Thanh Hóa Bấp Bênh Nghề Nuôi Ngao
Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa với sản lượng hàng năm khoảng hơn 15.000 tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân của tỉnh. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, đầu ra cho con ngao xuống thấp khiến cho nghề nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.
Những năm 2010 - 2012, nuôi ngao ở tỉnh Thanh Hóa được coi là nghề mang lại thu nhập cao. Cũng vào thời điểm đó, Trung Quốc được xác định là thị trường trọng điểm tiêu thụ ngao của tỉnh, chiếm đến hơn 50% lượng ngao xuất khẩu, chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Ấy vậy mà “gió bỗng đổi chiều”. Từ đầu năm 2013 trở lại đây, thị trường này bất ngờ “xuống dốc”. Do ngao thương phẩm không có thị trường tiêu thụ, khiến các hộ nuôi ngao lâm vào tình cảnh bế tắc, sản xuất ra mà chẳng biết bán cho ai. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, các chủ đầm ngao đành tìm cách bán tháo, vớt vát “được đồng nào hay đồng ấy”.
Anh Hoàng Văn Giao, ở Thôn Điền, xã Quảng Nham (Quảng Xương), là một trong những người đầu tiên khởi xướng đưa con ngao trắng Bến Tre về nuôi trên đất Quảng Xương từ những năm 2000, cho biết: “Trước đây, nghề nuôi ngao đòi hỏi chi phí lớn về giống vì phải nhập từ tỉnh Bến Tre về, thông thường thả 1 ha ngao giống chi phí khoảng 200 triệu đồng (tùy mật độ thả, kích cỡ con giống); tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ngao không phải chăm sóc, cho ăn nên bà con vẫn có lãi.
Năm nay giá ngao giảm, không tiêu thụ được, ngoài yếu tố đầu ra không ổn định cũng một phần do nhiều hộ dân thấy nuôi ngao những năm trước lãi lớn đã tự phát vay vốn, thuê bãi, đầu tư cải tạo để nuôi ngao. Trong khi đó người nuôi ngao khi chưa nắm vững quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi, thả giống mật độ quá dày, gây ra tình trạng dịch bệnh, thua lỗ.
Anh Vũ Văn Sơn, thôn Thanh, xã Quảng Nham, cho biết: “Vụ nuôi 2011 - 2012, qua tìm hiểu thấy năng suất ngao của các hộ nuôi ở địa phương đều đạt từ 25 - 30 tấn/ha (tùy theo mật độ thả con giống), đến vụ thu hoạch, hầu hết sản lượng ngao được thương lái về tận bãi thu mua với giá 25.000 - 28.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, thu lời khoảng 150 triệu đồng/ha. Đến vụ nuôi 2012 - 2013, gia đình anh Sơn vay tiền ngân hàng và anh em, đầu tư gần 1 tỷ đồng cải tạo bãi bồi, mua giống nuôi 1 ha.
Bắt đầu vào thả, giá con giống mua cao, sau hơn 1 năm chăm sóc, khi ngao đến tuổi thu hoạch thì giá giảm mạnh, chỉ còn 14.000 đồng/kg loại 65 con/kg và 12.000 đồng loại hơn 70 con/kg, nhưng tiêu thụ vẫn chậm. Hiện tại, gia đình anh Sơn đang đứng trước nguy cơ không trả được nợ cũng như vốn để tái sản xuất vụ tới.
Huyện Hậu Lộc là huyện có diện tích nuôi ngao lớn nhất tỉnh, tập trung chủ yếu tại 3 xã bãi ngang với gần 500 ha, trong đó Hải Lộc 200 ha, Đa Lộc 140 ha, Minh Lộc 65 ha... Sản lượng ngao bình quân khoảng 7.000 tấn/năm. Một lứa ngao, tùy theo ngao giống to hay nhỏ, thời gian là 1 năm hay hơn 1 năm. Từ năm 2012 trở về trước, một số hộ giàu lên từ nuôi ngao.
Trong xã, ngoài thôn nhiều nhà 2 - 3 tầng mọc lên san sát, thế nên chuyện “nhà nhà nuôi ngao, người người nuôi ngao” không còn là chuyện lạ của người dân nơi đây. Nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn, từ giữa năm 2013, khi người dân đang rộn ràng chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu thì bỗng nhiên giá ngao giảm mạnh do không tiêu thụ được đã khiến nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần.
Chị Nguyễn Thị Nương - hộ nuôi ngao tại xã Đa Lộc, chia sẻ: “Nhà tôi có 2 ha nuôi ngao mà giờ không bán được. Vừa rồi do nắng nóng nên ngao bị chết, giá ngao giờ lại rẻ nên không biết bấu víu vào đâu được”. Ở huyện Hậu Lộc nhiều gia đình như gia đình chị Nương, lâm vào cảnh trắng tay, gánh một khoản nợ chồng chất từ vốn vay ngân hàng.
Để gỡ khó cho ngư dân, huyện Hậu Lộc đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để tăng cường tập huấn các quy trình kỹ thuật, môi trường, nhằm hướng tới sản phẩm nuôi, trồng có chất lượng cao; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao, công suất chế biến bình quân 20.000 tấn/năm tại vùng triều, để đưa nghề nuôi ngao phát triển bền vững; chủ động hỗ trợ người nuôi trong việc xây dựng thương hiệu.
Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà nghề nuôi ngao mang lại. Tuy nhiên, những thiệt hại mà nhiều hộ nuôi ngao ở tỉnh đang phải gánh chịu chính là hồi chuông cảnh báo về sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc - một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, các doanh nghiệp và người nuôi ngao cần phải cảnh giác, tránh ham cái lợi trước mắt, chạy theo nhu cầu ảo, dẫn tới những thiệt hại khó lường.
Trước những khó khăn đặt ra của người nuôi ngao, ngành nông nghiệp cần có chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tổ chức kết nối doanh nghiệp với người dân trong việc bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, cần khảo sát, quy hoạch cụ thể việc phát triển diện tích đầm, bãi nuôi thả ngao trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị con ngao, đã đến lúc cần phát triển, xây dựng thương hiệu ngao Thanh Hóa, từ đó tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Văn Thắng lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Năm 1970 trong một trận đánh ác liệt tại chốt cầu Khởi, ông Thắng bị thương phải về bệnh viện dã chiến K116 điều trị. Đến năm 1972, ông Thắng xuất ngũ trở về quê hương tại thôn An Bản, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Sau 2 năm tiến hành nuôi thử nghiệm, sáng 28/7, Trung tâm Thủy sản Điện Biên và Sở Khoa học & Công nghệ đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả và khả năng nhân rộng Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá lăng chấm Hemibarus gattaus thương phẩm trong ao” (sau đây gọi tắt là dự án nuôi cá lăng thương phẩm).
Nhằm tìm ra những đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, góp phần đa dạng cơ cấu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 7/2015, Trung tâm Thủy sản triển khai thí điểm mô hình “nuôi cá chạch đồng trong ao” bằng nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng.
Đó là nội dung được rất nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại hội nghị "Triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020" do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 22-7.
"Bại hoại với diện tích ao nuôi chỉ khoảng 20% và số thành công những ao nuôi này chỉ 60%. Cũng có hộ nuôi thành công cao hơn nhưng nhờ hạ tầng kỹ thuật tốt, có kiểm soát khuẩn hại và nuôi với mật độ vừa phải. Đến nay, hơn 70% diện tích ao nuôi bỏ trống, nhiều hộ dân, trang trại bỏ nghề, có cơ sở tháo chạy hoàn toàn" - ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh nói về những khó khăn với hội viên của mình 6 tháng đầu năm nay.