Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Bò Sữa Ở Bình Dương
Nhờ chăn nuôi bò sữa mà gia đình chú Nguyễn Văn Niêu (75 tuổi, ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững…
Đến thăm gia đình chú Niêu chúng tôi không khỏi mừng cho chú khi trong chuồng nuôi bò sữa của gia đình có đến 9 con bò sữa, trong đó có 2 con đang cho sữa. Ngoài góc vườn của gia đình là 2 con bò sinh sản, mỗi con trị giá đến 30 triệu đồng. Trò chuyện với chú trong căn nhà mới được xây dựng khang trang, chú Niêu kể: “Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà có 9 miệng ăn, ngoài tôi và bà nhà là lao động chính ra chỉ có thêm thằng lớn phụ giúp, còn lại một bầy con lít nhít đi học. Chỉ có cái ăn cũng bữa được ăn bữa không, tiền học không có để đóng.
Ngày đó, hai cha con tui ngày nào cũng lên tận Long Nguyên đốn củi để bán, giá củi thì chỉ 3.500 đồng/khối. Hai cha con đốn cả ngày giỏi lắm cũng chỉ được 1,5 khối củi, không đủ đong gạo cho cả nhà. Những ngày không đốn củi thì đi cuốc ruộng mướn, làm đủ các công việc mà mọi người thuê mướn nhưng vẫn không đủ ăn. Đã nghèo lại còn gặp tai ương. Một lần đi cuốc ruộng mướn tôi cuốc phải mìn, mìn nổ miểng văng trúng đầu làm một bên mắt bị mờ từ đó!”.
Một gia đình nghèo đến nỗi cơm không đủ ăn, nhưng nhờ đồng vốn xóa đói giảm nghèo đã vươn lên làm giàu bền vững. “Thấy gia cảnh nhà tôi quá nghèo, xã đưa vào diện hỗ trợ bằng cách giúp vốn làm ăn từ vốn xóa đói giảm nghèo. Có vốn tôi mua ngay 1 con bò sinh sản. Chỉ sau một thời gian ngắn, con bò này đẻ được 2 con, một đực một cái. Lúc đó tôi vui lắm, vì nó thắp sáng niềm hy vọng thoát nghèo. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, tôi mua thêm một con bò đực. Sau 5 năm, gia đình tôi đã có 4 con bò sinh sản. Năm 1994, tôi bán hết 4 con bò sinh sản được hơn 70 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng”, hớp ngụm trà, mắt chú Niêu ánh lên niềm vui, quay về hướng đàn bò sữa trong chuồng, chú Niêu kể tiếp: “Năm 2006, thấy một hộ trong xã nuôi bò sữa có hiệu quả, tôi đến tìm hiểu, học hỏi, sau đó về bàn với gia đình mua 2 con bò sữa với giá 80 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của những người đang nuôi bò sữa, tôi đã có thêm kỹ thuật chăm sóc bò sữa cũng như cách vắt sữa bò. Sữa cung cấp cho công ty lấy cái ăn hàng ngày, còn bò thì cứ vậy gây đàn nên gia đình tôi mới có được đàn bò như bây giờ”.
Hiện tại, với 2 con bò cho sữa mỗi ngày gia đình chú Niêu thu được 40 kg sữa tươi, giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, mỗi ngày thu về khoảng 300.000 đồng, đủ chi phí cho gia đình. Nhìn đàn bò của gia đình chú Niêu con nào cũng béo tròn và sạch sẽ, tôi hỏi chú về chế độ, cách thức chăm sóc, chú Niêu cười: “Nuôi bò lấy sữa cần nhất là sạch sẽ, từ khâu chuồng trại, đến cách thức cho ăn. Nếu chuồng trại và thức ăn không hợp vệ sinh thì bò sẽ dễ nhiễm bệnh và chất lượng sữa không đạt. Chuồng bò lúc nào cũng phải khô ráo, sạch sẽ.
Thức ăn của bò sữa chủ yếu là cỏ xanh non, sạch sẽ”. Nói rồi, chú đưa tay chỉ về hướng vườn cỏ đang lên xanh tốt và tiếp: “Để nuôi bò sữa đạt chất lượng, tui trồng cỏ mà không cần phải đi mua. Đó cũng là cách thức giúp mình yên tâm hơn trong khâu chọn thức ăn an toàn cho con bò”. Nhờ được ăn cỏ sạch và chích ngừa đầy đủ nên chất lượng và số lượng sữa của chú kỳ nào cũng được công ty mua sữa khen thưởng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình chú Niêu ngày càng khá giả, có của ăn của để, các con chú cũng đã lập gia đình riêng và tập tành nuôi bò sữa để phát triển kinh tế. Chia sẻ thêm với chúng tôi, chú Niêu cho biết: “Dù đã lớn tuổi nhưng tui và bà nhà vẫn yêu thích công việc nuôi bò sữa, bởi nhờ nó mà gia đình tui không những thoát được nghèo mà còn vươn lên khá giả”.
Nghe chú Niêu nói, tôi nhớ lại lời ông Võ Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã: “Mỗi lần hội họp lúc nào chúng tôi cũng tính cách làm sao giúp các hộ nghèo thoát nghèo một cách căn cơ. Phải giúp họ biết sử dụng cái cần để câu cho được con cá, chứ không thể giúp con cá mãi được”. Và đó cũng là thực tế, muốn thay đổi số phận, bản thân người nghèo phải biết nắm bắt cơ hội, phải nỗ lực, không đầu hàng nghịch cảnh và trên hết là phải có khát vọng vươn lên. Không phải ai khác mà chính họ quyết định sự thành bại của gia đình họ. Thành quả đạt được không phải dễ dàng mà có, mà phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và công sức. Sự vươn lên của gia đình chú Niêu là một minh chứng sống động cho điều này.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là 1 trong 3 mô hình nằm trong dự án CRSD được thực hiện trên địa bàn huyện này nhằm góp phần tái tạo nguồn sò huyết đặc sản đã bị khai thác cạn kiệt ở đầm Ô Loan.
Giống lúa ĐS1, Akita Komachi và Hananomai có nguồn gốc từ Nhật Bản trồng trên cánh đồng của huyện Tây Hòa, Đông Hòa và miền núi Sông Hinh. Đây là vụ đầu tiên đưa vào sản xuất mô hình lúa giống chất lượng tốt, qua đó tuyển chọn giống phù hợp để triển khai sản xuất đại trà nhằm xây dựng thương hiệu cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao.
Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân huyện Thuận Nam tạm ngưng sản xuất vụ hè-thu năm 2014.
Đến nay, Trạm Thú y huyện đã tổ chức phun hóa chất khử trùng và tiêm phòng được 28 ngàn liều vac-xin phòng cúm gia cầm chủng H5N1 Re-6. Dự kiến đến ngày 30-3, Trạm Thú y huyện hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.