Thị trường ngư cụ trầm lắng
Đến nay, các tiểu thương ở thị trấn Cái Tắc đã chuẩn bị phong phú nhiều mặt hàng ngư cụ để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng sức mua vẫn còn thấp. Theo đó, các tiệm bán câu lưới ở chợ này vẫn trong tình cảnh “mòn mỏi đợi khách”. Chị Vạn Thị Kim Phượng, tiểu thương bán ngư cụ ở chợ Cái Tắc cũng trăn trở vì không có người mua. Cả buổi sáng, cửa hàng của chị chưa bán được đồng nào. “Ba, bốn chỗ gần đây cũng vậy, ế ẩm lắm! Chứ mọi năm là nườm nượp người ra vào, bán không kịp”, chị Phượng than thở.
Ở một số địa phương như huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, nước vẫn chưa tràn nhiều vào nội đồng, nhưng mưa bắt đầu xuất hiện nhiều. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho bà con đánh bắt tôm, cá đầu mùa. Vì thế khoảng 10 ngày nay, nghe ếch đã kêu râm rang ở các cánh đồng, chị Nguyễn Thị Kim Nhung, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, quyết định mua câu về tranh thủ buổi tối để cắm ếch. “Bữa nào mưa nhiều thì trúng đậm, bán cũng được một hai trăm ngàn. Đợi cá lên ruộng rồi mới thả lưới. Chắc cũng nửa tháng nữa thôi là giăng được rồi”, chị Nhung chia sẻ.
Thực tế, sức mua các mặt hàng như lưới, câu, dớn, lợp chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào lượng cá tôm đổ về đồng ruộng trong giai đoạn bắt đầu mùa nước nổi. Thế mà đến nay, ở một số địa phương có đông đảo cư dân sinh sống bằng nghề câu lưới như huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, lượng nước tràn về nội đồng vẫn chưa đáng là bao nên sự trầm lắng của thị trường ngư cụ lúc này cũng là điều dễ hiểu.
“Người bán mỏi mòn trông, còn người mua thưa thớt” là thực trạng phổ biến ở nhiều nơi. Chợ Kinh Cùng từ lâu được biết đến như một điểm buôn bán ngư cụ có tiếng trên thị trường, bởi sản phẩm chất lượng và uy tín. Một tín hiệu vui là những ngày gần đây, đã bắt đầu xuất hiện người mua đến từ các vùng lân cận. Ông Lưu Văn Nhứt, tiểu thương buôn bán ngư cụ tại chợ Kinh Cùng gần 40 năm nay, cho biết cả năm cái nghề buôn bán ngư cụ này chỉ rộ vào mùa nước nổi. Cho nên, ông chỉ hy vọng vào đầu tháng 8 âm lịch sắp tới, nước lên thì sức mua sẽ tăng vọt. Và giá có thể nhích lên một chút, dự đoán chỉ dao động nhẹ từ 1.000-3.000 đồng tùy theo sản phẩm.
Ông Nhứt thừa nhận: “Mấy ngày nay, sức mua có cải thiện hơn một chút. Nhất là ở đây tôi đặt hàng ở vùng trên, tận miệt Long Xuyên, An Giang nên chất lượng khỏi chê. Nhờ vậy mà bà con trong vùng đến mua nhiều lắm. Có người mua vài trăm thước lưới, rồi nào là câu, lợp nữa”.
Trong khi đó, khoảng một tháng nay, các cơ sở gia công mặt hàng ngư cụ đã bắt đầu tăng tiến độ hoạt động. Theo chị Quyên, chủ tiệm lưới Út Quyên, ở ấp Hòa Quới, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, là nơi chuyên cung cấp sỉ và lẻ mặt hàng lưới cho khu vực Long Mỹ, Vị Thủy nhiều năm nay. Tại đây giá nguyên liệu đầu vào, kể cả thuê mướn nhân công không tăng, nên giá bán ra thị trường hiện vẫn bình ổn. “Vùng mình chủ yếu bán lưới, bởi vậy năm nào tôi cũng nhập lưới cây, rồi chì, phao về sớm để thuê nhân công làm trước. Sản phẩm mình làm ra không chỉ giá cả thuận mua vừa bán, mà còn phải đảm bảo chất lượng tốt cho bà con sử dụng. Đáng buồn là vài năm trở lại đây, hễ bà con tới mua là tôi cứ nghe than phiền cá không còn nhiều như trước nữa. Lượng khách vì thế mà cứ giảm dần theo từng năm”, chị Quyên lo lắng.
“Lượng khách giảm dần qua từng năm” cũng là một minh chứng thực tế đáng buồn về nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm. Điều này lý giải một phần nguyên nhân vì sao đầu mùa nước nổi, thị trường ngư cụ vẫn “lèo tèo”, và hình ảnh ngư dân cứ thưa dần.
Có thể bạn quan tâm
Vụ khoai mỡ năm 2015, nông dân vùng Đồng Tháp Mười huyện Tân Phước (Tiền Giang) xuống giống được 413 ha. Đầu tháng 5/2015, bà con đã thu hoạch được tổng cộng 350 ha, đạt trên 70% diện tích. Khoai mỡ trúng mùa, được giá, nông dân lãi cao, rất phấn khởi.
Hồ tiêu trở thành hiện tượng cá biệt so với các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam khi điệp khúc “được mùa, mất giá” không diễn ra từ năm 2007 đến nay. Giá hồ tiêu nông dân bán luôn ở mức cao và theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, hiện nay ở mức cao kỷ lục 200.000 đồng/kg.
“Giặc chuột” trở thành vấn nạn lớn nhất đối với nông dân canh tác lúa vùng biên giới. Ngoài lượng chuột tại chỗ, còn có “đội quân chuột” từ Campuchia di chuyển sang nên khó diệt hết bằng các phương pháp truyền thống. “Trong cái khó ló cái khôn”, nông dân vùng biên đã nghĩ ra cách thu gom chuột hiệu quả, vừa tăng thu nhập, vừa bảo vệ mùa màng.
“Giặc chuột” trở thành vấn nạn lớn nhất đối với nông dân canh tác lúa vùng biên giới. Ngoài lượng chuột tại chỗ, còn có “đội quân chuột” từ Campuchia di chuyển sang nên khó diệt hết bằng các phương pháp truyền thống. “Trong cái khó ló cái khôn”, nông dân vùng biên đã nghĩ ra cách thu gom chuột hiệu quả, vừa tăng thu nhập, vừa bảo vệ mùa màng.
Do đầu tư sai quy trình, sử dụng giống cà phê kém chất lượng hay già cỗi đã làm cho năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) giảm dần qua các năm. Vì vậy, tái canh cây cà phê là giải pháp được ngành Nông nghiệp huyện tập trung thực hiện.