Thanh Long Bước Vào Thời Khó
Giá thanh long ở những vùng trồng trọng điểm đang xuống khá thấp, trong nhiều nguyên nhân, có tin đồn nhảm về việc Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu thanh long.
Ngoài ra việc thanh long phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ lớn về mặt thị trường.
Tin đồn Trung Quốc ngưng mua
Ông Nguyễn Hồng Hoàng, một hộ trồng thanh long ở ấp Lương Phú C (xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang), cho biết, giá thanh long ở khu vực này hiện đang ở mức rất thấp, có thể nói rẻ như bèo. Thanh long do thương lái thu mua tại vườn với hàng xấu chỉ còn 1.000 đ/kg. Hàng đẹp thì 3.000 đ/kg. So với cách đây chừng 10 ngày, giá thanh long ở Chợ Gạo đã giảm tới 7.000 đ/kg. Ở Long An, giá thanh long khá hơi đôi chút.
Theo ông Chín Lợi, nông dân xã Long Trì (huyện Châu Thành), giá thanh long loại đẹp ở đây đang vào khoảng 5.000-6.000 đ/kg, bán xô 2.000 đ/kg. Với giá này, những hộ chong đèn cho thanh long ra trái nhiều trong vụ này đang bị lỗ 2.000-3.000 đ/kg, vì giá thành của thanh long ở những vườn chong đèn là 8.000 đ/kg.
Ở Bình Thuận, giá thanh long cũng vừa xuống khá thấp nhưng đến giữa tuần này đã nhích lên một chút. Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho hay, giá thanh long bán xô tại vườn hiện khoảng 4.000 đ/kg, thanh long đẹp giá 9.000-10.000 đ/kg.
Lý giải về việc giá thanh long xuống thấp, theo ông Nguyễn Hồng Hoàng, nguyên nhân trước hết là do chất lượng thanh long vụ mùa ở Tiền Giang không tốt. Đợt nắng nóng vừa rồi đã làm cho thanh long nhìn chung có mẫu mã khá xấu, nên không thể bán được với giá tốt.
Mặt khác, tháng 5, tháng 6 là thời điểm rất nhiều loại trái cây khác cũng bước vào thu hoạch rộ, với giá bán khá rẻ. Giá 1 kg dâu xanh ở Chợ Gạo, bán tại vườn chỉ có 1.000 đồng, còn bán ở chợ chỉ 3.000-4.000 đồng. Giá mít, chôm chôm, xoài… cũng đang khá rẻ. Thanh long vụ mùa lại chín gần như đồng loạt, từ Nam Trung bộ vào Long An, Tiền Giang.
Không những thế, do từ cuối tháng 12 âm lịch năm ngoái đến cuối tháng 2 âm lịch năm nay, giá thanh long Chợ Gạo luôn ở mức cao, lúc đỉnh điểm lên tới 27.000 đ/kg tại vườn, khiến cho nhiều nông dân ồ ạt chong đèn trong thời gian dài nhằm đạt sản lượng lớn trong vụ mùa, làm cho sản lượng thanh long tăng nhiều so với vụ mùa năm ngoái.
Với những yếu tố ấy, khi đụng phải các loại trái cây khác đang bán với giá rẻ, thanh long không thể nào tránh khỏi tình cảnh bị dội hàng, rớt giá. Cánh thương lái nắm quá rõ điều ấy, nên tranh thủ đè giá thanh long xuống thêm nữa.
Ông Trần Ngọc Hiệp cũng cho rằng sản lượng thanh long thu hoạch trong mùa hè này tăng nhiều, trong khi đây là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây khác ở miền Nam, khiến cho trái thanh long bị rớt giá mạnh.
Bên cạnh những ý kiến trên, cũng có thông tin từ một số nhà vườn cho thấy đang có hiện tượng một số thương lái lợi dụng tình hình biển Đông, tung tin rằng Trung Quốc sẽ giảm mạnh, thậm chí ngừng mua thanh long Việt Nam, để ép giá nông dân.
Ông Chín Lợi, cho biết một số thương lái ở Long An đã tung tin rằng trước đây Trung Quốc cho thanh long Việt Nam đi sang qua nhiều cửa khẩu. Nay do vấn đề biển Đông, họ đã đóng gần hết các cửa khẩu này rồi, chỉ còn cho đi qua 1 cửa khẩu thôi, vì thế thanh long còn ứ đầy trong kho của các doanh nghiệp. Ở Bình Thuận, cũng có những lời đồn thổi tương tự.
Trong khi đó, theo ông Hiệp, cho đến thời điểm này, tình hình xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vẫn đang diễn biến bình thường. Nhu cầu tiêu thụ thanh long bên Trung Quốc vẫn đang khá lớn. Vừa qua, dù có hiện tượng một số người tiêu dùng Trung Quốc bỏ ăn thanh long Việt Nam nhưng không ảnh hưởng nhiều tới tiêu thụ thanh long của nước ta trên thị trường này.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, Trung Quốc không đóng cửa biên giới với trái thanh long, việc xuất khẩu thanh long sang bên đó vẫn đang diễn ra bình thường.
