Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thịt Lợn Tăng Giá, Người Nuôi Lãi Kỷ Lục

Thịt Lợn Tăng Giá, Người Nuôi Lãi Kỷ Lục
Ngày đăng: 19/07/2011

Với giá lợn hơi 73.000 đồng mỗi kg, nhiều nông dân có thể lãi tới 4 triệu đồng mỗi con, cao nhất từ trước tới nay. Bí quyết của những hộ chăn nuôi hiệu quả là tiêm phòng dịch bệnh đều đặn và giữ vệ sinh chuồng trại.

Do nguồn cung thịt lợn hiện đang khan hiếm, để thu mua được hàng, các lái buôn buộc phải đẩy giá lên 73.000 đồng mỗi cân hơi, tăng gần 50% so với dịp đầu năm. Dù thức ăn chăn nuôi có lên giá 20% như hiện nay thì người nông dân vẫn có lãi tới 3,5-4 triệu đồng mỗi con heo nặng từ một đến 1,1 tạ.

Tại Vĩnh Phúc, nhiều hộ nông dân vừa xuất đàn lợn trong tháng tỏ ra rất phấn khởi. “Đàn lợn 50 con vừa bán mang lại cho gia đình tôi gần 400 triệu, trừ tiền giống, cám và thuốc men cũng có lãi xấp xỉ tới 200 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Mỹ, người dân ở huyện Vĩnh Tường cho biết.

Kinh doanh chuồng trại với quy mô lớn hơn, ở thủ phủ cung ứng thịt lợn cho Hà Nội, chị Huyền (Văn Giang, Hưng Yên) sở hữu tới 120 con lợn nái và gần 2.000 con lợn nuôi thành phẩm. Mỗi tháng chị xuất từ 100 đến 200 con. Đợt xuất chuồng đầu tháng 7 này mang lại cho chị lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay.

"Tôi bán 150 con mà trừ chi phí chăn nuôi và thuê nhân công vẫn còn được tới 570 triệu, trong khi những đợt bình thường, dù xuất tới 200 con thì số lãi cũng chưa bao giờ vượt quá 400 triệu đồng", chị Huyền nói.

Để nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng, người chăn nuôi cần đầu tư khoảng 3,5 triệu đồng. Trong đó:

- Gần 600.000 tiền mua lợn giống (giá trung bình là 90.000 đồng mỗi kg).

- Nuôi đến một hoặc 1,1 tạ (180-190 ngày) thì phải cho ăn khoảng 2,5 tạ cám, hết 2,5 triệu.

- Tiêm phòng dịch bệnh 2 lần với chi phí 100.000 đồng.

Với giá thịt lợn hơi là 73.000 đồng mỗi cân như hiện nay, một con lợn xuất ra mang về cho chủ chăn nuôi gần 8 triệu đồng, lãi khoảng 4 triệu đồng.

Giá cám hiện đã tăng khoảng 20%. Đầu năm, mỗi bao cám 40 kg được bán 320.000 đồng thì nay đã tăng lên tới 400.000 đồng. Khi đó, người chăn nuôi cho mỗi con lợn ăn hết khoảng 2 triệu tiền cám. Bán ra với giá lợn hơi (cân nguyên con) là 50.000 đồng mỗi kg, họ cũng chỉ lãi được hơn 2 triệu đồng mỗi con. Nay, dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nông dân vẫn có lãi gấp đôi nếu bán lợn tại thời điểm này.

Nhiều hộ nông dân chưa kịp hoặc chưa thể tái đàn sau các trận dịch bệnh năm 2009, 2010 khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm. Đây được xem là một trong những nguyên nhân đẩy giá thịt lợn hơi lên cao đỉnh điểm, giúp người chăn nuôi kiếm được số lãi lớn như vậy.

Chứng kiến nhiều hộ chăn nuôi “được mùa” như hiện nay, không ít người nông dân cũng muốn tái đàn. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, hầu hết họ đều không thể vay được vốn để tái sản xuất, sợ rủi ro về dịch bệnh và đầu ra khi nhà nhà đều tái đàn.

