Thanh Long Đã Hết Thời Chạy Theo Số Lượng
Dù kim ngạch xuất khẩu thanh long tiếp tục có sự bứt phá ấn tượng ở hầu hết các thị trường, nhưng người nông dân đang được khuyến cáo phải tập trung vào chất lượng của trái để tránh rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” như bài học đối với dưa hấu đầu năm nay
Xuất khẩu bứt phá
TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viên Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xuất khẩu hơn 200.000 tấn thanh long trị giá 150 triệu đô la Mỹ, tăng 40% về lượng và 60% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu mặt hàng thanh long đã có sự cải thiện tốt, theo ông Lập, nguyên nhân là do doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường cao cấp.
Cụ thể, xuất khẩu thanh long sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 6 triệu đô la Mỹ, tăng 38%; sang Nhật Bản đạt 3,1 triệu đô la Mỹ, tăng 150%; Hồng Kông đạt 2,5 triệu đô la Mỹ, tăng 190% và sang Hàn Quốc đạt 1,5 triệu đô la Mỹ, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc dù có biến động nhưng xuất khẩu thanh long cũng đạt 110 triệu đô la Mỹ, ông Lập cho biết.
Theo dự báo của Sofri, sản lượng thanh long cả nước trong năm 2014 đạt khoảng 650.000 tấn, tăng khoảng 50.000 tấn so với năm 2013, trong khi lượng xuất khẩu cả năm dự báo đạt khoảng 420.000-450.000 tấn, tăng khoảng 20.000-50.000 tấn so với năm 2013.
“Tuy nhiên điều đáng lo ngại hiện nay là lượng hàng đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu thì mình không đủ, còn hàng “dạt” lại rất nhiều,” ông Lập nói.
Chuyển đầu tư sang chất lượng
Chính đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng của thị trường nhập khẩu nên việc chuyển hướng đầu tư nâng chất trái thanh long là việc người nông dân cần phải thực hiện thay vì cứ chạy đua theo số lượng như hiện nay.
Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nộng thôn Long An, dù Trung Quốc được đánh giá là thị trường dễ tính nhất nhưng tiêu chuẩn nhập khẩu thanh long của họ vẫn là trái lớn, đều, da bóng đẹp. Trung Quốc đang phát triển cây thanh long nhưng do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên đa số trái của họ rất nhỏ và chỉ sản xuất được ở vụ thuận. “Chúng ta có thể lợi dụng điểm này để nâng chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh đưa trái thanh long của Việt Nam vào Trung Quốc,” ông nói.
Còn ông Lập của Sofri cho biết, do gần đây doanh nghiệp đã thâm nhập mạnh vào Mỹ, Nhật, Hông Kông, Hàn Quốc, là những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng trái rất cao, nên cần dịch chuyển đầu tư sâu về chất lượng, không nên chạy đưa theo số lượng nữa.
“Làm được điều này, đồng nghĩa chúng ta mở rộng thêm được thị trường cao cấp; nâng cao được giá trị sản phẩm xuất khẩu,” ông Lập nói.
TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ Thực vật, khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần phân loại trái thật kỹ và sản phẩm phải được đóng gói cẩn thận, bắt mắt trước khi xuất bán.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở Xóm Rẫy thuộc ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau) đang bước vào cao điểm thu hoạch dây thuốc cá.
Gần một tháng qua, giá chanh không hạt tại tỉnh Hậu Giang liên tục tăng. Hiện giá chanh loại I lên đến khoảng 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Đây cũng là giá chanh cao nhất từ trước đến nay tại địa phương này.
Hiện nay, mùa sầu riêng bắt đầu rộ, nhưng giá lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20%, nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang rất phấn khởi.
Ngày 6/5, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản các tỉnh phía Bắc ngày 6-5.
Lý do bởi người ta phun nhiều quá, sâu bị nhờn thuốc không chết hoặc người bán cố tình bắt sâu thả vào rau. Còn muốn ăn rau cằn xấu ư, đơn giản thôi, chỉ cần “đánh thuốc” đậm một chút là xong.