Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Hóa Làm Giàu Từ Sản Xuất Vụ Đông

Thanh Hóa Làm Giàu Từ Sản Xuất Vụ Đông
Ngày đăng: 07/10/2014

Trước đây, ở Thanh Hóa nhiều người chỉ coi vụ xuân và vụ mùa mới là vụ sản xuất chính, chưa mấy coi trọng sản xuất vụ đông. Nhiều năm gần đây, các giống lúa ngắn ngày được lai tạo và du nhập ngày càng nhiều nên thời gian cho vụ đông được kéo dài, thuận lợi cho việc sản xuất.

Đây cũng chính là thời điểm có thời tiết lạnh nên bà con nông dân có thể trồng nhiều rau màu, cây hàng hóa xuất xứ từ đới lạnh. Từ những lợi thế ấy, tỉnh luôn quan tâm để thúc đẩy sản xuất vụ đông, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp trên từng đơn vị diện tích.

Năm nay, ngay từ ngày 9 – 9, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định 2933/QĐ – UBND, phê duyệt kinh phí hỗ trợ nông dân mua giống ngô, khoai tây gieo trồng vụ đông 2014 – 2015. Vào cuối tháng 9, UBND tỉnh tiếp tục có Công điện số 08, gửi các huyện và các đơn vị liên quan để chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa mùa, đẩy nhanh sản xuất vụ đông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc và đồng hành cùng bà con nông dân trong gieo trồng vụ đông, đồng thời thành lập 5 tổ công tác xuống phối hợp với các địa phương chỉ đạo, đôn đốc việc gieo trồng cây màu vụ đông trong khung thời vụ. Các huyện cũng xây dựng kế hoạch cụ thể về diện tích của từng loại cây trồng.

Có thể khẳng định, không có vụ sản xuất nào trong năm được các cấp chính quyền cùng ngành NN&PTNT quan tâm chỉ đạo sát sao như vụ đông này.

Chúng tôi đến huyện Yên Định, nơi có phong trào sản xuất vụ đông nhộn nhịp bậc nhất tỉnh. Tại đây đi liền với những chiếc máy gặt đập liên hợp đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa là những chiếc máy làm đất đang hoạt động hết công suất.

Trên hầu khắp các cánh đồng, những nông dân đang hối hả, tất bật “chạy đua” với thời gian để làm vụ đông cho kịp thời vụ. Vừa lau những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, ông Nguyễn Văn Đạt, thôn Mỹ Nga, xã Định Bình (Yên Định), tâm sự: “Để gieo trồng được 5 sào vụ đông theo đúng thời vụ, hơn nửa tháng qua, hôm nào hai vợ chồng tôi cũng phải đi từ sáng sớm tinh mơ, làm việc không ngừng nghỉ đến tối mịt mới về.

Công việc tuy có vất vả nhưng các hộ dân ở đây đều thấy vui bởi chỉ một thời gian ngắn nữa, những lứa ớt, luống cà, vạt rau sẽ cho thu hoạch. Với nhiều gia đình trong thôn, đây chính là nguồn thu nhập chính, giúp bà con có “đồng ra, đồng vào”, có tiền mua sắm Tết”. Khi được hỏi về thu nhập từ vụ đông, ông tỏ ra vui mừng bởi vụ đông vừa qua, gia đình ông “thắng lớn” nhờ bán được 2 sào ớt xuất khẩu đúng dịp giá cao, trừ chi phí mỗi sào cho lợi nhuận từ 60 đến 70 triệu đồng.

Bên cạnh ớt, cây cà pháo, dưa chuột, rồi súp lơ cũng cho lãi khoảng 5 - 6 triệu đồng/sào/vụ, đã giúp cho gia đình ông có nguồn thu ổn định. Năm nay, người dân trong thôn vẫn tiếp tục gieo trồng những cây trồng phù hợp nhu cầu của thị trường với hy vọng về một vụ đông nữa được mùa, được giá.

Đối với nông dân Trịnh Xuân Sự, thôn Thành Phú, xã Định Tường (Yên Định), vụ đông không đơn giản chỉ là vụ sản xuất để “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, mà là vụ tạo ra cho nông dân cơ hội phát triển kinh tế nếu biết nắm bắt thời cơ.

Nhận thức được điều này, với quyết tâm phát triển kinh tế từ vụ đông, nhiều năm nay, anh Sự luôn chọn những cây được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ với giá cao, như: súp lơ xanh, mướp đắng, cà chua... để trồng trên 8 sào đất màu và đất 2 lúa của gia đình.

