Thêm 3 tấn vải thiều chuẩn bị xuất đi Australia
Trao đổi với VnExpress, ông Mai Xuân Thìn - Giám Đốc kinh doanh công ty Rồng Đỏ (TP HCM) cho biết đang đợi kết quả kiểm tra cuối cùng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của vùng vải tại Chí Linh và Thanh Hà (Hải Dương). “Nếu đảm bảo chúng tôi sẽ thu hoạch luôn trong tuần này”, vị này cho biết.
Do xưởng đóng gói của doanh nghiệp tại miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên sau khi thu mua và tuyển lựa, trái vải sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không vào TP HCM để đóng gói và tiến hành chiếu xạ, nhằm đảm bảo hàng có thể xuất đi trong ngày 10/6.
Về số lượng vải thu mua, lãnh đạo Rồng Đỏ cho biết tùy thuộc sản lượng vải đủ tiêu chuẩn VietGap. "Kể cả 10-20 tấn, doanh nghiệp vẫn có thể thu mua vì ngoài xuất khẩu, vải còn có thể tiêu thụ tại các siêu thị nội địa”, ông Thìn chia sẻ. Cùng đó, giá thu mua phụ thuộc thời điểm thu hoạch nên doanh nghiệp chưa thể định giá lúc này, song vị này khẳng định sẽ mua cao hơn giá thị trường.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, vụ vải sớm đang được thu hoạch, chủ yếu là giống U Hồng và lai Thanh Hà. Đây cũng là giống vải được công ty Ánh Dương Sao thu mua để xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào 30/5.
Ông Phùng Trần Hoạt (thôn Kép 1, Hồng Giang) cho biết, với giống vải sớm năm nay gia đình ông thu hoạch khoảng một tấn. Hiện giá bán tại địa phương dao động 20.000-22.000 đồng một kg, chủ yếu cho các lái buôn trong nước về thu mua để cung cấp cho một số thành phố lớn. "Tuy mức giá thấp hơn với năm ngoái, song mới là đầu vụ nên vài ngày tới khi thu hoạch rộ, khả năng giá sẽ tăng hơn”, ông nói.
Ông Hoạt cũng cho biết, ngoài nhóm trồng số 6 đã được doanh nghiệp lựa chọn trước đó, hiện gia đình ông cùng 5 hộ trồng khác trong nhóm mã vạch 5 đã được doanh nghiệp cam kết thu mua. Khoảng 10 ngày nữa vải thiều mới chính vụ, do vậy ông cùng các hộ trồng khác đang trong quá trình chuẩn bị thu hoạch.
Là năm đầu tiên thu mua để đưa hàng mẫu sang Mỹ và Australia, nên khâu bảo quản được ông Hoàng Ngọc Khải - Giám đốc công ty Việt Pháp (Lục Ngạn) tập trung đầu tư. Một hệ thống nhà xưởng với công nghệ bảo quản chế biến tại chỗ đã được công ty hoàn thiện cách đây vài ngày. Vị này dự kiến sẽ đưa 2-3 tấn vải mẫu xuất sang 2 thị trường nước ngoài khi vải chính vụ thu hoạch. "Việc làm bao bì mới đang được doanh nghiệp tiến hành để khi chiếu xạ không phải tháo dỡ hàng như hiện nay”, ông Khải cho hay.
Trước đó, ngày 30/5, lô vải thiều đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ, trong 1/6 tiếp tục có 6 tấn hoa quả (trong đó có một tấn vải) tiếp tục lên đường sang thị trường này. Đến nay, tuy chưa tiết lộ được số lượng xuất khẩu, song cơ quan quản lý khẳng định Mỹ và Australia là hai thị trường khó tính, mới mở cửa với quả vải Việt Nam nên năm nay chưa hy vọng vào việc xuất khẩu với số lượng lớn.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tổng sản lượng vải thiều năm nay của 2 tỉnh là Bắc Giang và Hải Dương đạt trên 200.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, số còn lại sẽ xuất khẩu. Để chuẩn bị cho việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Bộ Công Thương đã và đang kết nối cung - cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối nội địa, trong đó xác định thị trường phía Nam vẫn là khu vực tiêu thụ quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải bán trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok
Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…
Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.
Để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển sau khi gia nhập WTO, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Mô hình nông nghiệp tiên tiến là mô hình hướng công nghệ cao, có một số đặc trưng sau đây
Việt Nam là quốc gia xuất gạo lớn, nhưng tập quán canh tác lại khá lạc hậu, năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Để giảm chi phí cho nông dân, tăng giá trị loại hàng thế mạnh này, Bộ NN&PTNT đang triển khai và nhân rộng mô hình lúa gieo sạ thẳng hàng - được coi là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại