Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Rau Xanh Trên Cát

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Rau Xanh Trên Cát
Ngày đăng: 01/03/2014

Thôn Hoà Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ hiện có 128 hộ, 539 nhân khẩu. Với địa hình vùng cát, bình quân mỗi hộ dân nơi đây chỉ có chừng 2 sào đất vườn, thế nhưng, nhờ biết cách làm ăn đúng hướng, khoảng 10 năm trở lại đây, bà con ở thôn này đã biết đưa những loại rau xanh ngắn ngày vào trồng trên đất cát để "nâng tầm" từng tấc đất đạt giá trị như những..."tấc vàng". Rau xanh ngắn ngày không chỉ giúp toàn bộ người dân địa phương này thoát nghèo mà còn trở nên khá giả... 

Trời xế trưa, vừa đánh chiếc xe tải cua vào sân, anh Trần Như Thi, thôn Hoà Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ mở cửa xe bước xuống nở nụ cười tươi rói, khoe với vợ: "Hôm ni trúng mánh, trừ mọi chi phí cũng kiếm lời được cả triệu đồng tiền bán rau...".

Biết chúng tôi ghé thăm gia đình, anh Thi ngắn gọn giải thích: "Dân trồng và kinh doanh rau xanh hơi vất vả một chút, nhưng ngày nào cũng thu về tiền tươi. Nói chung công việc này không cần nhiều vốn liếng, ít rủi ro, chủ yếu lấy công để làm lãi, "siêng nhặt chặt bị".

Các chú cứ nhìn vào vườn rau chừng 4 sào của gia đình, trông rất đơn giản nhưng từ chiếc ô tô tải, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế xa lông..., mọi vật dụng đắt tiền và bữa ăn hàng ngày của cả gia đình đều xuất phát từ vườn rau này mà có. Nhà có 3 đứa con trai, nhờ trồng và kinh doanh rau xanh, năm rồi vợ chồng tui đã "tậu" cho thằng con đầu mới cưới vợ một mảnh đất và xây một căn nhà khang trang phía đầu làng đó...".

Rồi anh Thi thủng thẳng trút bầu tâm sự về những ngày tháng gian khó của mình: "Hơn chục năm trước, tui là người nghèo nhất ở cái làng này.

Mồ côi cha từ nhỏ, đến lúc lấy vợ, cả hai bên nội, ngoại chỉ cho 24 lon gạo để làm của hồi môn. Mới đầu ra riêng, ngoài 4 sào lúa chính quyền địa phương cấp, hai vợ chồng tui không có việc chi để làm thêm ngoài quanh quẩn xung quanh mảnh vườn nhỏ toàn cát trắng bạc màu, trồng cây chi cũng rất khó...

Nhà nông nhưng đất sản xuất ít, làm lụng lại vất vả, rứa là tui đành chấp nhận để vợ con ở nhà rồi lang bạt khắp nơi làm thuê với hàng chục thứ nghề nghiệp khác nhau như thợ xây, thợ mộc, thậm chí làm lâm tặc, tìm vàng....

Lắm lúc đi làm thuê cả năm trời mà chỉ mang về cho vợ con được mấy đồng bạc trị giá vài yến thóc, chỉ đủ ăn chừng 3 tháng, vợ tui giận dỗi: "Đi làm ăn xa gia đình dài ngày mà chỉ kiếm được chừng đó, ở nhà mà trồng lúa, trồng rau xanh, nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng.... như bà con trong thôn còn khấm khá hơn, vợ chồng con cái lại được gần nhau".

Mãi đến năm 2003, sau nhiều năm lang bạt lao động cực nhọc mà không tích luỹ được đồng nào, cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẵng..., tận mắt chứng kiến không ít bà con trong thôn nhờ trồng rau xanh trong vườn mà thoát nghèo, ngẫm thấy lời vợ nói có lý, rứa là tui quyết định ở nhà học nghề trồng rau xanh ngắn ngày...".

Ngồi bên chồng, vợ anh Thi nói xen vào: "Ông xã nhờ nghe lời tui mà khấm khá lên ngay chính mảnh vườn đất cát bạc màu này đó các chú à, cần chi đi làm ăn xa ngái cho mệt cái thân.

