Thay thế bột cá bằng bột gluten ngô trong thức ăn của cá chẽm
Các nhà nghiên cứu ở Viện Nuôi trồng thủy sản nước lợ Trung ương (ICAR) Ấn Độ đã tiến hành một thí nghiệm để nghiên cứu ảnh hưởng của việc thay thế bột cá (FM) bằng bột gluten ngô (CGM) trong thức ăn của cá chẽm (Lates calcarifer) giống.
Để nghiên cứu ảnh hưởng của việc thay thế bột cá (FM) bằng bột gluten ngô (CGM) trong thức ăn của cá chẽm (Lates calcarifer) giống, một thí nghiệm đã được thực hiện trong vòng 45 ngày.
Thí nghiệm có 5 công thức thức ăn có cùng hàm lượng protein là 40% và hàm lượng lipid là 10%. Mức thay thế bột cá (FM) bằng bột gluten ngô (CGM) lần lượt là 0% (đối chứng), 5%, 10%, 15% và 20%.
Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. Mỗi bể 1.000 lít chứa 20 con cá (trọng lượng ban đầu 21,1 ± 0,95 g/con). Cá được cho ăn thỏa mãn 02 lần/ngày, vào lúc 10h và 16h.
Tăng trọng trung bình hàng ngày, trọng lượng cơ thể cuối và tỷ lệ sống của cá ở các nghiệm thức CGM0, CGM5 và CGM10 khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Hiệu suất của cá ở các nghiệm thức này tốt hơn so với các nghiệm thức còn lại.
Hệ số chuyển đổi thức ăn (gam thức ăn/gam tăng trọng) của cá được cho ăn thức ăn CGM0, CGM5 và CGM10 lần lượt là 1,73 ± 0,05; 1,65 ± 0,06 và 1,84 ± 0,07 và tốt hơn so với các nghiệm thức CGM15 và CGM20.
Hiệu suất tích lũy protein (28,85 ± 0,65%) và hiệu suất tích lũy năng lượng (20,60 ± 0,39%) của cá được cho ăn CGM5 là tốt hơn so với các nhóm cá khác.
Ở thức ăn CGM5 và CGM10, giá trị của các chỉ tiêu sau đạt được cao nhất: hệ số tiêu hóa tạm (Apparent digestibility coefficient - ADC) tính theo vật chất khô lần lượt là 65,1 ± 0,3% và 64,7 ± 0,2%; hệ số tiêu hóa protein lần lượt là 91,6 ± 0,5% và 91,7 ± 0,3%; hệ số tiêu hóa năng lượng lần lượt là 79,0 ± 0,27% và 84,0 ± 0,1%.
Ở cá được cho ăn thức ăn CGM 20, hàm lượng lipid thô (7,29 ± 0,09%) và năng lượng thô (7,19 ± 0,05 kJ/g) đạt được là cao nhất.
Kết quả thí nghiệm cho thấy bột gluten ngô là một nguyên liệu thức ăn tiềm năng cho cá chẽm, có thể thay thế bột cá đến 10% mà không ảnh hưởng đến tiêu hóa và tăng trưởng của cá.
Có thể bạn quan tâm
Cá chẽm là loài cá biển rất được ưa thích ở các nước Châu Âu. Nuôi cá chẽm thâm canh đã phát triển ở một số nước (Australia, Thái Lan, …) từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam chỉ phát triển khoảng 5 năm trở lại đây.
Trong thực tế khi ương cá chẽm từ cá hương lên cá giống trong diện tích hẹp, mật độ dày, chế độ chăm sóc không chu đáo, giữa chúng có sự cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh không gian sống, cá lớn không đều và chúng tấn công lẫn nhau để ăn thịt làm cho tỷ lệ sống sau khi ương nuôi rất thấp.
Trong những năm gần đây phong trào nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ ở Hà Tĩnh phát triển mạnh từ các đối tượng nuôi truyền thống đến các đối tượng có giá trị kinh tế cao.