Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Vịt Biển
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ chăn nuôi vịt biển đối với một số hộ dân tại xã Đồng Rui (Tiên Yên) và xã Cộng Hoà (Cẩm Phả).
Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2014-2016”. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và bà con nông dân, mô hình này hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ lâu, nghề nuôi vịt ven biển của Quảng Ninh đã được nhiều hộ dân tại một số địa phương ven biển các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn… áp dụng và bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Do vịt biển thích nghi với điều kiện tự nhiên tại các địa phương ven biển và có vốn đầu tư không nhiều so với những ngành chăn nuôi khác, thời gian nuôi ngắn, lại tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng nên vịt đẻ trứng với tỷ lệ rất cao.
Mô hình nuôi vịt biển sinh sản được Trung tâm triển khai với quy mô 2.000 con vịt bố, mẹ và một máy ấp trứng đối với 16 hộ chăn nuôi tham gia. Anh Nguyễn Đình Duẩn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2014-2016” với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới miền núi phía Bắc nhằm chủ động nguồn giống gia cầm tại chỗ. Việc triển khai dự án từng bước góp phần làm giảm và chấm dứt tình trạng nhập giống gia cầm trái phép từ bên kia biên giới vào Việt Nam.
Triển khai mô hình, Trung tâm đã phối hợp với phòng chức năng của các địa phương để kiểm tra, khảo sát chọn địa điểm xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Qua kiểm tra, đánh giá đã lựa chọn được 16 hộ tham gia dự án có đủ điều kiện tại xã Đồng Rui (Tiên Yên) và xã Cộng Hoà (Cẩm Phả).
Trong số 16 hộ tham gia mô hình thì có 1 hộ được hỗ trợ máy ấp, nở gia cầm với điều kiện ưu tiên là hộ có kinh nghiệm về dịch vụ giống gia cầm, có điều kiện kinh tế và khả năng tiếp nhận quy trình kỹ thuật mới của dự án, có cam kết đối ứng và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của mô hình. Theo đó, hộ nuôi này phải cam kết ấp trứng và cung cấp trứng thương phẩm theo yêu cầu của dự án, tạo điều kiện cho các hộ tham quan mô hình.
Những hộ nuôi vịt sinh sản là những hộ cùng trên địa bàn với hộ được hỗ trợ máy ấp, nở để tiện cho việc vận chuyển trứng khi đưa vào ấp, không bị ảnh hưởng đến chất lượng ấp, nở. Có đủ diện tích đất để làm chuồng, làm vườn chăn thả gia cầm và các điều kiện cần thiết khác. Các hộ chăn nuôi vịt sinh sản sẽ thực hiện bán trứng cho hộ ấp, nở trong mô hình.
Ngay khi lựa chọn được các hộ dân tham gia, Trung tâm đã hợp đồng mua giống tại Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên và tổ chức giao 2.000 con vịt biển cho 16 hộ dân. Mô hình thực hiện trong 18 tháng, từng bước chuyển giao quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, xoá dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và sức khoẻ người tiêu dùng cũng như người trực tiếp sản xuất.
Bà Phạm Hải Nhạn, thôn Thượng, xã Đồng Rui (Tiên Yên) cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 125 vịt bố, mẹ và 50% kinh phí về thức ăn và thuốc thú y; được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi vịt biển tại các trang trại chăn nuôi vịt biển cho hiệu quả cao, từ đó về áp dụng đối với chăn nuôi của gia đình. Đến nay, toàn bộ số vịt của gia đình đều khoẻ mạnh và đang phát triển tốt.
Cũng theo kỹ sư Nguyễn Đình Duẩn, giống vịt biển này là vịt kiêm dụng, có màu cánh sẻ đậm. Đây là giống vịt sinh trưởng, phát triển nhanh; khả năng chống chịu dịch bệnh tốt. Khi trưởng thành có trọng lượng bình quân từ 2,8-3kg; năng suất trứng bình quân 230-240 quả/năm.
Vịt nuôi 2 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng 2,5kg. Vịt Đại Xuyên có thể nuôi theo hình thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Do chất lượng trứng ngon được thị trường ưa chuộng nên nghề nuôi vịt biển sẽ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Có thể nói, nuôi vịt biển ở các xã ven biển trên địa bàn tỉnh thời gian qua bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như tại xã Tân Bình (Đầm Hà), xã Quan Lạn (Vân Đồn).
Chăn nuôi vịt biển đã cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, đây là mô hình rất thiết thực, cần nhân rộng nhằm phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, phát huy tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Mô hình chăn nuôi vịt biển do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện tại Đồng Rui và Cộng Hoà sẽ góp phần mở rộng quy mô đối với nghề nuôi vịt biển trên địa bàn tỉnh và hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn giống vịt biển đáp ứng nhu cầu nuôi tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Về xã Lão Hộ trong một chiều mưa xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi khác của khung cảnh làng xóm nơi đây. Con đường làng đất đỏ chạy dài xưa kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, xung quanh là những toà nhà cao tầng khang trang.
Sau một thời gian tuột dốc, gần đây hành tím đã tăng giá trở lại, nông dân trồng hành đang mong có vụ mùa bội thu. Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi có diện tích trồng hành tím lớn nhất ĐBSCL, giá hành tím thương phẩm thương lái thu mua đang ở mức 15.000 đồng/kg
Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.
Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.
Thời gian gần đây một số thông tin cho rằng, các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico đã làm trái quy định như: “Tổ chức “cướp” doanh nghiệp (DN)? Vết “nhơ” trong việc thu hút FDI