Thanh Hóa Xóa Đói, Giảm Nghèo Nhờ Trồng Ớt
Vài năm trở lại đây, cây ớt xuất khẩu đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa có hiệu quả kinh tế thuộc loại cao nhất trên các xứ đồng trong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký hợp đồng trồng ớt cho các doanh nghiệp. Nông dân cũng có lãi cao và đem lại thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Có mặt tại cánh đồng màu thôn Mỹ Nga, xã Định Bình (Yên Định), một không khí lao động hối hả, vui nhộn bởi tiếng nói, cười của hàng chục nông dân thu hoạch ớt để xuất khẩu. Được biết, 3 năm trở lại đây, xã Định Bình đã liên hệ ký hợp đồng bao tiêu ớt với một doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Đã thành thời vụ cố định, cứ vào tháng 9 hằng năm, bà con nơi đây lại cày bừa, vun luống, nhận giống để canh tác cây trồng hàng hóa này.
Đến khoảng tháng 6, tháng 7 năm sau, vụ ớt mới kết thúc. Xã hiện có 13 thôn thì đã có 5 thôn phát triển nghề trồng ớt, coi đây là cây trồng chính. Vụ này, riêng thôn Mỹ Nga đã phát triển 60 ha với 40 hộ nông dân tham gia canh tác; 4 thôn còn lại, mỗi thôn cũng phát triển từ 30 đến 50 ha.
Theo nông dân ở đây, ban đầu khi chính quyền tuyên truyền, nhiều người còn nghi ngờ tính khả thi trong chuyển đổi cây trồng này. Sau vụ đầu cho thu nhập cao, nhiều hộ mới triển khai trồng theo kế hoạch của xã. Tại địa phương, trồng một sào ớt chỉ thiên cũng thu lãi trung bình từ 30 đến 50 triệu đồng/vụ.
Thời điểm tháng 3, tháng 4 vừa qua khi cây ớt cho quả nhiều nhất, một lần thu hoạch cho tới 70 đến 80 kg/sào. Bà Lê Thị Quế, thôn Mỹ Nga, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2 sào ớt, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, gấp nhiều lần các cây trồng truyền thống trước kia”. Trong thôn, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ trồng ớt.
Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn An - 2 ông bà già nghèo nhưng năm 2013 vừa qua đã thu lãi 80 triệu đồng tiền bán ớt nên kinh tế gia đình đã ổn định thoát nghèo. Gia đình anh Phạm Văn Lợi cũng liên tục có thu nhập để cung cấp cho con trai học đại học tại TP Hà Nội nhờ trồng 2 sào ớt.
Không chỉ ở Định Bình, việc trồng ớt xuất khẩu đang phát triển mạnh trên địa bàn nhiều xã ở huyện Yên Định với tổng diện tích 361 ha. Toàn bộ diện tích này hiện được các doanh nghiệp như: HTX rau quả Cẩm Sơn, Công ty TNHH Tuấn Linh, Công ty CP XNK rau quả Thanh Hóa... nhận bao tiêu sản phẩm. Vào mỗi đầu vụ, các doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nông dân canh tác theo quy trình kỹ thuật.
Tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Như Thanh, Vĩnh Lộc... hàng nghìn hộ nông dân đang dần khá giả nhờ trồng ớt xuất khẩu. Thông tin từ HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Phú Lộc (Hậu Lộc), vụ này, toàn xã có gần 50 ha ớt, trong đó 22 ha ớt chỉ thiên, còn lại là ớt lai. 10/10 thôn trong xã đều phát triển diện tích ớt với tổng số hơn 600 hộ tham gia.
Ông Trần Thanh Tú, Chủ nhiệm HTXDVNN Phú Lộc, khẳng định: Xã đã tiến hành trồng ớt xuất khẩu từ năm 2005, diện tích được mở rộng dần. Ớt chính là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong các cây trồng tại địa phương từ trước đến nay.
Năm 2014 này, giá trị canh tác ớt ước lãi trung bình khoảng 15 triệu đồng/sào, tương đương 300 triệu đồng/ha”. Doanh nghiệp bao tiêu là Công ty CP Xuất khẩu rau quả Thanh Hóa và cũng đã ký hợp đồng cam kết với HTXDVNN, nếu giá ớt trên thị trường có xuống thấp thì công ty vẫn thu mua cho các hộ dân với giá từ 10.000 đồng/kg trở lên.
Tại huyện Hoằng Hóa, nhiều hộ nông dân các xã Hoằng Châu, Hoằng Phong, Hoằng Ngọc... đang dần khá giả nhờ trồng ớt xuất khẩu. Bà Lê Thị Chinh, thôn 1, xã Hoằng Hải, cho biết: “không ngờ vùng đất cát pha ven biển của chúng tôi mà ớt vẫn cho năng suất cao đến 3 tấn/sào/vụ.
Trồng ớt lại cho thu nhập liên tục trong vòng 6 tháng nên người nghèo luôn có tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống, nuôi con học hành. Kỹ thuật trồng ớt cũng không khó, chỉ cần 1 lao động cần cù là có thể canh tác và thu hoạch 1 đến 2 sào ớt trong cả vụ”.
Hiệu quả trồng ớt xuất khẩu cao hơn nhiều cây trồng khác bởi ở các mô hình đều có hợp đồng bao tiêu của các doanh nghiệp, nông dân mới trồng nên không có hiện tượng canh tác tự phát ồ ạt. Việc trồng ớt theo quy trình cũng chính là biện pháp để người nông dân tỉnh nhà dần làm quen với trình độ thâm canh tiên tiến, sản xuất hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận chưa xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo. Hiện tại, ngành đang tập trung chỉ đạo chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm…
Sáng ngày (3/8), Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi”.
Cách đây 5 năm, người dân vùng ven biển Quảng Nam chọn nuôi đà điểu để xóa đói giảm nghèo. Nhưng thời gian gần đây người dân không còn mặn mà với mô hình này bởi khó tìm đầu ra.
Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An (Phú Yên) vừa nghiệm thu mô hình nuôi thử nghiệm cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất.
Phát huy lợi thế về ao, hồ, sông, suối và lòng hồ thủy điện trên địa bàn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện lên 325 ha.