Nghiên Cứu Giống Lúa Mới

Chuyện nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa mới hiện nay không phải là hiếm, nhưng một người dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa đạt chuẩn được xem là một tâm điểm thu hút sự chú ý của giới nông dân và các nhà khoa học. Người chúng tôi muốn nói đến là ông Phan Văn Oanh (Mười Oanh), ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình.

17/06/2012
Giá Cam Sành Giảm Mạnh Ở Cái Bè (Tiền Giang) Giá Cam Sành Giảm Mạnh Ở Cái Bè (Tiền Giang)

Cam sành là một trong những trái cây đặc sản của huyện Cái Bè (Tiền Giang), hiện tại giá giảm mạnh, thương lái thu mua tại vườn loại đặc biệt từ 10 - 11 ngàn đồng/kg, loại nhất từ 8 - 9 ngàn đồng/kg, còn cam loại 2, 3 có giá từ 2 - 3 ngàn đồng/kg, thấp hơn từ 15 - 22 ngàn đồng/kg so cách đây gần 2 tháng qua. Với giá như hiện nay, người trồng cam sành ở huyện Cái Bè thua lỗ nặng.

09/10/2012