Thêm Nhiều Dự Án Phát Triển Thủy Sản
Với mục tiêu thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, nhân rộng giống cá đặc sản trên địa bàn, gần đây tỉnh ta đã đầu tư nhiều chương trình dự án nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân..
Theo Chi cục Thủy sản, trong năm 2012 - 2013 tỉnh ta đã triển khai một số chương trình, dự án phát triển nghề thủy sản, như: Mô hình ương nuôi cá giống tại 2 huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa; mô hình nuôi cá Lăng chấm thương phẩm trong ao tại huyện Yên Sơn.
Huyện Yên Sơn có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 607 ha, trong đó ao hồ nhỏ 427 ha, hồ thủy lợi 180 ha. Năm 2013, Chi cục Thủy sản đã lựa chọn cá Lăng chấm làm đối tượng nuôi thử nghiệm trong ao tại xã Nhữ Khê và trại cá Hoàng Khai. Đây là loại cá có giá trị kinh tế cao. Hiện cá Lăng chấm được bán với giá từ 300.000 - 500.000đ/kg.
Để đảm bảo dự án thành công, Chi cục đã triển khai tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia, như: Diện tích ao tối thiểu từ 500 m2 trở lên, độ sâu từ 1,4 - 1,5 m, bùn đáy 25 cm, bờ ao chắc chắn, gần nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, chủ động cấp thoát, ao nuôi quang đãng, không cớm rợp, không bị lụt bão ảnh hưởng. Thực hiện tốt công tác khử trùng để chuẩn bị ao nuôi và phòng bệnh cho cá.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết, mục tiêu của đơn vị là sau 9 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt lớn hơn hoặc bằng 80%; cỡ cá khi thu hoạch bình quân là 1 kg/con, năng suất dự kiến đạt 4 tấn/ha. Với những ưu điểm như thịt trắng, chất lượng thịt thơm ngon, không có xương dăm thì trong tương lai, khi cá Lăng chấm trở thành sản phẩm hàng hóa sẽ đáp ứng được yêu cầu về “thực phẩm ngon, sạch” ngày càng tăng của thị trường trong nước và còn có thể là một trong những đối tượng xuất khẩu quan trọng trong tương lai.
Cũng trong những tháng đầu năm 2013, Chi cục Thủy sản đã triển khai mô hình nuôi cá rô đồng đầu vuông thương phẩm trong ao với quy mô 1,6 ha. Mô hình được thực hiện tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn) với 30 hộ tham gia. Cùng thời gian này, Chi cục đã triển khai mô hình ương nuôi cá giống tại xã Lăng Can (Lâm Bình), Tân Mỹ (Chiêm Hóa) với 16 hộ dân tham gia, quy mô khoảng 1,6 ha, với số lượng 40 vạn con, gồm trắm cỏ 40%, cá trôi mrigal 25%, cá chép lai V1 15%, cá rô phi đơn tính 20%.
Đến nay, toàn bộ số lượng cá của cả 2 mô hình này đều sinh trưởng phát triển tốt. Các dự án thực hiện thành công sẽ giải quyết được nguồn lao động sẵn có trong dân, tận dụng điều kiện về môi trường tự nhiên của địa phương, qua đó từng bước hình thành các cơ sở sản xuất thủy sản thâm canh cao, cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống chủ động cho nhân dân trong xã và nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong xã.
Có thể bạn quan tâm
Nằm ở độ cao từ 1.000m-1.500m, vùng đất các huyện, thành phía Bắc Lâm Đồng rất “thuận” về khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất các giống cà phê chè đặc sản có hương vị thơm ngon khác biệt, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, lợi thế này đến nay vẫn chưa được phát huy tương xứng.
Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, việc tìm mô hình trong chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao cuộc sống luôn là bài toán đặt ra với các hộ nông dân. Tìm lời giải cho bài toán đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Đức ở tổ 19, ấp 11, xã Minh Hưng (Chơn Thành) đã thực hiện mô hình nuôi trâu.
Tuy được cảnh báo là dịch bệnh nguy hiểm nhưng đến nay, bệnh trắng lá mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn chưa được khống chế.
Gia đình ông Hà Trọng Tâm ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh là một trong những hộ có năng suất chè cao nhất ở xã, bình quân đạt khoảng 18 đến 20 tấn/ha/năm. Với diện tích gần 4ha chè và chế biến chè khô, mỗi năm gia đình ông thu được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.
“Trứng gà Văn Học” giờ đây đã trở thành một trong những thương hiệu thực phẩm sạch được siêu thị Co.opMart Tam Kỳ tiêu thụ. chủ nhân của thương hiệu này là anh Nguyễn Văn Học ở thôn Phước An, xã Tam An (Phú Ninh).