Trước đây kém hiểu biết, cứ tưởng đất ruộng ít ỏi, vườn tược toàn cát bạc màu thì không thể trồng được cây gì ngoài luống khoai lang, vạt sắn. Xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí được nâng lên, bây chừ vợ chồng tui mới nhận ra được giá trị của vùng cát này. Tuy cát bạc màu nhưng nếu chịu khó nuôi vài con lợn để lấy phân xanh thì có thể cải tạo thành đất tốt.

Cái đáng quý nhất hiếm nơi nào có được, đó là nguồn nước trong cát ở đây rất dồi dào, đủ phục vụ cho việc trồng rau xanh quanh năm, kể cả vào thời điểm nắng hạn kéo dài".

Trường hợp vợ chồng anh Thi mới chỉ là một trong nhiều hộ dân ở thôn Hoà Luật Nam nhờ trồng rau màu ngắn ngày mà nhanh chóng thoát nghèo, trở nên khấm khá. Anh Trần Như Lĩnh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cam Thuỷ tâm sự: Nghề trồng rau xanh ngắn ngày ở Hoà Luật Nam đã có từ hàng chục năm trước, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu thị trường về rau xanh ngày một tăng mạnh, các hộ dân ở địa phương này đã chủ động tìm kiếm thêm thị trường để mở rộng diện tích trồng rau xanh.

Tại thời điểm này, gần 100% hộ dân ở Hoà Luật Nam đều trồng rau xanh thương phẩm, chỉ trừ những hộ mất sức lao động. Nhà ít thì trồng khoảng 2 sào, nhà nhiều lên tới 4 sào. Các loại rau được trồng chủ yếu tại vùng đất này gồm cải cay, cải ngọt, cải củ, tầng ơ, rau cần, hành, ngò, xà lách, rau quế...

Mặc dù giá cả thị trường về rau xanh liên tục biến động, nhưng bình quân mỗi hộ dân nơi đây cũng đều đặn kiếm được ít nhất 200 nghìn đồng/ngày, có hộ kiếm hơn nửa triệu đồng/ngày nhờ trồng và kinh doanh rau xanh.

Thu nhập này cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nghề trồng rau xanh tạo rất nhiều việc làm cho lao động địa phương, học sinh từ lớp 5 trở lên cứ sau buổi đến trường đều có thể giúp ba mẹ chăm sóc vườn rau... Rau xanh của Hoà Luật Nam chủ yếu được mang đi tiêu thụ khắp nơi trong huyện Lệ Thuỷ và khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thuỷ cho biết thêm, những năm gần đây, toàn xã đã chuyển đổi được khoảng 30 ha đất cát kém hiệu quả sang trồng rau xanh thương phẩm, mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm. Những diện tích trồng rau xanh chuyên canh của xã chủ yếu được tập trung tại thôn Hoà Luật Nam.

Từ nghề trồng rau xanh thương phẩm, đã giúp nhiều hộ dân trong xã nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Hiện địa phương chúng tôi đã lập kế hoạch để triển khai vùng rau thương phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu "Làng rau sạch Hoà Luật Nam".

Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, làng rau này sẽ đủ tiêu chuẩn đáp ứng cung cấp những sản phẩm rau sạch cho thị trường, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho cộng đồng...


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Hộ Thu Thập 70 - 300 Triệu Đồng/năm Từ Trồng Thanh Long Nhiều Hộ Thu Thập 70 - 300 Triệu Đồng/năm Từ Trồng Thanh Long

Trong năm 2013, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển mô hình trồng cây thanh long tập trung chủ yếu ở 2 xã: Minh Thanh, Thái Học, với 39 hộ tham gia, trên diện tích 7,68 ha.

04/11/2013
Hồ Tiêu Việt Nam Ngày Càng Mất Giá Hồ Tiêu Việt Nam Ngày Càng Mất Giá

Sản lượng tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kì nhưng giá lại thấp hơn nhiều so với thế giới.

27/04/2013
Ồ Ạt Bỏ Lúa Trồng Cam Ồ Ạt Bỏ Lúa Trồng Cam

Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn

08/11/2012
Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

27/04/2013
Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên

Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…

29/04/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.