Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thí điểm ứng dụng hệ thống câu phao trong nghề câu mực ở Bến Tre

Thí điểm ứng dụng hệ thống câu phao trong nghề câu mực ở Bến Tre
Ngày đăng: 17/08/2015

Thực trạng nghề câu mực truyền thống

Theo truyền thống, tàu câu mực chủ yếu sử dụng đèn cao áp công suất từ 500 - 1.000W vào ban đêm thắp sáng để dẫn dụ mực. Phương pháp này tốn nhiều xăng dầu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thủy thủ và hệ phù du sinh vật ngoài biển, tác động đến việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do vậy, để nâng cao hiệu quả nghề câu mực, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng hệ thống câu phao trong nghề câu mực tại hộ ông Nguyễn Thanh Vũ, ở ấp An Thuận, xã An Thủy, huyện Ba Tri. Hệ thống câu phao có cấu tạo đơn giản, khai thác có tính chọn lọc cao nên không ảnh hưởng đến môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi áp dụng mô hình này, không sử dụng ánh sáng trong quá trình khai thác nên giảm chi phí chuyến biển, hiệu quả tăng cao hơn.

Mô hình được triển khai từ tháng 4 đến 12-2014 với phương thức hỗ trợ chi phí không thu hồi. Ngoài cấp phát vật tư, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn cho ngư dân ghi chép sổ nhật ký trong quá trình khai thác để kiểm tra hiệu quả mô hình. Các thiết bị hỗ trợ gồm phao, dây câu, mồi câu, chì, thúng, đèn chớp với tổng chi phí 22,725 triệu đồng/tàu.

Quy trình kỹ thuật và khai thác mới

Tôm giả được buộc vào sợi cước dài khoảng 2m thành thẻo câu và được nối với đầu có buộc chì của dây chì, đầu còn lại của dây chì được buộc vào dây câu chính. Dây chì là sợi cước dài khoảng 40m, dây câu chính là sợi cước. Dây chì và cấu tạo của tôm giả bằng nhựa cứng có gắn chì ở bụng nên tôm giả trôi trong nước như đang bơi ngang. Khoảng cách giữa các lưỡi câu là 15m, trung bình mỗi tàu trang bị từ 1.000 - 1.500 lưỡi câu.

Phao ganh được sử dụng để điều chỉnh độ sâu khai thác. Phao này là loại phao ống có sức nổi khoảng 2kg. Tương ứng với mỗi lưỡi câu từ dây câu chính và dây buộc phao ganh.

Trước khi ra khơi, cần kiểm tra hệ thống máy chính, máy phụ, máy thông tin liên lạc, máy định vị, ngư lưới cụ; chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm, dụng cụ bảo quản sản phẩm và các vật tư cần thiết cho chuyến biển.

Xác định ngư trường rất quan trọng bởi đa số mực sống tập trung nhiều ở các vùng nước sâu khoảng 50m. Ngoài ra, còn có một số loài sống ở các vùng biển khơi có độ sâu 100m. Trong quá trình di chuyển ra ngư trường, thủy thủ cần kiểm tra lại lần cuối ngư lưới cụ và trang thiết bị phục vụ hoạt động khai thác. Trong quá trình khai thác, cần kết hợp với máy đo sâu dò cá để nâng cao hiệu quả khai thác.

Khi thả câu, thuyền trưởng cho tàu chạy với tốc độ 3 - 4 hải lý/giờ, chạy theo hướng thẳng để thả câu. Giàn câu phải được thả đều đặn để tránh bị rối. Điểm đầu và điểm cuối của giàn câu phải được đánh dấu bằng phao, cờ hiệu có đèn chớp để thuận tiện thu câu cũng như cảnh báo các tàu khác không đi vào khu vực thả câu.

