Thanh Long Bén Rễ Trên Vùng Đất Mới

Từ lâu, thanh long là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, được trồng tập trung ở huyện Chợ Gạo. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang), bên cạnh cây khóm và khoai mỡ, cây thanh long cũng đã bén rễ ở vùng đất mới này.
Do điều kiện thổ nhưỡng đặc thù, cây khóm được xem là loại cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước. Tuy nhiên, bên cạnh cây khóm thì cây thanh long cũng được bà con nông dân lựa chọn để phát triển trong những năm gần đây. Toàn huyện hiện có 70 ha trồng thanh long, nhiều nhất là thanh long ruột đỏ, tập trung ở các xã: Tân Lập 1, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Mỹ Phước… Với trên 27 ha trồng thanh long ruột đỏ, hiện Hưng Thạnh được xem là xã có diện tích trồng thanh long nhiều nhất của huyện.
Chú Võ Duy Thanh, ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh, là người tiên phong của xã trong việc đưa cây thanh long về với vùng đất phèn Hưng Thạnh. Chú Thanh đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng khóm sang trồng thanh long, với 4 ha đang cho trái. Chú thường xuyên tham gia các buổi hội thảo do ngành Khuyến nông tổ chức và đến học hỏi kinh nghiệm các nhà vườn Chợ Gạo. Ban đầu từ một vài trụ thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm, đến nay chú đã nhân được 3.500 gốc thanh long.
Chú Thanh khoe với chúng tôi, vừa rồi chú bán thanh long được giá 30 ngàn đồng/kg, thu lãi hàng trăm triệu đồng; vụ này khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, hiện tại thì giá bán cũng gần 30 ngàn đồng/kg. “Trồng thanh long cho thu nhập cao hơn so với trồng khóm hay khoai mỡ và cũng đỡ tốn công chăm sóc. Chú đang chuẩn bị trồng thêm 1 ha thanh long nữa” - chú Thanh vui vẻ cho biết.
Anh Phạm Hoàng Hận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thạnh cho biết, Hội Nông dân xã đã vận động người dân mở rộng thêm 2 ha trồng thanh long; phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long cho nông dân.
Còn ở xã Thạnh Tân, lúc đầu diện tích trồng thanh long chỉ 4 ha, nay đã phát triển hơn 13 ha thanh long ruột đỏ. Anh Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết: “Bình quân giá thanh long từ 25 - 30 ngàn đồng/kg, có khi giá thanh long ruột đỏ lên đến 70 ngàn đồng/kg, người trồng phấn khởi”.
Để có thể trồng cây thanh long hiệu quả trên vùng đất phèn Tân Phước, không chỉ đòi hỏi người trồng thanh long phải am hiểu các kỹ thuật trồng, khâu chăm sóc, quản lý dịch bệnh, mà điều quan trọng là phải biết cách nắm bắt những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật nhằm kịp thời ứng dụng vào diện tích của mình để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả.
Hiệu quả bước đầu cho thấy thanh long ruột đỏ thích nghi khá tốt trên vùng đất phèn Tân Phước. Nhiều người cho rằng, chất lượng trái thanh long ở Tân Phước cũng không thua kém với thanh long Chợ Gạo.
Anh Trần Hoàng Mị, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phước chia sẻ: “Sắp tới phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các cuộc hội thảo, nhằm đánh giá hiệu quả của cây thanh long. Từ đây sẽ nhân rộng mô hình này, cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến với nông dân”.
Có thể nói, Tân Phước giờ đây không chỉ có cây khóm đem lại hiệu quả kinh tế, mà cây thanh long cũng đang là lựa chọn của nông dân nơi đây. Tuy mới bén rễ trên vùng đất phèn Tân Phước, nhưng thanh long đã cho thấy được tiềm năng phát triển và giá trị kinh tế cao. Mặc dù diện tích trồng còn khá khiêm tốn so với cây khóm và khoai mỡ, nhưng trong thời gian tới cây thanh long hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân ở vùng đất mới một cuộc sống sung túc hơn.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình sản xuất tôm giống sạch giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu hướng tới cung cấp nguồn tôm giống sạch cho người nuôi, loại trừ khả năng sử dụng nguồn giống kém chất lượng vốn đã chiếm tới 30% nguồn tôm giống thả nuôi hiện nay.
Đó sẽ là những sản phẩm "made in Vietnam" được tạo bởi nhóm học sinh trường THPT An Lạc Thôn (thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ thời gian qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác quản lý dịch bệnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại bất cập. Nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi tôm, ngày 14/8/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã ký Chỉ thị số 6621/CT-BNN-TY về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

Công nghệ năng lượng mặt trời (NLMT) đang được ứng dụng thử nghiệm vào quy trình nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu với diện tích 5 ha; tại Đầm Dơi - Cà Mau 0,3 ha với những lợi ích về môi trường cũng như làm giảm chi phí nuôi.
Ngày 19/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì buổi làm việc với Tổ chức Thương mại sáng kiến bền vững Hà Lan tại Việt Nam (IDH) và Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam về Chương trình phát triển cá tra bền vững.