Thoát nghèo từ nghề nuôi ong sữa
Bà Trần Thị Thìn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Thạnh, cho biết, là một xã thuần nông, diện tích đất canh tác hạn hẹp, cây chủ lực là cây cà phê nên ngoài thời gian chăm sóc, thu hái cà phê, hầu như chị em phụ nữ trong xã không có việc làm ổn định, kinh tế gia đình vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Hội LHPN xã Bình Thạnh đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chọn nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm” là nhiệm vụ ưu tiên, làm đòn bẩy cho các nhiệm vụ trọng tâm khác.
Và cũng từ đó, nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với chị em phụ nữ của địa phương đã lần lượt ra đời như dệt, móc len, nuôi tằm, nuôi ong sữa... giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần không nhỏ làm giảm hộ nghèo của xã xuống mức thấp nhất. Trong đó, nghề nuôi ong sữa được coi là nghề mang lại lợi nhuận hơn cả.
Theo chân cán bộ phụ nữ xã Bình Thạnh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Xuân Lan (thôn Thanh Bình 2), là một trong những hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghề nuôi ong sữa. Lúc chúng tôi đến, chị Lan đang cấy từng ấu trùng ong thợ vào những mũ sáp nhỏ được gắn trên thanh ngang cầu ong (một phần của tổ ong).
Vừa tiếp chúng tôi, chị Lan vẫn thoăn thoắt với công việc của mình. Chị cho hay, gia đình chị nuôi ong sữa được 2 năm nay. Trước, nhà chị nuôi tằm và trồng cà phê nhưng lợi nhuận thu được hàng năm không đáng là bao, gia đình chị nhiều năm liền vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. “Thấy nghề nuôi ong lấy sữa mang lại lợi nhuận tương đối cao, lại có việc làm thường xuyên, thông qua Hội PN xã, tôi được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo nên vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm ong sữa để tăng thu nhập” - chị Lan nói.
Từ 10 thùng ong đầu tiên, đến nay, số thùng ong của gia đình chị đã tăng lên 60 thùng. Tuy nhiên, thời gian đầu bắt tay vào việc nuôi ong, vì chưa có kinh nghiệm nên vợ chồng chị cũng gặp không ít khó khăn và thất bại vì ong bị hư, bệnh… Dần dần, nghề dạy nghề, đến nay chị đã nắm bắt nhiều kỹ thuật, sự khéo léo, tỉ mỉ.
Thu nhập từ nghề nuôi ong mỗi năm cũng mang lại cho gia đình chị trên 100 triệu đồng, bởi tất cả các thành phẩm từ ong đều cho thu nhập như: phấn hoa, mật, sữa, sáp ong… Nhờ đó, gia đình chị đã thoát nghèo, vươn lên cận nghèo và năm nay, gia đình chị cũng đang phấn đấu để thoát nghèo bền vững.
Rời gia đình chị Lan, chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình nuôi ong lấy sữa của gia đình chị Lê Thị Bích Dung (thôn Thanh Bình 4). Chị Dung đến với nghề nuôi ong lấy sữa cũng rất tình cờ: “Vì bản thân bị bệnh hiểm nghèo không làm được việc nặng nên tôi đã quyết định chuyển qua nuôi ong cho nhàn”.
Và quả thật, nghề này không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho vợ chồng chị Dung trong hơn 5 năm qua mà còn mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện, ngoài 70 thùng ong cố định, mỗi năm gia đình chị Dung còn nhân giống và bán được khoảng 70 - 80 thùng ong, cộng với thu nhập từ các phụ phẩm... mỗi năm gia đình chị cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng. Và cũng nhờ nuôi ong lấy sữa, chị Dung còn có thêm nguồn thực phẩm dinh dưỡng để bồi bổ hằng ngày.
Cùng với chị Dung, chị Lan, còn có rất nhiều chị em thoát nghèo nhờ mô hình nuôi ong sữa như chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (thôn Thanh Bình 2), chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (thôn Thanh Bình 1), chị Nguyễn Hoa Hường (thôn Thanh Bình 2)...
Theo bà Trần Thị Thìn, từ 400 thùng ong với 4 hộ trong 1 gia đình nuôi ban đầu, hiện, mô hình này đã nhân rộng ra trên 3.000 thùng ong cho 47 hộ gia đình, cho thu nhập từ 15 triệu - 20 triệu đồng/tháng. “Công việc nuôi ong lấy sữa nhẹ nhàng, tạo việc làm ổn định, giúp chị em không phải đi làm thuê làm mướn, lại cho thu nhập cao, vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình” - bà Thìn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Rảo quanh các vùng trồng cây cảnh lớn tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) như Thắng Lợi, Mễ Sở, Liên Nghĩa… thời điểm này, dễ nhận thấy có sự khác biệt so với một số năm trước đây khi có khá nhiều nhà vườn chuyên về cam cảnh, bưởi cảnh mọc lên bên cạnh các vùng quất cảnh.
Liên tiếp trong nhiều năm, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được xem là địa phương có tỷ lệ người nuôi tôm "trúng" lớn. Đó là nhờ Phong Điền đã chủ động, linh hoạt trong đầu tư, sắp xếp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, hướng đến vùng nuôi tôm bền vững...
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận được xem là một trong những gia đình khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào việc khai thác gỗ và các sản vật dưới tán rừng. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, trong 1 lần tham quan mô hình nuôi cá trê vàng lai của người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, anh Nhiệm quyết định cải tạo ao đầm xung quanh nhà để nuôi loại cá này.
Mô hình đã tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống, được đông đảo bà con nông dân đánh giá cao và đã tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Ngoài ra, mô hình còn giải quyết việc làm, đem lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con nông dân tiếp tục phát triển cá nước ngọt theo quy trình VietGAP.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, bình quân giá bắp nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 6.500 đồng/ki lô gam, thì đến hết tháng 11-2014 giảm xuống còn 6.300 đồng/ki lô gam. Tương tự, giá khô dầu đậu nành nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 14.490 đồng/ki lô gam, thì đến tháng 11 giảm xuống còn 12.600 đồng/ki lô gam và giá mì cũng từ mức 5.250 đồng/ki lô gam, giảm xuống còn 5.040 đồng/ki lô gam.