Thanh Long Phát Triển Nóng Và Những Vấn Đề Quan Tâm
Thời gian qua ở Chợ Gạo (Tiền Giang), giá thanh long liên tục ở mức cao, người dân đổ xô nhau trồng thanh long. Tuy nhiên, việc trồng không tuân thủ quy trình kỹ thuật, thậm chí trồng không theo quy hoạch đang là vấn đề rất đáng quan tâm.
Phát triển "nóng"
Có thể nói chưa có lúc nào mà thanh long mở rộng diện tích nhanh như khoảng hai năm trở lại đây. Trên các tuyến đường về các xã Quơn Long, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An,..., hầu như đến nơi nào, chúng tôi cũng thấy vườn thanh long trồng mới, những khu đất đổ trụ xi măng còn mới.
Anh Trần Minh Hoàng đang cùng với các nhân công tỉa nhánh thanh long của vườn nhà ở ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, cho biết: "Vườn thanh long của tôi vừa mới lên được 6 tháng thay thế cho dừa và chuối. Thấy giá thanh long cao kéo dài, người dân đổ xô lên vườn trồng thanh long nên tôi cũng làm theo. Hiện nay, còn rất nhiều người đang chuẩn bị đổ trụ trồng thanh long".
Chị Võ Thị Mụi, cùng ấp, có 4 công trồng lúa, 2 năm qua, sản xuất lúa không có lợi nhuận do giá cả bấp bênh, thậm chí còn bị lỗ nên tháng 5 năm rồi, bà quyết định chuyển sang trồng thanh long. Mùa mưa tới là vườn thanh long của bà sẽ ra hoa. "Giá thanh long đang tốt, trồng thanh long mang lại hiệu quả cao.
Sau này không biết giá sẽ ra sao, nhưng chắc dù sao cũng đỡ hơn trồng lúa. Hiện, tôi còn 2 công ruộng đang trồng lúa. Với tình hình giá lúa thấp, bấp bênh thế này chắc sau khi thu hoạch xong, tôi cũng sẽ lên thanh long luôn quá" - chị Mụi bày tỏ.
Theo thống kê và ước tính của lãnh đạo UBND xã Tân Thuận Bình, đến nay, diện tích thanh long của xã đã phát triển lên đến trên 210 ha. Hiện nay, nông dân đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sang cây trồng này. Ước tính sau vụ đông xuân này, 80% diện tích lúa còn lại của xã sẽ chuyển lên trồng thanh long.
Dù không phải là địa bàn có truyền thống trồng thanh long nhưng thời gian gần đây, người dân xã Phú Kiết đã bắt đầu quan tâm đến cây trồng đặc sản này. Ước tính của xã, số diện tích trồng thanh long của xã đến nay lên đến 40-50 ha.
Dù chưa có thống kê chính xác của ngành chức năng về diện tích thanh long trên địa bàn huyện, nhưng theo ước tính của Phòng NN&PTNT huyện con số này lên đến khoảng 4.000 ha.
Hầu hết các xã trong vùng Đề án phát triển thanh long đến năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt đều phát triển mạnh diện tích cây trồng đặc sản này. Cụ thể, Quơn Long có gần 100% diện tích nông nghiệp đã chuyển lên trồng thanh long, 2/3 diện tích sản xuất nông nghiệp Mỹ Tịnh An trồng cây ăn trái này. Phần lớn các xã còn lại trong vùng quy hoạch thanh long cũng đều có tốc độ phát triển diện tích khá nhanh.
Cảnh báo môi trường vùng trồng
Theo Đề án phát triển thanh long đến năm 2015, toàn huyện Chợ Gạo có trên 4.500 ha sản xuất thanh long, trong đó, mục tiêu trọng tâm hướng đến là sản xuất thanh long đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Thời gian qua, người dân trong vùng đề án đẩy nhanh chuyển đổi lên trồng thanh long là điều rất vui mừng, góp phần hoàn thành mục tiêu về phát triển diện tích đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển diện tích, nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình sản xuất, tiêu thụ thanh long đang được đặt ra.
Do tác động của giá, nhiều nông dân ở ngoài vùng quy hoạch cũng "đua nhau" lên thanh long. Trong khi đó những vùng này, điều kiện tự nhiên, nước không đảm bảo cho cây trồng này phát triển, hệ thống thu mua chưa hình thành sẽ gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ.
