Thời Tiết Khắc Nghiệt, Vẫn Hoàn Thành Gieo Cấy Vụ Xuân

Cùng với việc chủ động khắc phục hậu quả sau đợt rét đậm, rét hại, với khí thế khẩn trương, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành gieo cấy vụ xuân…
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Mấy ngày nay, trên cánh đồng thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, không khí làm việc của bà con nông dân như tất bật, hối hả hơn khi ai nấy đều tranh thủ thời tiết ấm áp để cấy kín những thửa ruộng của gia đình mình.
Chị Phùng Thị Bảy, thôn Đụn Dương, thị trấn Liên Quan, cho biết: "Tranh thủ thời tiết ấm dần lên, gia đình tôi tập trung nhân lực để hoàn thành 4 sào ruộng. Dù gieo mạ xong thì gặp rét đậm, rét hại nhưng do gia đình che phủ nilon hoàn toàn ngay từ đầu nên mạ vẫn bảo đảm, khi ấm lên lại có ruộng bừa sẵn nên cấy được ngay".
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Toàn cho biết: Tính đến hết tháng 2, toàn huyện đã gieo cấy được 90% diện tích (khoảng 4.200ha). Với quyết tâm hoàn thành việc gieo cấy ngay trong những ngày đầu tháng 3, khi nước đã dẫn đầy đồng ruộng, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm đất kỹ nhuyễn, làm đất tới đâu gieo cấy tới đó.
Tại huyện Mỹ Đức, đến hết tháng hai, 100% diện tích đã được gieo cấy theo kế hoạch. Nhằm đảm bảo có đủ mạ gieo cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất, vụ xuân năm 2014, huyện Mỹ Đức gieo cấy 4.500ha lúa trà xuân muộn bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao như: TBR45, BC15, VS1, QR1, Bắc thơm số 7…
Trên địa bàn huyện Mê Linh, qua thống kê cho thấy đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm gần 300ha diện tích lúa gieo cấy ở một số xã mạ bị táp lá, chết chòm. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã chủ động lượng giống dự phòng; cử cán bộ Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV xuống tăng cường hướng dẫn kỹ thuật tỉa, dặm lúa cho bà con.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn gấp rút hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân đối với diện tích còn lại để bảo đảm kịp thời vụ. Đến nay, huyện Mê Linh cũng đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân, với diện tích đạt gần 5.100ha.
Tập trung chăm sóc,bảo vệ lúa xuân
Chỉ sau vài ngày xuống đồng gieo cấy lúa xuân với khí thế khẩn trương nhất, xã Văn Khê, huyện Mê Linh đã hoàn thành gieo cấy. Chị Lê Thị Phú, thôn Văn Quán, xã Văn Khê cho biết: "Vụ này gia đình tôi cấy 8 sào lúa, đến nay đã cấy xong và chuyển sang chăm sóc, tưới dưỡng để lúa có đủ chất chuẩn bị cho thời kỳ đẻ nhánh".
Ngay sau khi hoàn thành việc gieo cấy, nhiều huyện trên địa bàn TP đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân bón thúc sớm kết hợp với phun thuốc trừ cỏ, thu gom diệt trừ ốc bươu vàng, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển và đẻ nhánh.
Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo, đối với diện tích lúa đã cấy, các địa phương cần duy trì mực nước nông thường xuyên để chống rét cho lúa theo phương châm "lấy nước làm áo". Các địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến thời tiết, điều tiết nước, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chăm sóc tốt diện tích lúa mới cấy, gieo sạ.
Mặt khác, sau khi hoàn thành việc gieo cấy, người dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cung cấp nước, làm cỏ sục bùn và bón phân kịp thời theo từng giai đoạn để giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Riêng đối với các giống lúa ngắn ngày gieo trà xuân muộn, sau khi cấy phải luôn đảm bảo giữ mực nước trên ruộng từ 2 - 3cm để giúp lúa sinh trưởng phát triển, sau đó có thể rút cạn nước đến khi lúa kết thúc giai đoạn đẻ nhánh.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ xuân. Diện tích gieo cấy của TP đạt trên 90% (hơn 90.000ha), trong đó, có một số huyện đã hoàn thành 100% diện tích như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh…
Có thể bạn quan tâm

Chỉ tính riêng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có đàn dê đến trên 20.000 con, tập trung ở các xã ven biển. Các huyện Gò Công Tây, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông cũng có đàn dê hàng nghìn con. Đa số nông dân chọn nuôi giống Dê cỏ, dê Hà Lan và dê Bo. Ở thời điểm này giá dê thịt từ 90.000 -100.000 đ/kg; tăng 10% so với năm ngoái.

"Người ta thì đi mua hoa, sắm tết, còn mình thì đi cắt cỏ, nhiều lúc chất chở trên xe toàn là cỏ đi trên đường trong những ngày giáp tết cũng ngại lắm. Nhưng mình nuôi bò là phải chịu cực vậy thôi. Chứ mấy ngày Tết, còn đi chúc tết, thăm người thân, thời gian đâu mà đi cắt cỏ về cho bò"- ông Ba cho hay.

Được biết, trước kia do giống dê thường có kích thước, trọng lượng nhỏ, nên mỗi lứa dê nái chỉ đẻ một con, chủ nuôi nào “mát tay” lắm thì mỗi lứa dê cái đẻ 2 con. Nhưng hiện nay do giống dê có kích thước và trọng lượng lớn hơn gấp nhiều lần, nên số con đẻ trong một lứa cũng tăng lên, thường là 3con/lứa, có trường hợp 4 con/lứa.

Qua nhiều năm làm từ thiện tôi thấy cho người nghèo bao nhiêu gạo thì hết bấy nhiêu và không mang lại hiệu quả cao. Đi nhiều nơi và cuối cùng tôi nghĩ ra ý tưởng là: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá. Thực tế qua 10 năm công tác tại địa phương tôi nhận thấy bà con muốn có nghề để thoát nghèo nhưng lại thiếu tư liệu SX và vốn đầu tư.

Không biết từ bao giờ, vùng quê Sơn Tiến lại được mệnh danh “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê núi nổi tiếng nhất ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề nuôi dê ở đây không chỉ trở thành thương hiệu, thành một phong trào toàn xã, mà còn giúp nhiều hộ dân từ chỗ thiếu ăn nhanh vươn lên làm giàu.