Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp: Dân Không Mặn Mà Tham Gia

Xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong 3 địa phương thực hiện thí điểm bảo hiểm trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Bắc Ninh. Gia đình ông Lê Đắc Cẩm đang nuôi trên 2000 con gia cầm nhưng ông cho biết, gia đình ông cũng như bà con trong thôn vẫn chưa mua bảo hiểm nông nghiệp.
Nói về nguyên nhân không tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ông Lê Đắc Cẩm cho biết: “Vừa qua tổ chức của xã đã giới thiệu tuyên truyền rất sâu rộng trong bà con chăn nuôi. Thế nhưng mà qua tình hình thực tế thì thấy là nhiều vấn đề trong bảo hiểm, chế độ bảo hiểm còn chưa đáp ứng được với nhu cầu của bà con chăn nuôi. Nó chưa thích hợp trong điều kiện hiện nay.”
Theo nhiều nông dân, thì loại dịch bệnh được tham gia bảo hiểm hiện nay quá hạn chế. Như đối với gia cầm chỉ là bệnh cúm gia cầm; đối với trâu bò, lợn chỉ là dịch lở mồm long móng và tai xanh. Trong khi các loại bệnh thường xuyên xảy ra như: gà rù, tụ huyết trùng, dịch tả thì không được bảo hiểm.
Đặc biệt, theo nhiều nông dân nơi đây, quy định chỉ được hỗ trợ kinh phí bảo hiểm nếu được xác nhận là vùng có dịch, và số lượng gia súc gia cầm thiệt hại phải chiếm trên 10% tổng đàn tham gia bảo hiểm trên địa bàn xã. Điều này khiến bà con nông dân không mặn mà tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
“Dân người ta chỉ thắc mắc là tỉ lệ là nó phải là vùng dịch cúm thì mới được bồi thường thì nó bất cập. Ví dụ tổng thể 1 đàn ở xã này nó là 10 nghìn con thì thỉ lệ 9,9 % cũng không được bồi thường, vậy bất cập quá, nên dân người ta không tham gia bảo hiểm.”- Ông Lê Đắc Hòa, thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh chia sẻ.
Chính vì còn băn khoăn ở nhiều điểm nên hầu hết các hộ dân trên địa bàn được triển khai thực hiện thí điểm, vẫn chưa có ý định mua bảo hiểm cho gia súc gia cầm.
Ông Vũ Thanh Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết: “Qua nắm bắt của các đại lý cũng như là của các đồng chí ở dưới cơ sở phản ánh lên thì chúng tôi cũng thấy rằng là cấi việc hưởng ứng chương trình thí điểm bảo hiểm vật nuôi của các hộ nông dân vẫn chưa mặn mà lắm. Một số hộ thì tỏ ý đồng tình nhưng phần đa là các hộ còn băn khoăn.”
Trong khi người dân không mặn mà tham gia thì phía doanh nghiệp Bảo Việt Bắc Ninh cũng cho biết gặp nhiều khó khăn từ cơ chế thực hiện ký kết thí điểm.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Bảo Việt tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Theo quy định chung thì tối thiểu là phải có 30% những hộ chăn nuôi cá lẻ trên địa bàn xã thì mới được tiến hành ký kết hợp đồng. Ở đây, chúng tôi cũng xác định chương trình này nó rất mới. Đặc biệt là cách tiếp cận sản phẩm vật nuôi này nó lại không như cũ, tức là chúng ta chỉ có bồi thường trong trường hợp thiên tai và dịch bệnh. Nên chúng tôi cho rằng chúng ta phải kiên định tuyên truyền cho bà con thấu hiểu chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp mà chúng ta làm ngày hôm nay.”
Có thể nói dù chủ trương thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là một chính sách đúng đắn và thiết thực nhằm giảm giúp người nông dân giảm bớt thiệt hại, rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, rõ ràng một khi những người nông dân – đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này, lại băn khoăn và từ chối tham gia, thì thiết nghĩ các cơ quan có liên quan cần có những điều chỉnh để chính sách đó có tính khả thi hơn trên thực tế.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối tháng 5/2014, hai container đầu tiên chuyên chở 30 tấn rau xà lách Đà Lạt đã tới đất nước Hàn Quốc, xứ sở của món kim chi nổi tiếng.

Đều đặn đúng 8 giờ vào các ngày 1 và 15 hàng tháng, các tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và những người có nhiệt huyết với đồng rộng, thuộc 12 ấp đã tụ họp về xã Tân An Luông (Vũng Liêm - Vĩnh Long) bàn về sản xuất lúa VietGAP trong mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML).

Theo thống kê chưa đầy đủ từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), toàn huyện hiện có gần 2.000ha trồng cam sành, tăng trên 1.000ha so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở hai xã Hiệp Hưng và Tân Long.

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Lục Nam (Bắc Giang), năm 2014 toàn huyện có 6.600 ha vải thiều cho thu hoạch, trong đó diện tích vải sớm 1.300 ha, còn lại là vải chính vụ.

Năm 2014, với tổng diện tích khoảng 32 nghìn ha, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt hơn 140 nghìn tấn, tăng 10 nghìn tấn so với năm trước.