Để sản phẩm làm ra, bán được giá, anh Sự lựa chọn những giống ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng tốt; đồng thời, áp dụng lịch thời vụ và kỹ thuật gieo trồng, bởi vậy sản phẩm cho thu hoạch sớm, lứa thu hoạch đầu và thứ hai luôn bán được với giá cao. Nhờ vậy, những năm trước, với 8 sào cây trồng vụ đông, trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng.

Để hoàn thành kế hoạch gieo trồng 5.556 ha trong vụ đông 2014 - 2015, ngay từ những ngày đầu tháng 9, huyện Yên Định đã liên tục phổ biến cho bà con nông dân về lịch thời vụ gieo trồng vụ đông cho từng loại cây trồng, cùng với đó là cử cán bộ xuống tận địa bàn đôn đốc và trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa, sản xuất vụ đông theo phương châm: sáng lúa chiều cây vụ đông.

Nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt cùng sự nỗ lực của bà con nông dân trong huyện, nên đến ngày 30 - 9, cùng với việc thu hoạch được 95% diện tích lúa mùa, toàn huyện đã gieo trồng được 4.506 ha cây màu vụ đông.

Chúng tôi đến huyện ven biển Quảng Xương, vẫn “không khí” rộn ràng của ngày mùa, trên khắp các cánh đồng, hình ảnh những người nông dân tất bật, hối hả, lưng đẫm mồ hôi gặt hái, cuốc, cày không bao giờ vắng bóng.

Sự nỗ lực không ngừng của bà con nông dân trong huyện để hoàn thành mục tiêu gieo trồng 3.000 ha của toàn huyện trong vụ đông 2014 – 2015. Không khí lao động hăng say của bà con nông dân đã khẳng định một điều: nhận thức về sản xuất vụ đông đã được nâng cao.

Đi một vòng trên các cánh đồng của huyện Quảng Xương, có không ít những hình ảnh đan xen giữa một bên là những ruộng lúa đang được nông dân khẩn trương thu hoạch, kế bên là những thửa ruộng đã được trồng ngô. Theo nhiều bà con, động lực khiến họ ngày càng thiết tha với vụ đông là hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa.

Tìm hiểu tại một số địa phương, tiến độ sản xuất vụ đông đến đầu tháng 10 – 2014 còn chậm. Thời gian cho sản xuất các cây màu vụ đông không còn dài, phải có sự chỉ đạo sát sao, đôn đốc kịp thời hơn nữa của ngành NN&PTNT cũng như chính quyền các địa phương và sự nỗ lực của chính bà con nông dân để vụ đông không những trở thành vụ sản xuất chính trong năm mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.


Có thể bạn quan tâm

Giải Pháp Sử Dụng Đất Phèn Hiệu Quả Giải Pháp Sử Dụng Đất Phèn Hiệu Quả

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL đang diễn ra mạnh mẽ, việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả những vùng đất phèn rộng lớn của vùng là vấn đề được các nhà khoa học và nông dân quan tâm.

21/05/2014
Vấn Đề An Toàn Vùng Nuôi Trước Dịch Bệnh Bùng Phát Vấn Đề An Toàn Vùng Nuôi Trước Dịch Bệnh Bùng Phát

Đảm bảo an toàn vùng nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh, dịch bệnh bùng phát, người nuôi tôm không sử dụng thuốc, hóa chất cấm trong nuôi tôm.

13/06/2014
Nâng Cao Chất Lượng Trái Cây Đặc Sản Nâng Cao Chất Lượng Trái Cây Đặc Sản

Cần chọn vùng đất thích nghi để quy hoạch thành vùng chuyên canh. Chọn cây giống có phẩm chất cao, sạch bệnh. Chú ý sử dụng cây giống đầu dòng làm mắt ghép và khai thác ưu thế của gốc ghép khỏe để giúp cây mới dễ ra hoa, đậu trái, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với môi trường.

13/06/2014
Sản Lượng Vải Thiều Sớm Ước Đạt Gần 20 Nghìn Tấn Sản Lượng Vải Thiều Sớm Ước Đạt Gần 20 Nghìn Tấn

Thời điểm này, hơn 4 nghìn ha vải thiều sớm tập trung ở Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế (Bắc Giang) chuẩn bị cho thu hoạch.

21/05/2014
Hà Tĩnh Xây Dựng Thành Công Mô Hình Trồng Bí Xanh Tre Việt Hà Tĩnh Xây Dựng Thành Công Mô Hình Trồng Bí Xanh Tre Việt

Huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng thành công mô hình trồng bí xanh Tre Việt tại xã Thạch Châu cho thu nhập 140 triệu đồng/ha, với hiệu quả kinh tế gấp 4-5 so với trồng lạc, lúa.

21/05/2014