Thành Công Từ Nuôi Gà Đẻ Trứng
Sau khi nghỉ chế độ, ông Đinh Sỹ Chung, xã Ninh Khang (Hoa Lư - Ninh Bình) đã sang một số nước: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... tìm hiểu, học cách nuôi gà lấy trứng vốn đang được thị trường ưa chuộng và có nhiều tiềm năng phát triển.
Năm 2003, được thuê 3 ha đất tại xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp), ông đã đầu tư trên 600 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô 6.000 con. Thời gian đầu, trại thường xuyên phải nhờ các chuyên gia tư vấn, chuyển giao về quy trình kỹ thuật, nuôi gà phù hợp với điều kiện của địa phương. Năm 2005, dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, đã làm cho Trại bị thiệt hại nặng, ước tới hàng tỷ đồng. Không nản chí, ông Đinh Sỹ Chung đã quyết tâm đầu tư khôi phục đàn gia cầm giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Cùng năm đó, trang trại phát triển thành Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Quang Trung với quy mô chăn nuôi tăng lên 60.000 con gà đẻ trứng, gấp 10 lần so với năm 2003. Một trong những điều khó khăn nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công ty đã tích cực đầu tư phương tiện, con người, tìm đối tác, mở các cửa hàng, đại lý không chỉ ở các địa phương trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh bạn, các thị xã, thành phố lớn.
Cùng với đó, Công ty đã áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm trứng gà của Công ty đã có chỗ đứng và có uy tín trên thương trường toàn quốc, được các Công ty: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Tràng An... đến liên hệ, ký hợp đồng mua hàng thường xuyên. Tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh... đều có hệ thống đại lý của Công ty. Hiện tại, với 60.000 con gà đẻ, mỗi ngày Công ty cung cấp ra thị trường từ 54.000-55.000 quả trứng, lợi nhuận thu về từ 200-300 triệu đồng/tháng. Đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Chung cho biết: Có thành công này là do Công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật trong chăn nuôi; hệ thống chuồng trại khép kín có hệ thống điều hòa nhiệt độ đảm bảo cho nhiệt độ trong chuồng trại luôn luôn được ổn định; hệ thống lấy phân, cho ăn, uống nước được tự động hóa; chuồng trại cách biệt hoàn toàn với khu vực xung quanh. Công ty đã áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: Thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo đúng độ tuổi; có lịch trình tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại định kỳ; trại có hệ thống sát trùng khi người và phương tiện ra vào trại; nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh; xung quanh trang trại trồng cây xanh và đào ao... Phương châm của Công ty là: “Phòng bệnh nghiêm ngặt mới đem lại hiệu quả chăn nuôi cao”, “Hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới tiêu thụ được nhiều”.
Cũng theo ông Giám đốc Công ty, trong thời gian tới Công ty dự kiến đầu tư thêm 10 tỷ đồng nâng quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng lên 100.000 con, mở rộng trang trại nuôi gà hậu bị đảm bảo về chất lượng con giống cũng như chủ động được nguồn giống trong quá trình chăn nuôi. Công ty mong muốn được sự ủng hộ, giúp đỡ tạo điều kiện của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp.
Có thể bạn quan tâm
Với gần 482 tổ, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, kích thích nền kinh tế tập thể phát triển mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Hiện các hộ dân tích cực vệ sinh vườn thanh long sạch, thông thoáng, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để mầm bệnh bằng cách thu gom các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh đem chôn sâu hoặc dồn đống sau đó rắc vôi và tủ bạt, không để các tác nhân gây bệnh phân tán trong không khí. Qua thực hiện chiến dịch giúp nông nhận thức rõ hơn về bệnh đốm trắng và tích cực phòng trị theo phương pháp tổng hợp IPM.
Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.
Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.
Năng suất lúa bình quân đạt 57,3 tạ/ha, tăng 2,1%, sản lượng tăng 1,1%; so với năm 2013. Cây bắp năng suất ước đạt 54,8 tạ/ha, sản lượng 57.746 tấn. So với kế hoạch, năng suất tăng 3,4%, sản lượng tăng 2,1%. Các loại cây trồng ngắn ngày, cây chủ lực như mía và mì đều tăng trưởng đạt kế hoạch về diện tích, sản lượng.