Các hộ nông dân đều khẳng định chỉ những gia đình giữ được đàn lợn không bị nhiễm dịch bệnh thì mới thu được lợi nhuận cao như vậy. Do chỉ cần vài con bị nhiễm bệnh thì dù được giá, người chăn nuôi vẫn bị lỗ nặng.

Chị Nguyễn Thị Huyền (Văn Giang, Hưng Yên), người sở hữu trang trại nuôi lợn rộng 2 ha với doanh thu mỗi năm lên tới hơn 6 tỷ đồng chia sẻ, bí quyết của chị là phải luôn giữ vệ sinh chuồng trại và phòng dịch hơn chữa bệnh.

“Phải tiêm vacxin phòng bệnh từ lợn nái, cứ 6 tháng tiêm một lần. Tốt nhất, người chăn nuôi nên tiêm phòng tất cả các loại bệnh như tả, lở mồm long móng, tai xanh… Chi phí vacxin cho mỗi con lợn nái là 100.000 đồng mỗi năm. Lợn thành phẩm cũng phải tiêm phòng 2 mũi trước khi xuất chuồng. Mũi đầu tiên tiêm ngay khi lợn con được 21 ngày”, chị Huyền mách nước.

Như vậy, mỗi năm gia đình chị Huyền tốn hơn 300 triệu đồng tiền vacxin. Nhưng theo chị, số tiền đó hoàn toàn hữu ích vì nó giúp bảo vệ cơ nghiệp của anh chị. “Nhiều gia đình chủ quan không tiêm phòng dịch, cứ nuôi đến tầm 50-60 cân, đàn lợn mới lăn ra mắc bệnh, khi đó mất cả tiền giống, tiền cám, lỗ nặng, khó lòng vực lên được”, chị Huyền chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Văn Hùng Thoát Nghèo Bền Vững Anh Nguyễn Văn Hùng Thoát Nghèo Bền Vững

Anh Nguyễn Văn Hùng, 52 tuổi, khu phố 5, thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông nghiệp.

29/07/2013
Nỗ Lực Thoát Nghèo Nỗ Lực Thoát Nghèo

Là một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi Bác Ái, Phước Thành đang tìm kiếm và áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhân dân từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

29/07/2013
Anh Thành Ứng Dụng Hiệu Quả Máy Làm Cỏ Mía Anh Thành Ứng Dụng Hiệu Quả Máy Làm Cỏ Mía

Anh Nguyễn Hữu Thành 47 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Tân Hiệp (Hòa Sơn, Ninh Sơn) ứng dụng máy làm cỏ mía niên vụ 2013- 2014. Máy làm cỏ mía trị giá 28 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ theo chương trình cơ giới hóa đồng ruộng. Trong đó, gia đình anh Thành đóng góp 8 triệu đồng.

29/07/2013
Tái Cấu Trúc Ngành Thủy Sản Tái Cấu Trúc Ngành Thủy Sản

Phải khẳng định rằng Thủy sản là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành Thủy sản gặp khó không chỉ ở yếu tố thị trường tiêu thụ bên ngoài mà còn chính ở những yếu tố nội tại trong nước. Vì vậy, việc tái cấu trúc quy trình sản xuất, xuất khẩu đang được đặt ra một cách cấp thiết.

30/07/2013
Cây Dưa Lê Cho Thu Nhập Cao Cây Dưa Lê Cho Thu Nhập Cao

Vụ hè thu năm nay, anh Trần Liền trồng 7 sào dưa lê trên vùng đất cát xã Nhơn Hải. Anh đầu tư chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật nên cây dưa phát triển tốt, Anh thu hoạch đạt năng suất 2 tấn/sào, bán tại rẫy 5000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất anh còn lãi hơn 8 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Mỗi năm, anh trồng 2 vụ dưa lê đem lại nguồn thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống gia đình.

30/07/2013