Thành công nhờ liên kết trong sản xuất
Ngày 10.9, Hội Nông dân (ND) tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh giai đoạn 2011 -2015”.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tham dự hội nghị.
Ăn nên làm ra nhờ tổ hợp tác
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng thăm mô hình Tổ liên kết chăn nuôi gà sạch vay vốn Quỹ HTND tại Cam An Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: Mai Khuê
Từ năm 2012, sau khi đề án được phê duyệt, Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa đã có tổng số vốn 4 tỷ đồng. Trong đó, 100% các huyện, thị, thành hội được tạo điều kiện trích ngân sách và 65/126 cơ sở hội được ngân sách xã, phường cấp cho Quỹ HTND. Bên cạnh đó, quỹ còn được bổ sung thêm nguồn vốn từ sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân muốn góp phần vào việc giúp ND thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Từ đồng vốn Quỹ HTND, nhiều dự án đã phát triển sản xuất mang lại hiệu quả rất tốt. Điển hình như các mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại Cam An Bắc (Cam Lâm) có 14 thành viên, được Quỹ HTND hỗ trợ 400 triệu đồng.
Chính nhờ đồng vốn hỗ trợ này, tổ hợp tác đã phát triển sản xuất lên 5.000 con gà/trại, đầu tư thêm thức ăn, thuốc thú y… và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty chăn nuôi…
Hiện nay, Quỹ HTND đang cho hàng chục tổ liên kết, THT vay, trong đó có nhiều tổ ăn nên làm ra như THT sản xuất mỹ nghệ Cam Thuận Nam (Cam Ranh); THT đồ gỗ dân dụng Khánh Vĩnh; THT trồng cây cảnh (Phước Đồng, Nha Trang); THT trồng dừa xiêm.
Cần tuyên truyền sâu rộng hơn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng đánh giá cao việc ưu tiên cho các THT vay vốn từ quỹ HTND. “Thời gian tới, Hội ND Khánh Hòa nên phát huy cách làm này và chú trọng lồng ghép giữa việc cho vay vốn với các hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật để phát huy hiệu quả đồng vốn và nhân rộng các mô hình vay vốn hiệu quả” – ông Nguyễn Duy Lượng chỉ đạo.
Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm qua, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong quá trình triển khai hoạt động của Quỹ HTND cho thấy một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, chưa tạo điều kiện cho cơ sở hội vận động các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển quỹ hội.
Trong khi đó, hiện nay nhu cầu của nông dân cần vay vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo, vươn lên làm giàu là rất lớn.
Thay mặt Trung ương Hội NDVN, ông Nguyễn Duy Lượng nêu nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền lên hàng đầu trong 5 nhiệm vụ mà Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa phải làm trong thời gian sắp tới.
“Mục đích, ý nghĩa, hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND phải được chú trọng tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận trong việc vận động đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ ND có vốn phát triển sản xuất” - ông Nguyễn Duy Lượng nói.
Tính đến 31.7, tổng dư nợ Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa đạt trên 7,1 tỷ đồng, triển khai 43 dự án với 374 hộ được vay với quy mô dự án từ 100 – 300 triệu đồng/dự án. Đặc biệt, những dự án triển khai dạng tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh đã phát triển sản xuất mang lại hiệu quả rất tốt.
Có thể bạn quan tâm
Nhung của hươu sao được coi là dược liệu quý và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được tâm lý đó, gia đình ông Vũ Trí Long, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư nuôi loại động vật này.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Văn Hòa, khẳng định nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt cacao là rất lớn và đây là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La vừa tập huấn chuyển giao “Kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc” cho 30 học viên là nông dân sản xuất ngô giỏi trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm và trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh nội đồng và vùng ven biển.
Dự báo nhu cầu muối thế giới dự báo sẽ tăng 2,7% mỗi năm từ 2013 đến 2018, và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy nhu cầu tăng thêm trên toàn thế giới.