Việc buôn bán mang lại lợi ích cho cả hai bên, vì thế chưa có lý do gì để Trung Quốc ngưng nhập khẩu thanh long Việt Nam. Do đó, nếu như có tin đồn Trung Quốc đóng cửa với thanh long Việt Nam, người trồng thanh long nên bình tĩnh, tránh mắc bẫy thương lái mà vội vàng bán đổ bán tháo.
Nỗi lo lớn
Sự căng thẳng ở biển Đông nhìn chung chưa gây ảnh hưởng tới tiêu thụ, xuất khẩu thanh long, nhưng cũng từ Trung Quốc, đã hiển hiện một nguy cơ sẽ ảnh hưởng lớn hơn nhiều tới thanh long Việt Nam. Thời gian qua, một số nhà khoa học đã cảnh báo về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh trồng thanh long trên diện tích tới 20.000 ha (gần bằng diện tích thanh long của Việt Nam).
Mà khi toàn bộ diện tích này bước vào thu hoạch, thanh long Việt Nam gần như không còn cửa sang Trung Quốc, ngoại trừ trong 3 tháng mùa đông. Đến thời điểm này, lời cảnh báo nói trên đã bắt đầu trở thành sự thật.
Ông Trần Văn Hiệp cho biết, năm ngoái, một số diện tích thanh long ở Trung Quốc đã bắt đầu cho thu hoạch. Năm nay, diện tích thanh long cho thu hoạch ở Trung Quốc đã tăng thêm nhiều, đây cũng là một nguyên nhân đã bắt đầu gây ảnh hưởng xấu tới việc xuất khẩu thanh long Việt Nam sang nước này.
Điều đáng lo ngại là diện tích thanh long ở các vùng trồng thanh long trọng điểm của nước ta vẫn đang tăng lên không ngừng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những thông tin chưa chính thức cho thấy ở Bình Thuận trước đây có 15.000 ha thanh long, nay đã tăng lên 23.000 ha.
Ở Tiền Giang, diện tích thanh long từ 2.500 ha tăng lên 4.000 ha. Ở Long An diện tích thanh long hiện tại gần 3.000 ha. Diện tích tăng mạnh nhưng thị trường không những không được mở rộng thêm mà còn có nguy cơ thu hẹp lại, bởi Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… đều đã bắt đầu trồng thanh long.
Riêng ở Đài Loan đã có giống thanh long cho năng suất gấp 2-3 lần thanh long Việt Nam, lại chịu được thời tiết lạnh, và Trung Quốc đang tính sử dụng giống thanh long này. Nếu vậy, trong thời gian tới, thị phần của thanh long Việt Nam ở nước này có thể sẽ bị thu hẹp lại khá nhiều.
Đây chính là nỗi lo lớn nhất của thanh long Việt Nam, vì nếu như trong năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu thanh long của nước ta là 184 triệu USD, thì riêng ở thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 131 triệu USD (hơn 71%).
Ông Trần Ngọc Hiệp thừa nhận “Lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang quá lớn. Nếu như không còn thị trường này, thì cũng có thể xuất sang những thị trường khác, nhưng sẽ không giải quyết được bao nhiêu”.
Những con số do Hiệp hội Rau quả đưa ra sẽ thấy rõ điều này: từ năm 2008 đến nay, thanh long xuất khẩu sang Mỹ mới đạt 5.200 tấn; xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản từ 2009 đến nay là 3.600 tấn; Hàn Quốc nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 2010 và lượng nhập đến nay mới đạt 1.300 tấn.
Sắp tới, thanh long sẽ vào được một số thị trường khó tính khác như Úc, Đài Loan, New Zealand…, nhưng lượng xuất khẩu chắc chắn sẽ chưa nhiều. Vì thế, nếu tình trạng phát triển thanh long ồ ạt vẫn diễn ra như hiện nay đang dẫn tới nguy cơ không nhỏ về đầu ra cho loại trái cây chủ lực này.
Có thể bạn quan tâm
VN tự hào là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có thương hiệu cà phê ngoại nào hoạt động tại thị trường nội địa lấy cà phê Việt sử dụng trong chuỗi của mình.
Từ đầu năm đến đầu tháng 4-2014, trên địa bàn tỉnhThanh Hóa đã xảy ra 9 ổ dịch thủy sản của tôm sú, tôm thẻ chân trắng và ngao Bến Tre. Trong đó, 225,8 ha tôm sú tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), Quảng Phú (TP Thanh Hóa), Đa Lộc (Hậu Lộc)... bị bệnh đốm trắng; 8,5 ha tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh tại xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia); ngao nuôi Bến Tre chết rải rác ở 155 ha nuôi tại các xã Hải Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương).
Trước tình hình này, UBND xã Hòn Nghệ đã thông báo cho Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Kiên Lương, các ngành chức năng để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cá chết. Song song đó, UBND xã hướng dẫn bà con bằng mọi biện pháp tạo ôxy cho cá hoặc di dời lồng bè đến những nơi có dòng nước chảy để cứu số cá nuôi còn lại.
Tôm hùm có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó việc nuôi tôm thương phẩm lại thiếu tính bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến hết quý I/2014, diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố là 2.087 ha (trong đó diện tích thả nuôi năm 2013 sẽ thu hoạch năm 2014 là hơn 1.000 ha), đạt trên 16% kế hoạch, bằng 78,43% so cùng kỳ.