Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gắn việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy với sinh kế người dân

Gắn việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy với sinh kế người dân
Ngày đăng: 25/05/2015

Trước thực trạng đó, thời gian gần đây các ban ngành chức năng của huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy nhằm giúp người dân giải quyết nguồn lương thực, từng bước xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, tiến tới làm giàu từ sản xuất nương rẫy.

Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích tự nhiên 115.283 ha, dân số ước tính khoảng 80.532 người, chủ yếu có ba dân tộc anh em sinh sống là Kinh,Vân Kiều và Pa Kô. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, dịch vụ song phần lớn người dân, nhất là đồng bào dân tộc vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào việc sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó canh tác nương rẫy là chủ yếu.

Trước đây do tập quán du canh, du cư nên tình trạng phát rừng làm rẫy tràn lan làm cho diện tích rừng ngày một thu hẹp, gây tổn thất nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái. Mặt khác, do công tác quản lý sản xuất nương rẫy chưa được quan tâm… nên rừng thì mất dần mà cuộc sống của người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận thức được vai trò quan trọng, cấp bách của việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy gắn với tạo sinh kế cho người dân, các ban, ngành của huyện Hướng Hóa đã tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy.

Mục tiêu đặt ra là đảm bảo cho người dân có đất sản xuất, có nguồn lương thực ổn định, tiến tới tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ tài nguyên rừng một cách bền vững. Từ năm 2008 đến nay, diện tích nương rẫy được quy hoạch thành vùng sản xuất trên địa bàn huyện là 10.457 ha (riêng năm 2013 và 2014 quy hoạch thêm 500 ha diện tích đất nương rẫy cho người dân 2 xã Hướng Sơn và Hướng Lập). Từ khi có vùng quy hoạch, hoạt động sản xuất nương rẫy trên địa bàn đã quy củ hơn, không còn tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất.

Người dân sau khi nhận bàn giao đất đã tích cực chuyển đổi diện tích lúa rẫy năng suất thấp sang canh tác các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao như sắn, chuối, cây lúa nước...Bên cạnh đó, một số chương trình, dự án đang hoạt động trên địa bàn huyện như dự án Pam 4304, BCC, lâm nghiệp hướng tới người nghèo... đã tăng cường hỗ trợ cho người dân các giống cây lâm nghiệp như bời lời, tràm, keo lai... với mục đích vừa tạo sinh kế vừa bảo vệ và phát triển diện tích rừng trồng nhằm tăng độ che phủ trên diện tích đất trống đồi núi trọc.

Ông Hồ Vi ở thôn Xa Bai, xã Hướng Linh là một ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi cây trồng trên đất quy hoạch sản xuất nương rẫy. Trước đây với diện tích gần 7 ha đất đồi nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nương rẫy ông Hồ Vi chỉ biết trồng lúa rẫy nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của huyện và dự án BCC, ông Hồ Vi đã chuyển đổi diện tích trên sang trồng rừng sản xuất với 5 ha tràm và gần 1 ha cà phê. Số diện tích còn lại ông trồng sắn và đào ao thả cá. Đến nay gia đình ông Hồ Vi là một trong những hộ khá giả của xã Hướng Linh.

Để thực hiện công tác quy hoạch nương rẫy, những năm qua Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương có những kiến nghị, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với thực tế như mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật luân canh, thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác, hỗ trợ kinh phí cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, bời lời, tràm…với hình thức nông lâm nghiệp kết hợp; hỗ trợ kinh phí xây dựng một số công trình thủy lợi phục vụ sản xuất ở các xã khó khăn (xã Hướng Lập và Hướng Sơn), tạo điều kiện cho việc thâm canh, tăng vụ giúp đẩy mạnh năng suất và sản lượng cây trồng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề khó khăn ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quy hoạch nương rẫy, như việc quy hoạch chỉ mới ở dạng “khoanh vùng”, diện tích đất được quy hoạch vẫn còn ít so với nhu cầu thực sự của người dân. Chưa có các giải pháp đồng bộ về vốn, kỹ thuật và nguồn nhân lực. Nhận thức của một bộ phận người dân và chính quyền cơ sở chưa cao làm ảnh hưởng đến tính thiết thực của việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy…

Thực tiễn cho thấy hoạt động canh tác nương rẫy luôn gắn bó chặt chẽ với sinh kế người dân. Giải quyết tốt vấn đề này không những sẽ giảm thiểu nguy cơ phá rừng tự nhiên mà qua đó còn giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu bằng sản xuất nương rẫy, đảm bảo tính hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ tài nguyên rừng bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi Làm Cánh Đồng Mẫu Cho Cây Mía Quảng Ngãi Làm Cánh Đồng Mẫu Cho Cây Mía

Tiếp nối sự thành công trong việc đưa cơ giới vào trồng mía ở vùng đất núi, gò đồi tại huyện Ba Tơ, Nhà máy Đường Phổ Phong (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) triển khai xây dựng những cánh đồng mẫu đầu tiên cho cây mía tại huyện miền núi Sơn Hà.

27/05/2014
Giá Vải Thiều Sớm Từ 45.000-50.000 Đồng/kg Giá Vải Thiều Sớm Từ 45.000-50.000 Đồng/kg

Giới thương lái kinh doanh vải thiều cho biết, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã bắt đầu vào vụ vải sớm, chủ yếu là giống vải u trứng, u hồng, tàu lai với giá thu mua tại vườn từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 2013 khoảng 10.000 đồng/kg.

27/05/2014
Nuôi Hàu Ở Vùng Cảng Biển Sa Huỳnh, Kiếm Tiền Triệu Nuôi Hàu Ở Vùng Cảng Biển Sa Huỳnh, Kiếm Tiền Triệu

Tại Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đang có 35 hộ nuôi hàu. Bà con cho biết nuôi hàu không khó, tiêu thụ dễ, lợi nhuận khá...

27/05/2014
Nam Phi Đánh Giá Cao Hương Vị Cá Tra Việt Nam Nam Phi Đánh Giá Cao Hương Vị Cá Tra Việt Nam

Đa số các khách mời tại sự kiện quảng bá mặt hàng cá tra thành phố Johannesburg (Nam Phi) ở đều đánh giá cao hương vị loại cá này.

27/05/2014
3,5 Ha Tôm Nuôi Ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) Bị Bệnh Đốm Trắng 3,5 Ha Tôm Nuôi Ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) Bị Bệnh Đốm Trắng

Vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014, trong 635,86 ha diện tích tôm, cua, cá nước lợ được thả nuôi có gần 13 vạn con tôm sú và tôm chân trắng.

28/05/2014