Đặc biệt cùng với sự phát triển mạnh về diện tích, 2 năm trở lại đây, trong vùng xuất hiện tình trạng người dân bón phân gà tươi cho thanh long, nhất là đối với vườn mới trồng. Việc bón phân gà tươi đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa được khắc phục, gây tác động đến môi trường sống của người dân xung quanh, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, nguy cơ lây lan mầm bệnh cao cho cây trồng.
Ông Châu Ngọc Thẩm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Bình cho biết, trước đây, việc bón phân gà tươi cho thanh long rộ lên rất mạnh gây nên số lượng ruồi xuất hiện khá nhiều. Hiện nay, việc bón phân gà tươi cho thanh long đã giảm đi rất nhiều, nên ruồi cũng giảm đáng kể. Dù vậy, ông Thẩm khẳng định, tình trạng này vẫn còn và xã tiếp tục tiến hành vận động, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, khuyến cáo bà con không sử dụng cách bón phân như thế này.
Dọc các tuyến đường nối từ Quốc lộ 50 về Tân Thuận Bình, Quơn Long, chúng tôi thấy cạnh các trụ thanh long mới trồng đều có đặt một bao chứa phân. Có nơi, người dân còn "tập kết" các bao phân lại ven đường để chuẩn bị bón cho vườn thanh long. Mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Hỏi ra mới biết, đó là những bao chứa phân gà tươi.
Chúng tôi gặp một nông dân ở Tân Thuận Bình đã bón phân gà tươi cho thanh long được 3 tháng bộc bạch, phân gà tươi giúp cây thanh long phát triển tốt, nhanh. Khi được hỏi, mùi hôi của phân gà ảnh hưởng đến hộ dân xung quanh? Nông dân này cho biết, phân gà tươi được nông dân cho vào bao, sau đó rạch bụng bao để úp xuống gốc thanh long khoảng 3 - 4 tháng cho hoai mới lấy ra để hạn chế mùi hôi.
Tuy nhiên, cách làm như thế vẫn không thể hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường vùng trồng, hạn chế ruồi phát triển. Trong khi đó, theo các cơ quan chuyên môn, việc bón phân gà tươi không những không có lợi cho thanh long mà còn gây nhiều hệ lụy, tác hại cho cây trồng và môi trường.
Việc bón phân gà tươi cho thanh long gây ra ô nhiễm môi trường, phát sinh ruồi, lây lan mầm bệnh; ngoài ra, cách làm này còn ảnh hưởng đến tính an toàn, chất lượng của trái thanh long, nhất là xuất khẩu. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, sản xuất thanh long an toàn, sạch từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ đang ngày càng khắt khe, cấp bách. Phương thức bón phân này của nông dân còn làm tổn hại đến thương hiệu, giá trị của trái thanh long.
"Hiện nay, việc bón phân gà tươi cho thanh long đã giảm rất nhiều so với 2 năm trước do ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường cùng xã đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn, hội thảo, hướng dẫn cách sử dụng phân chuồng hợp lý, đảm bảo vệ sinh; khuyến cáo không sử dụng phân tươi để bón. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long vẫn còn.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã, ấp cần tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền cho dân hiểu, ý thức việc bảo vệ môi trường vùng trồng, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng để nâng cao giá trị trái thanh long trên thị trường trong nước và xuất khẩu" - ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện nói.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu cá tra ặp bất lợi về giá và rào cản kỹ thuật, giá cá tra không ổn định làm cho người nuôi cá tra còn gặp khó khăn. Trong khi đó giá tôm thế giới giảm, chi phí đầu vào tăng cũng gây khó cho người nuôi tôm.
Nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, giúp nông dân vùng đất nhiễm mặn ven biển Gò Công ổn định sản xuất và đời sống, Tiền Giang xây dựng vùng trồng chuyên canh sơri với gần 300ha.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa điều chỉnh giá sàn gạo xuất khẩu loại gạo trắng 25% tấm với giá tối thiểu là 350 USD/tấn (giá FOB) và bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (1/6).
Thời tiết đang ở những ngày cao điểm nắng nóng nhưng theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, thì câu chuyện đầu ra cho nông sản hiện nay còn “nóng” hơn thế nhiều
Theo ghi nhận, năm nay có thể sản lượng quả vải khá tốt, nên nỗi lo mất giá vẫn nặng.