Thị Trấn Cam Đức (Khánh Hòa) Thiệt Hại Mì Vì Nắng Hạn Và Sùng Đất

Nắng nóng kéo dài cộng với sùng đất gây hại đã khiến nhiều diện tích mì ở thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa) bị thiệt hại với tỷ lệ khoảng 40%. Sau mấy cơn mưa vừa qua, người dân muốn trồng dặm lại mì, nhưng nguồn hom giống thiếu hụt.
Thiệt hại kép
Sau mấy cơn mưa vừa qua, nhiều người dân còn hom mì giống ở thị trấn Cam Đức đang tranh thủ trồng dặm lại những diện tích mì bị chết. Anh Nguyễn Quốc Đại (tổ dân phố Nghĩa Trung) cho biết, năm nay gia đình anh trồng chuyên canh 2ha mì và khoảng 3 sào trồng xen trong vườn xoài.
Nhưng đợt nắng hạn kéo dài vừa qua và sự phá hoại của một loại sùng lạ mà người dân gọi là sùng đất, đã khiến mì bị chết hơn một nửa khi mới trồng chưa đầy một tháng.
“Chưa năm nào trồng mì gặp phải thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Khi mì lên được 2 lá đã gặp đợt nắng hạn kéo dài nên chết hàng loạt. Không chỉ vậy, năm nay còn xuất hiện loại sùng đất, chúng đục hom và ăn mầm cây mì ngay khi chưa nhú khỏi mặt đất”, anh Đại nói.
Anh Phùng Nhân (tổ dân phố Nghĩa Nam) cũng cho biết: “Năm nay tôi trồng 1ha mì, nhưng bị chết khoảng hơn 40%. Tôi trồng loại cây này đã mấy chục năm, chưa năm nào gặp khó khăn và thiệt hại lớn như năm nay. Năm tới, tôi sẽ trồng xoài hết nương này, rồi trồng mì xen vào chứ không trồng chuyên cây mì nữa”.
Tình trạng mì chết hàng loạt, không đủ giống trồng dặm để phủ hết diện tích làm ảnh hưởng đến năng suất mì. Đó là khó khăn chung của hàng trăm hộ dân trồng mì ở thị trấn Cam Đức hiện nay.
Thiếu giống để trồng dặm
Để khắc phục tình trạng mì chết yểu, những ngày này, nhiều người dân đang bằng mọi cách tìm hom mì giống để trồng dặm.
Tuy nhiên, khó khăn mà họ đang gặp phải là nguồn giống quá khan hiếm vì nhu cầu rất lớn. “Người trồng mì thường sau khi thu hoạch sẽ lấy cây mì già dựng làm bờ rào để phòng khi vụ mới mì bị chết còn có giống mà dặm lại. Nhưng năm nay mì chết nhiều quá, nên hầu như nhà nào cũng thiếu giống trồng dặm.
Tôi đã dùng hết giống dự trữ và đi hỏi mua mấy ngày nay nhưng vẫn còn thiếu khoảng 1/3 cho diện tích cần trồng dặm”, anh Đại chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Đàn - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức, năm nay trên địa bàn có 370ha trồng mì, tập trung chủ yếu ở các tổ dân phố Nghĩa Nam và Nghĩa Trung; nhưng nắng nóng kéo dài và sùng đất gây hại đã khiến mì bị chết khoảng 40%.
“Hiện người dân đang tận dụng những cây mì già vụ trước còn sót lại để làm giống trồng dặm cho vụ năm nay. Tuy chất lượng của loại hom này không tốt, nhưng họ vẫn phải dùng; dù vậy cũng không thể đủ vì diện tích phải trồng dặm rất lớn.
Mấy năm trở lại đây, người dân địa phương có xu hướng chuyển từ diện tích chuyên canh cây mì sang trồng xoài, rồi trồng mì xen xoài. Nhưng hiện tại, diện tích trồng mì trên địa bàn vẫn còn rất lớn. Năm nay, xoài bị mất mùa nặng do sâu bệnh, mì cũng chết hàng loạt nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống các hộ dân làm nghề nông”, ông Đàn cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Cà Mau bắt đầu chú ý nuôi chim trĩ. Đây là mô hình mới, cho thu nhập kinh tế khá cao.

Vài tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán đây là thời điểm người chăn nuôi đang ráo riết chuẩn bị con giống, thức ăn vỗ béo đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm.

Đầu vụ năm nay, diện tích gừng tại Cà Mau tăng lên nhanh chóng để thay thế cây mía sau đợt sốt giá đột biến vào năm 2014. Chỉ với vài ba công đất gừng, nhiều người đã trở thành triệu phú.

Hiện tại, Hồng hoa đang vào vụ thu hoạch nhưng giá bán tại vườn chỉ được 3.000 - 5.000 đồng/kg quả tươi, bằng 1/3 mức giá năm trước, gây tâm lý lo lắng trong nông dân.

Sau 60 ngày trồng, thu hoạch, 1 sào bí ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên - Nghệ An) cho lãi ròng trên 5 triệu đồng.