Thất Thu Mùa Sắn
Sau lũ, những “vựa sắn” trong thời kỳ thu hoạch của người dân vùng trũng thấp Bắc Trà My (Quảng Nam) bị úng thối, gây thiệt hại đáng kể giá trị sản phẩm.
Vụ hè thu, sắn là cây chủ lực của các xã vùng thấp huyện Bắc Trà My. Nơi đây nhiều năm hình thành vùng nguyên liệu sắn tập trung, là “đối tác truyền thống” cho nhà máy chế biến, tiêu thụ sắn quy mô nhất tỉnh (đóng tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn). Do nước lũ rút chậm, củ sắn vốn “dị ứng” với nước ngập dài ngày đã bắt đầu bốc mùi, hư thối ruột. Những ngày qua, nông dân gấp gáp ra đồng thu hoạch sắn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, thôn Hòa An (Trà Đông) ướt đẫm mồ hôi khi vừa chuyển bao tải sắn ra địa điểm tập kết. Ông nói, gia đình phải thuê 5 công lao động tranh thủ thu hoạch sắn, bán liền cho các thương lái, chứ nếu mưa dồn dập vài ngày nữa, không chừng trắng tay. “Giá một tấn sắn hiện ngoài thị trường là 1,5 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 150 nghìn đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đâu có ai vui vì năng suất cây trồng thấp, nhà máy trừ tạp chất bám theo củ sắn đến 12%. Tư thương bảo, giá cả thế này, thế nọ chứ chúng tôi đâu có biết giá sàn của nhà máy” - ông Hồng cho biết.
Nhiều nông dân Hòa An nói trước đây, một sào thường cho năng suất 2 tấn sắn, thì nay củ sắn nhổ lên cũng to kích cỡ, nhưng trọng lượng giảm đáng kể vì bị rỗng ruột. Ông Nguyễn Trọng Vinh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trà Đông xác nhận, cả thôn có 87 hộ thì 90% hộ trồng sắn. Sắn là nguồn thu nhập chính của người dân vụ hè thu, nhưng do hậu quả mưa lũ kéo dài, hàng chục héc ta sắn của nông dân bị hư hại nặng.
Những ngày này, vùng cao Bắc Trà My tiếp tục mưa. Nước ở sông, suối dâng cao khiến việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Hàng nông sản bị tắc nghẽn khi đem tiêu thụ. Theo nhiều nông dân trồng sắn ở thôn 3 (xã Trà Kót), họ chờ xe tải của tư thương đến làng mua sắn sau khi thu hoạch, nhưng do nước sông vẫn chảy xiết, các phương tiện xe cơ giới không qua được. Vì vậy, nhiều điểm tập kết sắn ở Trà Kót đang tìm cách vận chuyển sắn ra ngoài trên chiếc cầu treo bắc qua sông.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My - ông Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết, năm nay, toàn huyện có 752ha trồng sắn, trong đó 4 xã Trà Nú, Trà Dương, Trà Đông, Trà Kót thâm canh hơn 500ha. Người dân đã tận dụng những thửa ruộng nà cao ráo ven sông để trồng sắn và một số cây màu khác. Hiện, địa phương đang rà soát, kiểm kê về thiệt hại cây trồng do mưa lũ gây ra; trong đó hư hại cây sắn là không hề nhỏ.
Theo ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có không dưới 15.000ha đất trồng sắn, chủ yếu tập trung ở các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh, Đại Lộc... Hiện, nhà máy chế biến sắn ở xã Quế Cường có công suất đủ sức tiêu thụ nguyên liệu, nên người trồng sắn không phải lo việc đầu ra. Tuy nhiên, người dân rất hoang mang trước giá cả thị trường luôn “nhảy múa”. Khi mưa lớn xảy ra, tâm lý sợ sắn bị hư thối vì ngập úng, bà con khẩn trương thu hoạch sắn rồi tìm cách bán tháo bán đổ và hậu quả là bị tư thương làm giá. Có nhiều lý giải cho việc cây sắn cũng “thăng trầm” trên thị trường, song thực tế phải thừa nhận, nông dân đang “bơi” giữa thị trường, thiếu định hướng, dẫn dắt sản xuất của cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của ngành nông nghiệp thì không loại trừ cây sắn sẽ lâm vào “hoàn cảnh” tương tự như một số cây trồng trước đây.
Có thể bạn quan tâm
Dự án “Phát triển chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai quy mô nông hộ tại huyện Phổ Yên (Thái Nguyên)” nằm trong Chương trình Phát triển nông nghiệp nông thôn miền núi do Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên triển khai trong 2 năm (từ tháng 1/2011 đến hết năm 2012) đã mang lại hiệu quả rõ nét. Dự án đã tạo ra những mô hình điểm về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Chỉ với 500m2 rau xanh, bình quân mỗi tháng anh Huỳnh Văn Hương (trong ảnh), thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn thu được gần 4 triệu đồng.
Bệnh chồi cỏ hại mía xuất hiện ở Tân Kỳ (Nghệ An) mới vài năm nay nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù ngành nông nghiệp Nghệ An đã thực hiện các mô hình để diệt chồi cỏ song hiệu quả không cao. Trước tình hình đó, Công ty mía đường Sông Con hướng dẫn nông dân xử lý bệnh bằng vôi bột, hiệu quả thấy rõ…
Trong những tháng đầu năm, do điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao, một số nơi bị ô nhiễm nguồn nước nên tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn huyện Giá Rai gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, hiện có 86ha tôm nuôi theo mô hình kết hợp bắt đầu xuất hiện tôm nuôi chết rải rác ở một số nơi, chủ yếu tập trung ở thị trấn Giá Rai và xã Tân Thạnh.
Đơn Dương là huyện phía Nam của cao nguyên Lâm Viên, chỉ cách TP. Đà Lạt chừng 30km. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể tin tưởng về một vùng chuyên chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên đất Tây Nguyên.