Sau khi thả xong giàn câu, cho tàu chạy về điểm thả câu. Thuyền trưởng cử thủy thủ ở lại điểm cuối của giàn câu nhằm quan sát quá trình trôi của giàn câu với thời gian ngâm giàn câu khoảng 2 - 3 giờ. Thu câu theo nguyên tắc thả trước thu trước thả sau thu sau. Khi thu câu, thuyền trưởng cho tàu chạy tốc độ 2 - 3 hải lý/giờ, giàn câu được thu lên bằng sức kéo của thủy thủ. Thời gian thu nhanh hay chậm phụ thuộc vào chiều dài của giàn câu, lượng mực bị vướng, điều kiện thời tiết, số lượng thủy thủ, trung bình thời gian câu khoảng 6 - 7 giờ.

Sau khi thu câu, làm sạch khu vực phân loại và xử lý mực; dọn dẹp những dụng cụ không cần thiết ra khỏi khu vực xử lý. Sau khi thu và phân loại mực thì xử lý như bỏ tạng mật, lột da, ngâm mực trong dung dịch nước biển lạnh khoảng 15 phút, sau đó đóng gói, bảo quản bằng nước đá.

Lợi nhuận tăng khoảng 25%

Theo ông Châu Quang Trị - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, tổng kinh phí thực hiện cho mô hình trên 264 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến nông - khuyến ngư là 31 triệu đồng. Sản lượng khai thác trong 3 chuyến biển với tổng cộng 3.550 tấn, tổng doanh thu 400 triệu đồng, lợi nhuận 139 triệu đồng. Đối với tàu câu tay theo kiểu truyền thống trước đây thì doanh thu bình quân chỉ khoảng 100 triệu đồng/chuyến, lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/chuyến. Như vậy, lợi nhuận của hệ thống câu phao so với câu tay truyền thống tăng khoảng 25%. Ngoài ra, cách làm này bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân tiếp cận được kỹ thuật mới, tạo thêm niềm tin cho ngư dân khai thác xa bờ.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác trên biển còn gặp một số sự cố như cá nóc cắn lưới câu, tàu lưới kéo đi qua khu vực thả câu. Việc hộ dân thực hiện mô hình trực tiếp đi khai thác trên biển nên công tác triển khai mô hình còn nhiều bị động, phụ thuộc vào thời gian nghỉ biển. Sắp tới, Trung tâm sẽ tổ chức phổ biến nhân rộng mô hình.


Có thể bạn quan tâm

Phân tích kỹ thuật thị trường cà phê ngày 01/10/2015 Phân tích kỹ thuật thị trường cà phê ngày 01/10/2015

Xu hướng cà phê Arabica tháng 12: hiện tại giá đã vượt mô hình cái nêm, nằm trong giai đoạn tích luỹ, nếu đóng cửa trên kháng cự mạnh 125 triển vọng khá hơn và hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn 115 vì có 3 phiên đều thử nhưng không xuyên thủng qua được.

03/10/2015
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có Văn bản số 2978/UBND/KT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

03/10/2015
Lãnh đạo tỉnh tiếp các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và Lãnh đạo tỉnh tiếp các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và

Ngày 30-9, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cùng lãnh đạo Sở NN-PTNN, Sở TN-MT đã tiếp các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.

03/10/2015
Xây dựng thương hiệu hướng mở cho cua Năm Căn Cà Mau Xây dựng thương hiệu hướng mở cho cua Năm Căn Cà Mau

Toàn huyện hiện có trên 70 cơ sở đăng ký kinh doanh cua thương phẩm liên tỉnh và xuất khẩu. Đó là chưa kể đến hàng chục điểm thu mua nhỏ lẻ chưa đăng ký và thương lái thu gom tận nhà dân.

03/10/2015
Nuôi cá chình hoa bằng thức ăn công nghiệp Nuôi cá chình hoa bằng thức ăn công nghiệp

Đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ một số nguyên liệu ở Việt Nam có bổ sung enzym" do Thạc sĩ Hoàng Văn Duật thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III triển khai đã mang lại thành công.

03/10/2015