Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Từ Niềm Đam Mê

Thành Công Từ Niềm Đam Mê
Ngày đăng: 22/09/2014

Anh Giang Mạnh Tuấn (sinh năm 1982) cư ngụ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), thuê đất ở phường Hiệp Thành và Phú Mỹ để làm rau thủy canh. Đến xem vườn rau của anh Tuấn, nhiều người khen ngợi cách làm mới, hiệu quả của anh.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm năm 2000, anh xin vào làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương. Vừa làm vừa học, năm 2009, anh đậu đại học trường Đại học Công nghệ Sài Gòn và chuyển qua làm việc cho Công ty Vina Acecook Việt Nam.

Bước ngoặt lớn trong công việc của mình là lúc anh chứng kiến nhiều vụ ngộ độc xảy ra trên địa bàn tỉnh, mà nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm không an toàn. Với trăn trở làm sao sản xuất ra những loại thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, anh Tuấn đã bỏ công việc hiện tại, bắt tay vào nghiên cứu trồng rau thủy canh. Đây là một mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao và đem lại nguồn thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.

Giai đoạn đầu làm mô hình rau thủy canh anh gặp rất nhiều khó khăn. Đó là ba mẹ không đồng ý việc anh bỏ nghề về làm nông, không có vốn đầu tư, chưa có kinh nghiệm về phương pháp, kỹ thuật trồng rau thủy canh… Từ kiến thức đã học, anh tự mày mò, tìm hiểu quy trình sản xuất, tìm ra phương án sản xuất hợp lý nhất.

Hiện nay, sau 3 năm thử sức, anh đã duy trì được hoạt động sản xuất, nghiên cứu cách sơ chế, bảo quản rau thủy canh để sản phẩm luôn tươi ngon khi cung cấp cho khách hàng. Anh còn tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề tăng năng suất… Kết quả từ nỗ lực của mình, anh đã thành công với mô hình trồng rau thủy canh hình trụ đứng. Mô hình này đã giúp năng suất vườn rau của anh tăng lên gấp 9 lần so với mô hình cũ (trồng rau dạng tĩnh hồ) trên cùng một diện tích.

Hiện diện tích trồng rau của anh đã lên đến gần 1.500 m2 với 3 vườn. Anh đang trồng 7 loại rau ăn lá: Cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa, cải muỗng, cải ngồng, xà lách, rau thơm; 5 loại rau ăn quả: Bí xanh, bí đỏ, cà chua, dưa leo, cà tím. Phương pháp trồng rau thủy canh anh áp dụng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cây con 3 ngày tuổi được phun thuốc ngừa giúp đề kháng tốt, ít bệnh. Trong vườn nếu có sâu cũng được anh và nhân công thay nhau bắt chứ không dùng thuốc.

Rau thu hoạch được anh bán lẻ. Sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, tốt cho sức khỏe nên khách hàng tìm tới trại rau của anh ngày càng đông. Nhờ vậy giá thành sản phẩm cũng rất cạnh tranh do không phải qua thương lái. Rau sạch làm ra từ các vườn rau của anh có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi rau bình thường trên thị trường có giá đến 20.000 đồng/kg.

Nhiều siêu thị, thương lái đã tìm đến vườn rau của anh và đề nghị anh cung cấp nguồn rau ổn định, lâu dài, nhưng hiện tại anh chưa thể đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Anh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay của nhà nước nhằm mở rộng diện tích để sản xuất ra nhiều rau thủy canh hơn.

Với những thành công bước đầu, hiện nguồn thu nhập từ vườn rau hàng tháng của anh đạt 30 - 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí nhân công. Anh Tuấn cũng đã phối hợp với bộ phận chuyên môn của Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh cho 4 hộ ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, 2 hộ ở TX.Dĩ An và TX.Thuận An; đồng thời lên kế hoạch triển khai ở một số nơi khác. “Những hộ được chuyển giao sau 18 tháng sẽ lấy lại vốn; vườn rau có thể cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng/500m2”, anh Tuấn nói.

Trại rau của anh Tuấn cũng đã hỗ trợ cho các bạn sinh viên có nơi để thí nghiệm, thực tập. Điều quan trọng nữa là, vườn rau của anh đã giải quyết việc làm cho gần 30 lao động ở địa phương, với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài diện tích trồng rau hiện có, anh Tuấn cũng đang nghiên cứu mô hình trồng hoa Đà Lạt với các loại hoa như cát tường, huệ trắng, cúc...

Niềm đam mê, nhiệt huyết đã tạo động lực cho anh Tuấn làm ra thực phẩm sạch, chất lượng, giá cả cạnh tranh cung cấp cho người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

Ninh Thuận Nuôi Trồng Thủy Sản Hướng Đến Mục Tiêu Hoàn Thành Kế Hoạch Năm 2014 Ninh Thuận Nuôi Trồng Thủy Sản Hướng Đến Mục Tiêu Hoàn Thành Kế Hoạch Năm 2014

Theo Chi cục NTTS tỉnh, nhờ tập trung công tác chỉ đạo mùa vụ nuôi các đối tượng thủy sản hợp lý, qua hơn 6 tháng đầu năm đã cho thấy kết quả đạt được rất khả quan. Hầu hết các đối tượng nuôi nước ngọt, nước mặn và hải đặc sản đều sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thu hoạch cao, trong đó nổi bật là nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống.

28/07/2014
Diện Tích Cây Mắc Ca Sẽ Tăng Mạnh Diện Tích Cây Mắc Ca Sẽ Tăng Mạnh

Diện tích cây mắc ca trồng mới từ đầu năm 2014 đến nay chỉ là một con số quá khiêm tốn trong tổng diện tích cây lâu năm trồng mới của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, diện tích mắc ca của Lâm Đồng có khả năng tăng mạnh.

06/08/2014
Khánh Thành Nhà Máy Chế Biến Tôm Xuất Khẩu Lớn Nhất Miền Trung Khánh Thành Nhà Máy Chế Biến Tôm Xuất Khẩu Lớn Nhất Miền Trung

Ngày 26-7, tại xã Thành Hải, TP Phan Rang –Tháp Chàm (Ninh Thuận), Công ty TNHH Thông Thuận đã tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty và khánh thành nhà máy chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty, công suất 6.500 tấn thành phẩm/năm, với tổng mức đầu tư 13 triệu USD.

28/07/2014
Để Thủy Sản Thành Chương Trình Kinh Tế Nông Nghiệp Trọng Điểm Để Thủy Sản Thành Chương Trình Kinh Tế Nông Nghiệp Trọng Điểm

Khi đánh giá về kết quả phát triển thủy sản tại địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê) - nơi có trên 100 ha nuôi thủy sản cho biết: Mặc dù xã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nhưng do ruộng đất ít nên quy mô chăn nuôi thủy sản vẫn nhỏ.

06/08/2014
Nuôi Bò Tơ Có Giá Nuôi Bò Tơ Có Giá

Nuôi bò vàng, bò thịt vốn đã phát triển từ nhiều năm trước ở huyện Củ Chi (TPHCM). Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, đặc sản “bò tơ Củ Chi” bắt đầu nổi tiếng và lan rộng khắp miền Nam.

28/07/2014