Thành Công Bước Đầu
Sau gần 1 năm triển khai, đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa” đã ghi nhận những kết quả bước đầu: tạo được nguồn giống nhân tạo, đạt hiệu quả khá cao về kinh tế.
Đề tài do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện trong 2 năm (từ tháng 10-2012 đến 10-2014), Từ tháng 3-2013, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành thả giống 3 mô hình sá sùng thương phẩm trong ao nuôi ở huyện Vạn Ninh, tiếp đó là 3 mô hình tại huyện Cam Lâm.
Sau gần 20 năm nuôi thủy sản (tôm, cá…), ông Lê Châu (thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) đã trải qua nhiều thăng trầm do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Sau đó, ông đã cải tạo một số đìa nuôi tôm không hiệu quả để nuôi thử nghiệm sá sùng, theo mô hình nuôi thuộc để tài nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Với sự hỗ trợ về giống, thức ăn và hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, sau gần 6 tháng, đìa nuôi của ông đã có lứa sá sùng đầu tiên, đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường. Với mật độ thả 50 con/m2, sá sùng phát triển tốt, độ lớn đồng đều, tỷ lệ sống đạt khoảng 62% (chỉ tiêu dự kiến là 40%). Ước tính, 300m2 ao nuôi sẽ đạt khoảng 100kg. Với giá bán 200.000 đồng/kg, người nuôi có thể thu khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí nuôi không cao. Ông Lê Châu cho biết: “Sá sùng rất dễ nuôi, hiệu quả kinh tế rất cao, hiện chưa thấy có dấu hiệu dịch bệnh. Tôi mong muốn Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tập huấn kỹ thuật nuôi, nhân rộng mô hình này để người dân địa phương phát triển kinh tế”.
Trước tình trạng môi trường nuôi thủy sản bị ô nhiễm, việc tìm ra đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng biển Khánh Hòa cũng như sự đầu tư của người dân địa phương là rất quan trọng. Với đặc điểm thích nghi với bùn đất, thức ăn là mùn bã hữu cơ, sá sùng có thể là đối tượng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặt khác, do giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu của thị trường đối với sá sùng khá cao. Tuy nhiên, do bị khai thác cạn kiệt, sản lượng sá sùng tự nhiện không nhiều. Theo Tiến sĩ Võ Thế Dũng, đây là đối tượng nuôi rất tiềm năng, nếu đầu tư nghiên cứu thêm thì sẽ trở thành đối tượng phát triển thương mại, đồng thời tạo được nguồn giống nhân tạo. Một thuận lợi nữa là vốn đầu tư vào con sá sùng hiện nay không cao, công nghệ nuôi lại không phức tạp, và đến thời điểm này, độ an toàn của nó cao hơn các loại thủy sản khác. Tiến sĩ Võ Thế Dũng và nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của sá sùng (so với tỷ lệ sống 62% của mô hình), đồng thời rút ngắn thời gian nuôi.
Cũng trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã bước đầu theo dõi phòng và trừ một số bệnh của sá sùng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi kết hợp sá sùng với một số đối tượng thủy sản khác, tìm hướng đi mới cho người nuôi. Nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục đầu tư phát triển đề tài, nhằm hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, không những đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường, phòng trừ dịch bệnh mà còn giúp người dân sản xuất sá sùng trên quy mô lớn.
Tiến sĩ Võ Thế Dũng: “Hiện nay chúng tôi đang từng bước nâng cao công nghệ sản xuất giống. Pha này chủ yếu là nhân mô hình nuôi thương phẩm và từ con giống đề tài sản xuất được. Năm 2014, chúng tôi sẽ mở lớp tập huấn để đào tạo kỹ thuật sản xuất giống nuôi thương phẩm cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ một phần con giống cho để người dân có thể tự sản xuất, coi đó là một bước để quảng bá công nghệ - tìm hướng đi mới cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hòa đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này diện tích có tôm thả nuôi trong toàn tỉnh Bạc Liêu là 84.000ha. Trong đó, tôm nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh 6.277ha. Trong tuần qua, nông dân đã thu hoạch 53.436ha tôm nuôi, sản lượng đạt gần 1.500 tấn. Sau khi thu hoạch, nông dân tiếp tục cải tạo ao vuông và thả tôm nuôi hơn 19.200ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đã có 5.408ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Công ty TNHH liên doanh Thung Lũng Nắng đang tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Trang trại nuôi cá “Thung lũng cầu vồng” tại xã Đạ Sar và xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Với tổng nguồn vốn 1,7 triệu USD, trên địa bàn 2 xã này, công ty thực hiện dự án trên 100ha rừng thuộc Khoảnh 3, Tiểu khu 115 và các Khoảnh 3, 7, 8, 9, Tiểu khu 99, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
Năm 14 tuổi, anh Trần Trọng Hoài ở khu 1, phường Tuần Châu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã lặn lội về quê gốc tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) để học nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 1993, trở về Tuần Châu, anh nhận thấy tại khu vực Nuỗng Đầm có thể cải tạo để nuôi thuỷ sản. Anh đã xin chính quyền cấp cho 10ha để phát triển kinh tế.