Thái Thụy (Thái Bình) Phát Huy Tiềm Năng Kinh Tế Biển
Hướng ra biển và phát huy tiềm năng kinh tế biển là mục tiêu mà huyện Thái Thụy (Thái Bình) đang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện, nhất là trong các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy hải sản nhằm đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Toàn huyện hiện có 27km bờ biển, 13.000ha bãi bồi, 4.000ha rừng ngập mặn thuộc 5 xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Đô và Thái Thượng; 1.247ha đầm nước lợ và 1.184ha vùng nuôi ngao ven biển, hình thức nuôi trồng chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Diện tích chuyển đổi nuôi trồng thủy hải sản nước lợ là 540ha, nước ngọt trên 1.000ha đang từng bước phát triển tốt.
Tại đây người dân đã áp dụng hình thức nuôi công nghiệp cho giá trị kinh tế cao, chủ yếu nuôi các loại cá vược, cá song, cua biển, tôm… cho năng suất ổn định kết hợp thu hoạch hàng trăm tấn rong câu chỉ vàng mỗi năm. Trong năm 2014, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 4.085ha, tổng sản lượng đạt trên 32.930 tấn. Cùng với đó, huyện đã thực hiện thành công đề án phát triển nuôi ngao được 3/6 tiểu vùng.
Chủ động con giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đa dạng đối tượng nuôi, hình thức nuôi theo hướng sạch bệnh, an toàn, tăng cường nuôi các loại thủy hải sản có giá trị cao. Song song với việc nuôi trồng, hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản phát triển khá mạnh, toàn huyện có 461 tàu khai thác, đánh bắt thủy hải sản với tổng công suất trên 54.000CV, sản lượng đánh bắt từ 50.000 - 54.000 tấn/năm. Hoạt động khai thác, đánh bắt đã có sự liên kết giữa các tàu, hình thành các tổ, đội sản xuất, khai thác trên biển.
Nuôi trồng và khai thác thủy hải sản mang lại nguồn lợi lớn cho người dân địa phương, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho hoạt động chế biến thủy hải sản tại Thái Thụy phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến thủy hải sản lớn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, cùng với đó là hàng trăm hộ chế biến nhỏ lẻ của làng nghề chế biến thủy hải sản Thụy Hải.
Diện tích rừng ngập mặn ven biển có vai trò rất lớn trong cải tạo khí hậu, là “bức tường xanh” vững chắc bảo vệ các công trình thủy lợi, các xã khu vực ven biển và nội đồng. Dưới tán rừng trù phú có vô số các sản phẩm từ biển như cua, cá bớp, vạng xanh…, mang lại thu nhập cho nhiều người dân ven biển.
Cũng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên đó mà cuộc sống của rất nhiều hộ dân nơi đây được cải thiện, con cái có điều kiện học hành. Thái Thụy đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất những sản vật từ rừng ngập mặn, kết hợp khai thác đất tiềm năng ven biển, hình thành thêm các đầm nước lợ nuôi trồng thủy hải sản để không lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này.
Thái Thụy cũng đã có những cơ chế hỗ trợ kịp thời về con giống cho bà con, đồng thời thực hiện Quyết định số 3044 của UBND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để người dân trực tiếp tham gia hoạt động đánh bắt trên biển yên tâm lao động, sản xuất. Huyện thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp bà con nông dân, ngư dân nắm bắt kiến thức khoa học trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản.
Tuy nhiên, vốn đầu tư cho sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm đang là khó khăn chung, việc người dân được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và khâu bao tiêu sản phẩm đang là bài toán khó đối với Thái Thụy. Giải được bài toán đó, tiềm năng kinh tế biển ở Thái Thụy sẽ có điều kiện phát triển toàn diện, mục tiêu hướng ra biển, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mới trở thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
Tôi trở lại cánh rừng dầu tái sinh của cha con anh Trần Văn Hiếu ở thôn Bình An, xã Tân Bình (thị xã La Gi) vào buổi chiều tháng 6. Trong rừng, cây dầu, cây sến đã cao lên, xanh ra, tràn đầy sức sống. Hầu hết phát triển đồng đều, cao từ 10 - 15m, trên 20cm đường kính. Dưới tán rừng là thảm thực vật. Chồn, sóc và khỉ đã xuất hiện trong rừng.
Thời gian gần đây, người dân tại TP. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông bắt đầu đối diện với tình trạng khó tiêu thụ quả thanh long. Thông tin này được truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, tác động tiêu cực đến những hộ tham gia trồng thanh long nơi đây.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ nay tới cuối năm còn khá nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.
Ngày 13-8, Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã làm việc với Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai về kiến nghị kiện bán phá giá đối với các sản phẩm gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tại Đồng Nai.
Những ngày qua, giá chuối ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tăng trở lại, sau một thời gian giảm thấp nhất trong vài năm trở lại đây, do không có thị trường tiêu thụ. Với giá bán bình quân hơn 4.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời gian từ tháng 6 trở về trước, đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người trồng chuối tại địa phương này.