Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thăng Trầm Cây Khóm Hậu Giang

Thăng Trầm Cây Khóm Hậu Giang
Ngày đăng: 17/07/2013

Được tỉnh Hậu Giang lựa chọn là một trong bốn cây trồng chủ lực để phát triển, nhưng cây khóm Hậu Giang vẫn chưa thể mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho những người đã gắn bó hàng chục năm với cây trồng này.

Qua rồi thời hoàng kim

Khóm “Cầu Đúc” là đặc sản không chỉ nổi tiếng ở thị trường nội địa mà đã từng xuất khẩu sang tận Nga và Đông Âu vào những năm 80 của thế kỷ trước. Theo anh Lâm Trường Thọ, xã viên HTX nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh đang canh tác 3ha khóm thì đây là giai đoạn hoàng kim của người trồng khóm. Khi mà nhiều người đã giàu lên nhanh chóng. Cùng với đó là những căn nhà tường đồ sộ được mọc lên rất khang trang. Thế mà giờ đây, những người trồng khóm tại địa phương lại đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm, giá cả bấp bênh.

Còn ông Dương Văn Thanh, Chủ doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh ở xã Hỏa Tiến cho biết, sau khi trừ xong các khoản chi phí, trung bình mỗi năm, người dân còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha. Quả thực lợi nhuận này chưa cao hơn so với một số loại cây trồng khác như lúa, mía. Trong khi đó, từ năm 2005 đến nay, các nhà máy tiêu thụ, chế biến khóm không còn được Nhà nước ưu đãi hỗ trợ như trước mà vận hành theo cơ chế thị trường, tự hạch toán nên giá cả thu mua lúc cao lúc thấp. Dẫn đến tình trạng khi khóm thu hoạch nhiều thì các nhà máy lại thu mua chậm là chuyện khó tránh khỏi.

Trước năm 1990, diện tích khóm trên toàn tỉnh lên tới 7.000ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1.680ha, tập trung chủ yếu ở TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, từ lâu, khóm Cầu Đúc được nhiều người biết đến nhờ chất lượng, hương vị ngọt ngon rất đặc trưng của vùng đất mà ít có loại khóm nào bì được. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa khóm Cầu Đúc Hậu Giang, thế nhưng diện tích khóm của tỉnh đã bị thu hẹp rất nhiều. Bởi không ít người dân đã quay lưng với loại trái cây đặc sản này cũng vì hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra chưa thực sự ổn định để nông dân an tâm sản xuất.

Vốn là nhà khoa học từng gắn bó nhiều năm với cây khóm Hậu Giang, trong đó có cống hiến đáng ghi nhận về việc nghiên cứu giống khóm Queen (Cầu Đúc) sạch bệnh bằng phương pháp cấy mô, PGS-TS Lê Văn Bé, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, lý giải: Giá khóm trái bị sụt giảm do xuất khẩu không được, nhưng chi phí sản xuất tăng cao vì giá phân bón, nguồn giống bị thoái hóa, tập quán canh tác lạc hậu, rẫy khóm lan truyền mạnh bệnh héo khô đầu lá. Đây là những nguyên nhân làm cho diện tích bị thu hẹp và sản lượng khóm Hậu Giang giảm đáng kể so với trước đây.

Hướng đến năng suất và chất lượng

Với mục tiêu nâng cao năng suất và phẩm chất khóm đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước nên từ năm 2009 đến năm 2011, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô diện tích 9ha tại vùng chuyên canh khóm xã Hỏa Tiến. Hiện có 7 hộ, với diện tích 7ha được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sản xuất khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục nhân rộng diện tích lên 50ha trong thời gian tới.

