Thất Thu Sau Khi Dùng Thuốc Dưỡng Lúa
Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.
Ngành chức năng đã tìm về tận địa phương này để tìm hiểu rõ nguyên nhân nhưng vẫn chưa có trả lời chính thức.
Đưa chúng tôi ra tận đồng lúa hơn 30 công của gia đình, ông Phạm Hoàng Tiếp, hộ dân ở ấp Đòn Dong lội xuống tận ruộng nhổ liên tục nhiều bụi lúa đã vàng bông. Đưa cho chúng tôi tận mắt mới biết hầu hết các bông lúa đều bị ngã, bị lép, vỏ bị khô như vỏ trấu.
Ông nói: “Phải hôm đó tôi phun cùng loại thuốc với ông bạn láng giềng thì giờ này lúa nhà tôi cũng thu hoạch như ruộng bên đó chứ không phải thê thảm như thế này. Ham năng suất cao nhưng tới ngày thu hoạch không dám mướn gặt, lỗ tiền công”.
Ông Tiếp kể, ngày 22-7, ông đến đại lý thuốc bảo vệ thực vật của ông Nguyễn Văn Lực (cùng ấp) hỏi mua thuốc về phun để dưỡng hạt cho đồng lúa đang giai đoạn ngậm sữa. Ông Lực tư vấn ông Tiếp mua và sử dụng 4 cặp thuốc hiệu CureGold và Physan (giải pháp 9 trong 1) do Công ty Hóa nông lúa vàng (trụ sở chính số 50, đường số 7, KDC Trung Sơn, Bình Hưng, Bình Chánh, TP HCM) sản xuất. Ông Tiếp đồng ý.
Hôm sau, ông Tiếp pha chế thuốc theo chỉ dẫn và thuê một nhân công để phun giáp đồng lúa nhà mình. Tuy nhiên, phun gần giáp ruộng thì người phun thuốc thuê cho ông Tiếp hay không tiếp tục phun thuốc này được nữa vì ruộng lúa nhà ông Tiếp có biểu hiện lạ.
Chạy ra thăm đồng, ông Tiếp muốn “té ngửa” vì bông lúa nào đã ngậm sữa từ trước thì đậu sữa cứng hạt, còn những bông chưa ngậm sữa thì “dựng cờ”. Chỉ vài ngày sau, bông lúa bị thúi, ngã ngang, trổ màu vàng nhưng không có gì bên trong, nhẹ như vỏ trấu. Số bông bị hư, lép ấy theo lời ông Tiếp chiếm khoảng 80% diện tích đồng lúa nhà ông.
Nguy cơ gần như trắng tay vào cuối vụ, ông Tiếp nhổ luôn bụi lúa mang tới nhà ông Lực đòi ông này bồi thường. Ông Lực suy tính, thương lượng chấp nhận bồi thường 50% nhưng bắt ông Tiếp phải trừ đi 20% vì cho rằng trong vùng đang có bệnh đạo ôn cổ bông.
“Trước khi phun, lúa nhà tôi mơn mởn. Chòm xóm qua coi còn đánh giá từ 30-40 giạ mỗi công vào cuối vụ mà ông Lực thường vậy tôi đâu có chịu nên tôi kiện lên UBND xã Khánh Lộc nhờ can thiệp đòi ông Lực bồi thường thỏa đáng” – ông Tiếp nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng cảnh như ông Tiếp còn có đồng lúa của một số hộ dân cùng ấp, như: ông Tám Lu (Võ Minh Lưu), bị thiệt hại khoảng 10 công; chú cháu ông Út Đực, khoảng 14 công…
Ông Trần Hoàng Ai, Phó Trưởng ban Nhân dân kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đòn Dong, cho biết: Nhiều hộ địa phương và hộ vùng lân cận có lúa bị thiệt hại sau khi phun thuốc “9 trong 1” nhưng đến nay chỉ có hộ ông Lưu và ông Tiếp là có đơn trình báo.
Chia sẻ và cùng tâm trạng bất an như nhà nông địa phương, anh Đặng Minh Sơn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Khánh Lộc nói rằng đã báo cáo tình hình về trên nhờ can thiệp và từ chối bình luận nguyên nhân lúa bị hư hại.
Trung tuần tháng 8-2014, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đến tận ấp Đòn Dong thực địa và ghi nhận ý kiến hộ dân có lúa bị thiệt hại sau khi phun thuốc hiệu “9 trong 1” và đại lý bán loại thuốc này tại cơ sở do ông Nguyễn Văn Lực làm chủ.
Đoàn cán bộ này ghi biên bản và hứa trình lãnh đạo sau chuyến đi này để có hồi âm sớm nhất cho bà con ở ấp Đòn Dong cũng như những hộ có lúa bị thiệt hại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thế Tài, Chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Đã chỉ đạo thực tế tại ấp Đòn Dong, đơn vị của ông cũng đang rà soát coi còn nơi nào hộ trồng lúa gặp tình cảnh tương tự. “Sau khi tổng hợp các mẫu và gởi phân tích, chúng tôi sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho hộ dân nguyên nhân lúa thiệt hại sau khi phun thuốc “9 trong 1” là do lỗi của nhà sản xuất thuốc hay do lỗi của nơi bán thuốc hoặc do lỗi của nhà nông sử dụng không đúng liều, không đúng cách” – ông Phạm Thế Tài khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Như NNVN từng phản ánh, đợt rét đậm rét hại kèm sương muối năm 2010 đã hạ gục trên 1.000 ha cao su mới trồng tại Hà Giang. Sau cú sốc lớn, tỉnh Hà Giang thận trọng không mở rộng mà chỉ quyết tâm khôi phục diện tích cao su bị chết, nhưng sự đương đầu này quá mạo hiểm.
Còn hơn một tháng nữa là đến mùa trồng sắn, người dân không thể hiểu nổi giá sắn năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Những tỉnh trồng nhiều sắn như Lào Cai, Yên Bái hiện còn cả chục ngàn ha sắn, nhổ cũng chết mà không nhổ cũng chết.
Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng các loại thịt động vật ngoài những gia súc truyền thống, nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành (TP.HCM) đang rộ lên phong trào nuôi con đặc sản (thỏ, ếch, nhím, cá sấu…) để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Nghề này có thể giúp người dân thu lãi lớn nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro...
Thời điểm khoảng 10 năm trước đây, diện tích cây mãng cầu ta tại Bình Thuận lên đến hơn 1.200 ha. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, nhất là do năng suất và chất lượng không như mong đợi nên người trồng chặt bỏ thay thế bằng cây trồng khác. Chính vì vậy mới đây, đơn vị chức năng ở địa phương đã tiến hành thực hiện đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tìm lại “chỗ đứng” cho cây mãng cầu ta…