Thịt Heo Tồn Dư Kháng Sinh Vượt Ngưỡng
Hơn 43% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm tại TP HCM có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép
Đây là hệ quả của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi mà người tiêu dùng phải gánh chịu vì không thể nhận biết bằng mắt thường.
Thịt dính “độc” từ các tỉnh đưa về
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, trong đợt kiểm tra an toàn thực phẩm những tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu thịt có tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng.
Cụ thể, khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt heo, 30 mẫu thịt gia cầm) từ TP HCM và các tỉnh đem về giết mổ tại 2 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng phát hiện 13/30 mẫu thịt heo (tỉ lệ 43,33%) có nguồn gốc từ Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và 1/30 mẫu thịt gia cầm (3,33%) có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép.
Về xét nghiệm kiểm tra độ tươi, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra giám sát 1.349 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, điểm kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, siêu thị, chợ lẻ và thịt từ các tỉnh đưa về qua các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông (thuộc Chi cục Thú y TP HCM) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Kết quả cho thấy mẫu thịt tươi tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố có tỉ lệ không đạt yêu cầu về vi sinh chiếm tới gần 30%.
Nguy hại với người dùng
Về nguyên nhân, ông Trầm Quốc Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết việc tồn dư kháng sinh trong thịt là do tình trạng lạm dụng kháng sinh ở một bộ phận người chăn nuôi.
Cụ thể, về lý do dinh dưỡng, một số nhóm kháng sinh đưa vào cùng thức ăn với liều lượng thấp sẽ hỗ trợ tiêu hóa, kích thích tăng trưởng, tăng trọng. Đây là kỹ thuật được phép trong chăn nuôi nhưng người nuôi phải ngưng thuốc trước khi xuất chuồng (7 ngày, 14 ngày, tùy theo nhóm thuốc).
Kháng sinh cũng được dùng trong việc phòng và điều trị bệnh cho heo nhưng người nuôi không thực hiện đủ thời gian ngưng thuốc trước khi xuất bán nên nó không đào thải hết mà tồn dư vào máu, thịt.
Thực trạng này cũng gây khó cho người nuôi heo an toàn do họ không đủ năng lực trong việc giết mổ và phân phối dẫn đến việc heo sạch qua thương lái bị lẫn lộn với các nguồn thịt không được kiểm soát.
Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP HCM, việc dùng kháng sinh không phải để trị bệnh mà với mục đích thúc cho vật nuôi mau lớn là vấn đề nhức nhối trong chăn nuôi toàn cầu, không riêng đối với Việt Nam.
Đáng nói là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hết sức tùy tiện dẫn đến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Người tiêu dùng ăn thịt này thì hấp thụ luôn kháng sinh nên rất có hại cho sức khỏe do dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh (lờn thuốc).
“Nguyên tắc sử dụng kháng sinh là phải đúng chỉ định (liều lượng, thời gian) thì mới giết được vi khuẩn sinh mầm bệnh nên khi kháng sinh được đưa vào cơ thể một cách tùy tiện thì không còn tác dụng giết chết vi khuẩn nữa. Người tiêu dùng sau này mắc các bệnh do nhóm vi khuẩn này gây ra mà sử dụng thuốc thông thường sẽ không có tác dụng” - ông Đức nói.
Đáng lo là thịt có tồn dư kháng sinh không dễ được nhận biết bằng mắt thường. Do đó, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi mới đủ công cụ để kiểm soát từ gốc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Gia tăng số vụ vi phạm
Trong tháng 7-2014, lực lượng chức năng đã xử lý 301 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y với tổng số tiền 598,2 triệu đồng (tăng 119,7% trường hợp và 112,1% số tiền phạt so với tháng trước), tang vật tiêu hủy 8,8 tấn thịt các loại (tăng 600% so tháng trước).
Trong đó, riêng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức đã xử phạt vi phạm hành chính 25 trường hợp với số tiền 70,9 triệu đồng (tăng 92,3% trường hợp và tăng 104,3% số tiền phạt so với tháng trước), tang vật tiêu hủy trên 5,1 tấn thịt.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Thuận, giá bán tôm thương phẩm bắt đầu giảm thấp, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, giá tôm dao động từ 100.000 - 105.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), rồi tiếp tục giảm chỉ còn 88.000 - 90.000 đồng/kg trong tháng 10.
Ngày 25-11, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xác nhận, một người dân địa phương vừa câu được một con cá sủ vàng quý hiếm.
Nghề nuôi nghêu ven biển Gò Công (Tiền Giang) đã hình thành từ lâu, song song với việc nuôi nghêu thì nghề cào nghêu cũng xuất hiện. Công việc này tuy có phần vất vả nhưng nó đã giúp người dân ven biển Gò Công có cuộc sống ổn định hơn, góp phần đẩy lùi nghèo đói.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang Italy trong 10 tháng đầu năm nay đạt giá trị... USD, tăng % so với cùng kỳ năm ngoái. Italy là nước có giá trị NK nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn thứ 2 trong khối EU.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện ngành chăn nuôi đã bộc lộ rõ những điểm yếu, trong đó có những khó khăn nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp và nông dân.