Năm 2012, năng suất khóm của Hậu Giang đạt khoảng 15,5 tấn/ha, ước sản lượng cả tỉnh trên 26.200 tấn. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho hay, dự kiến, mỗi năm tỉnh sẽ phát triển thêm ít nhất 10ha khóm Queen sạch bệnh nhằm thay thế những diện tích bị héo khô đầu lá và thoái hóa, để từng bước phục hồi năng suất, sản lượng và diện tích của giống cây đặc sản này. Trên cơ sở hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống trong vùng đất nhiễm phèn mặn của tỉnh.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cây khóm được trồng từ Bắc đến Nam, với diện tích cả nước khoảng 40.000ha, năng suất bình quân hàng năm từ 15-20 tấn/ha ở các tỉnh phía Nam, 10 tấn/ha ở các tỉnh phía Bắc. Ước sản lượng khoảng trên 500.000 tấn, trong đó 90% là ở phía Nam. Cho nên Việt Nam được xem là một trong 10 quốc gia có sản lượng khóm cao trên thế giới. Tuy nhiên, khóm nước ta chưa được xếp hạng trong nhóm các nước xuất khẩu do phẩm chất trái và công nghệ chế biến khóm kém.

Do đó, vấn đề nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của cây khóm hiện nay để giúp cho việc sản xuất khóm an toàn, bền vững là rất cần thiết. PGS-TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận Thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: Bất lợi lớn nhất trong sản xuất khóm của người dân các tỉnh phía Nam, trong đó có Hậu Giang là sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao do năng suất, chất lượng thấp, nhưng chi phí canh tác lại cao.

Vì thế, không còn cách nào khác, bản thân người dân phải chủ động xây dựng quy trình, cách làm để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất. Từ đó mới mong ứng phó với tình hình giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, gia tăng hiệu quả sản xuất dài lâu cho gia đình.

Qua đây cho thấy, người trồng khóm cần quan tâm đẩy mạnh giải pháp sản xuất tập trung thông qua mối liên kết 4 nhà chặt chẽ, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất, có tính cạnh tranh cao để đáp ứng yêu cầu thị trường cần chứ không sản xuất theo tập quán truyền thống, nghĩa là làm ra sản phẩm mà mình có.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu với mô hình kinh tế tổng hợp Làm giàu với mô hình kinh tế tổng hợp

Xuất phát điểm chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng bằng ý chí và quyết tâm làm giàu, ông Nguyễn Hành, ngụ thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng - Quảng Ngãi) trở thành nông dân tiêu biểu của vùng đất quế, khi hằng năm thu lãi gần 300 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.

19/10/2015
Nỗi lo về giá cao su Nỗi lo về giá cao su

Từng mang lại đời sống sung túc cho hàng trăm ngàn hộ công nhân và vùng trồng cao su, bỗng chốc cây trồng chủ lực này của Tây Nguyên và nhiều tỉnh trong cả nước lại bị chủ nhân quay lưng, thậm chí nhiều nơi đốn hạ không thương tiếc. Tất cả chỉ vì một lý do: Giá.

19/10/2015
Nhật rót hơn 3 triệu USD trồng lúa chất lượng cao tại Việt Nam Nhật rót hơn 3 triệu USD trồng lúa chất lượng cao tại Việt Nam

Tờ Nikkei Asian Review cho biết, tập đoàn Kitoku Shinryo của Nhật Bản sẽ đầu tư 3,36 triệu USD để phát triển giống lúa chất lượng cao tại Việt Nam.

19/10/2015
Bayer góp phần thúc đẩy hợp tác trong chuỗi giá trị lúa gạoBayer góp phần thúc đẩy hợp tác trong chuỗi giá trị lúa gạo Bayer góp phần thúc đẩy hợp tác trong chuỗi giá trị lúa gạoBayer góp phần thúc đẩy hợp tác trong chuỗi giá trị lúa gạo

Từ ngày 14 - 16/10/2015, hơn 100 nhà hoạch định chính sách và chuyên gia về lúa gạo đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tham dự Diễn đàn Tương lai lúa gạo khu vực Đông Nam Á 2015 tổ chức tại Việt Nam.

19/10/2015
Sản xuất thành công giống lúa kháng sâu, rầy Sản xuất thành công giống lúa kháng sâu, rầy

Các vụ lúa gần đây, ngành nông nghiệp sản xuất thành công một số giống lúa chống chịu sâu bệnh, kháng rầy lưng trắng. Tuy nhiên, việc áp dụng vào sản xuất vẫn còn hạn chế.

19/10/2015