Thay đổi thói quen cho người trồng chè
Mô hình Thâm canh chè cành theo tiêu chuẩn VietGAP thực hiện tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm đã góp phần giúp nông dân làm quen dần với việc sản xuất chè an toàn.
Ông Bùi Quang Đức, một trong 15 nông hộ tại xã Lộc Tân tham gia mô hình cho biết, ông cũng như các hộ xung quanh gắn bó với cây chè trong một thời gian dài.
Bà con chăm sóc cây chè hầu như theo kinh nghiệm cá nhân hay những chia sẻ giữa các nông hộ.
Và cũng có nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật canh tác cây chè nhưng hầu hết là ngắn ngày, kiến thức chưa được hệ thống hóa, còn rời rạc.
Tham gia dự án chè VietGap lần này, ngoài việc được hỗ trợ 50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các hộ gia đình còn được cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao trong một thời gian dài, liên tục.
Khi xảy ra bất cứ vấn đề nào trên vườn chè, cán bộ kỹ thuật đều có mặt và hướng dẫn cách xử lý cụ thể.
Chính vì vậy, các nông hộ tham gia dự án đều có bước thay đổi đáng kể về quan niệm canh tác chè an toàn.
Đặc biệt, vệ sinh đồng ruộng vốn là điểm yếu của nông dân cũng được chú trọng, các nông hộ đã có ý thức trong thu gom rác thải, vỏ bao bì vào đúng nơi quy định.
Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết, các nông hộ có vườn chè oolong trồng từ năm 2012.
Ông Châu nhận xét, các hộ chăm sóc vườn chè phát triển tốt, đã tuân thủ quy trình kỹ thuật như bón phân hợp lý, đã cuốc rãnh và lấp phân, bón khi thời thiết thuận lợi, sử dụng phân chuồng, hữu cơ vi sinh.
Bà con tưới nước, làm cỏ kịp thời và thu hái, bảo quản búp chè tươi theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Trong khu vực thực hiện mô hình, môi trường một phần được cải thiện, chai lọ, bao bì, rác thải được bà con thu gom theo quy định.
Toàn bộ các hộ nông dân không sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cấm trên cây chè, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng liều lượng quy định được hướng dẫn.
Bà con đã chú ý tới đảm bảo an toàn lao động, sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc.
Riêng về vấn đề môi trường và sức khỏe người trồng chè, bà con đã thay đổi nhận thức, biết ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe của cá nhân cũng như môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, ông Châu cũng nhận xét, mô hình thực hiện quá nhỏ so với tổng thể diện tích chè toàn tỉnh Lâm Đồng.
Cần xây dựng mô hình lớn hơn về mặt diện tích cũng như quy mô thực hiện để xây dựng vùng nguyên liệu chè bền vững.
Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất - XNKTrí Việt là “đối tác” doanh nghiệp trong mối liên kết 4 nhà này.
Vừa phối hợp cung cấp kỹ thuật, thanh kiểm tra, công ty đại diện đứng ra đăng ký chứng nhận VietGAP và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10ha chè trên 15 hộ dân tham gia thuộc mô hình và bao tiêu sản phẩm chè.
Công ty đã đưa mẫu chè của các hộ tới cơ quan kiểm tra độc lập và kết quả, các mẫu chè hoàn toàn đạt chuẩn, không bị dư lượng thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm.
Hiện tại, giá chè búp tươi trên thị trường có giá là 25 ngàn đồng/kg, công ty thu mua của vườn chè có chứng chỉ Việt Gap là 28 ngàn đồng/kg.
Năng suất của các vườn chè trong mô hình đạt 14,7 tấn/ha/vụ, cao hơn so với vườn chè trồng bình thường vốn có năng suất 14 tấn/ha/vụ.
Lợi nhuận của vườn mô hình bình quân thu được 411.600.000 đ/ha tăng hơn 65.300.000 đ/ha so với những vườn sản xuất đại trà lợi nhuận thu được bình quân chỉ đạt 350.000.000 đ/ha.
Điều quan trọng nhất, người trồng chè đã thay đổi thói quen, đã chú ý tới sức khỏe của mình và gia đình, quan tâm tới sự sạch sẽ của vườn chè và môi trường xung quanh.
Sản xuất có trách nhiệm với bản thân và môi trường, người trồng chè đang hướng tới một ngành chè Lâm Đồng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Là địa phương đứng thứ 3 của tỉnh về diện tích trồng chè với sản lượng khoảng 32 nghìn tấn/năm, cộng với sự hình thành phương thức sản xuất chè từ rất sớm, huyện Đồng Hỷ đã trở thành một trong những “cái nôi” của mảnh đất “Đệ nhất danh Trà”. Để xứng đáng với “tiếng thơm” đó, người làm chè Đồng Hỷ không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng cây chè và các sản phẩm trà, góp phần làm nên thương hiệu chung cho ngành Chè Thái Nguyên.
Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê cũng như sự thành bại của người trồng cà phê sau một năm vất vả chăm sóc, bảo vệ. Nhưng hiện vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi nước tưới phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, hiện nay là thời điểm sâu bệnh gây hại trên cây điều phát triển mạnh. Các loại sâu hại phổ biến là: Sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư... gây hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chỉ tính từ ngày 22 đến ngày 28-10, diện tích bị bọ xít muỗi gây hại trên cây điều trong tỉnh là 108 ha, trong đó mức độ nhẹ 98 ha, trung bình 10 ha (tăng 9 ha so với kỳ trước). Do vậy, nông dân cần chú ý bọ đục chồi trong thời gian tới.
Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.
Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.